Thêm một tác phẩm viết về Vua Quang Trung
9:23', 8/2/ 2006 (GMT+7)

Đó là tác phẩm Áo vải cờ đào của tác giả Lam Hồng, Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành tháng 8 năm 2005. Với gần 200 trang sách, Áo vải cờ đào là bản anh hùng ca ngợi ca vị Hoàng đế Quang Trung vĩ đại.

Hầu hết mọi sự kiện lịch sử to lớn, có khả năng soi sáng phẩm chất anh hùng của Nguyễn Huệ - Quang Trung đều được tác giả quan tâm khai thác. Có thể thấy, tác giả là người am tường lịch sử, say mê lịch sử. Cho nên, lịch sử qua ngòi bút của tác giả hiện ra một cách sáng rõ, sinh động và không kém phần cuốn hút.

Từ những trang viết của tác giả, người đọc có thể cảm nhận được chiều sâu nhân cách người anh hùng qua những tình huống, những biến cố lịch sử…

Ở Việt Nam, xưa nay có khá nhiều tác phẩm viết về người anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung. Không kể những tác phẩm sân khấu, nói riêng về văn thơ, chúng ta có thể nhắc đến Hoàng Lê Nhất thống chí (Ngô Gia văn phái), Văn tế vua Quang Trung, Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Vua Quang Trung (Phan Trần Chúc), Kể chuyện Quang Trung (Nguyễn Huy Tưởng), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác)… Nói vậy để thấy, sự xuất hiện của Áo vải cờ đào thêm một lần nữa cho thấy, đề tài về người anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung vẫn còn đầy sức hấp dẫn, luôn hứa hẹn đem tới nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào cho người sáng tác.

Nét riêng của Áo vải cờ đào là tác phẩm được viết theo thể loại song thất lục bát. Thể loại này vốn rất thành tựu vào giai đoạn hoàng kim của văn học trung đại Việt Nam. Nói đến đặc sắc của thể song thất lục bát là người ta liền nghĩ ngay đến Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Ai tư vãn… Sang thế kỷ XX, thể loại này rất ít được dùng. Năm 1960, Tố Hữu đã vận dụng thể loại này và đã thành công với bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng.

Rất lâu rồi, chúng tôi mới gặp lại thể loại này qua Áo vải cờ đào. Điều đáng nói, tác giả Lam Hồng đã sử dụng thể loại này với mục đích thể hiện mạch cảm hứng ngợi ca lịch sử, ngợi ca nhân vật anh hùng chứ không nói về những nỗi niềm bi kịch của con người như các nhà thơ thời trung đại.

Tác giả Lam Hồng đã ghi được một kỷ lục về độ dài với 3.400 câu thơ. Thơ song thất lục bát không đến mức khó làm song viết hẳn một tác phẩm dài "ngút ngàn" như thế quả là điều không dễ. Tác giả Lam Hồng đã hội được cùng lúc nguồn thi hứng dồi dào, vốn ngôn ngữ phong phú và một sự thuần thục về kỹ thuật thể loại. Áo vải cờ đào, theo tôi, có nhiều điều để người đọc trân trọng.

Tác giả Lam Hồng tên thật là Phạm Viết Kha. Anh sinh năm 1958, hiện đang là giảng viên trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Tôi không rõ anh có phải là người Bình Định hay không nhưng đọc anh thì thấy rõ điều này: anh rất ngưỡng mộ người anh hùng nông dân áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung và nhiều nhân vật lịch sử cùng thời. Bởi vậy, trên mỗi trang viết của anh, câu chữ cứ tự nhiên sinh nở từ nguồn mạch phấn chấn, tự hào.

Xin đọc một đoạn nói về đoàn vương giá Tây Sơn đến Bắc Kinh mà lịch sử còn lưu lại như một sự kiện đặc biệt trong lịch sử bang giao giữa hai nước Việt - Trung:

Trời cuối xuân cây xanh xanh ngắt

Hạnh khoe hương, khoe sắc rực màu

Gió xuân man mác vi vu

Ngàn cây nội cỏ, một màu xanh xanh

Bước tiến bước, đăng trình phơi phới

Chí Việt hùng trẩy mỗi bước chân

Mang theo hùng khí ngàn năm

Một dòng máu thắm, Lạc Hồng trong tim

Đoàn vương giá Bắc Kinh đã tới

Từ mãi xa phấp phới cờ bay

Hai hàng quân đứng thẳng ngay

Ngựa xe đón rước đã dài dài thêm

Trên xa mã quan viên chờ sẵn

Lễ bang giao hướng dẫn lai kinh

Cửa chính cả một đoàn binh

Hiên ngang thẳng bước đế kinh hoàng thành

Chốn kinh đô triều Thanh đại quốc

Quân với dân nô nức chen nhau

Đường đi cờ phướn rợp treo

Người như trẩy hội, đón chào Nam vương…

Một cảnh tượng thật hoành tráng. Nghệ thuật miêu tả đã đạt được hiệu quả cần thiết mà không gây cảm giác về một sự lên gân.

Áo vải cờ đào là một niềm tri ân lịch sử của tác giả Lam Hồng (Phạm Viết Kha). Hy vọng nhiều người sẽ đọc anh !

  • Lê Nhật Ký
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tháng Giêng, khởi động mùa lưu diễn  (07/02/2006)
Bên kia sông Đuống (*) - lung linh một miền sáng  (07/02/2006)
Nhà thơ Xuân Diệu đón Tết  (06/02/2006)
Chuyện người lưu giữ ký ức  (05/02/2006)
Bài thơ xuân "xuất thần" của Cao Bá Quát  (05/02/2006)
Khai hội chùa Hương  (03/02/2006)
Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân vật trữ tình lớn trong thơ  (03/02/2006)
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu và chiến thắng Đồi 10  (02/02/2006)
Kỷ niệm 217 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (02/02/2006)
Ngân vang những giai điệu ca ngợi Đảng quang vinh  (01/02/2006)
Chợ hoa Quy Nhơn xuân Bính Tuất   (28/01/2006)
Món quà đầu xuân của nhân loại   (28/01/2006)
Tưng bừng dạ hội Tháp Đôi   (28/01/2006)
Thách đối - ai đối được không ?  (27/01/2006)
Gặp nhau cuối năm - ''bữa tiệc'' thịnh soạn đêm giao thừa  (27/01/2006)