Sáng 8-2, tại Nhà xuất bản Thuận Hóa, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội thảo về hướng đi tìm lăng mộ hoàng đế Quang Trung với sự tham dự của hơn 40 nhà nghiên cứu.
Sau khi lên ngôi vào năm 1802, vua nhà Nguyễn là Gia Long đã trả thù triều Tây Sơn bằng cách đào phá lăng mộ Quang Trung, làm tuyệt tích dấu vết. Năm 1928, một học giả người Pháp là L.Cadière, chủ bút của tập san B.A.V.H (Đô Thành Hiếu Cổ), đã khởi xướng việc tìm kiếm lăng mộ Quang Trung và đến nay, sau gần 80 năm, công việc này vẫn được rất nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục với nhiều hướng tìm kiếm khác nhau.
Tại hội thảo, các đại biểu đã quan tâm đến một hướng tìm kiếm khác dựa trên một bài thơ của nhà nho Lê Triệu (Thanh Hóa) viết vào những năm đầu thế kỷ 19 với tựa Kiến Quang Trung linh cữu (Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trung) trong đó theo phỏng đoán, địa điểm lăng này có thể nằm ở núi Khuân Sơn ở Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).
Tuy nhiên đây chỉ là một giả thiết mới và hội thảo này đã hâm nóng trở lại những hướng tìm kiếm về lăng mộ bí ẩn của vị hoàng đế - anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ.
. Theo Tuổi Trẻ
|