Từ tượng Quang Trung đến festival
15:44', 9/2/ 2006 (GMT+7)

Suốt 143 năm tồn tại của mình, gần như nhà Nguyễn đã xóa sạch những gì liên quan đến anh em Quang Trung. Thế nhưng, người dân Tây Sơn - Bình Định có cách gìn giữ riêng về thần tượng của mình. Họ đã dựng tượng đài về người anh hùng áo vải ngay giữa lòng mình. Và, khi có điều kiện, tượng đài ấy đã được cụ thể hóa ngay trong khuôn viên của Bảo tàng Quang Trung ngày nay.

Dựng tượng Quang Trung

 

Tượng đài Quang Trung vừa hoàn thành đầu năm 2006 (ảnh: Trần Đăng)

Bảo tàng Quang Trung được xây dựng năm 1978, trên nền nhà cũ của anh em nhà Tây Sơn sau một thời gian hàng thế kỷ phải núp dưới cái tên "đền Kiên Mỹ" vì sợ nhà Nguyễn trả thù. Đập vào mắt du khách đầu tiên khi đặt chân đến Bảo tàng Quang Trung suốt mấy chục năm qua là tượng đài Quang Trung-Nguyễn Huệ, tay vung kiếm, dáng rất oai phong lẫm liệt.

Thế rồi, những ngày đầu năm vừa qua, người ta lại thấy xuất hiện tại khuôn viên của bảo tàng một tượng đài khác. Vẫn là người anh hùng áo vải thuở nào nhưng tượng Hoàng đế Quang Trung này được xem là "chuẩn" nhất: Một tay cầm đốc kiếm, tay kia xòe ra phía trước, trông rất đĩnh đạc và khoan thai. Đặc biệt khuôn mặt có thần với đôi mắt rất sáng. Đó là một khuôn mặt đoan chính, vừa quyết đoán nhưng cũng thật sự cởi lòng để lắng nghe bá tánh.

Tác giả Lê Đình Bảo gần như đã "nhập" được vào cái chất anh hùng nhưng cũng rất nghệ sĩ của vị vua thao lược này. Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Bình Định lý giải về sự hiện diện của tượng đài Quang Trung mới, như sau: "Nguyễn Huệ lên ngôi vua năm ông 36 tuổi, ba năm sau thì băng hà. Vì vậy, tượng ở Bảo tàng Quang Trung phải là tượng của vua Quang Trung chứ không thể "tượng Nguyễn Huệ" được. Tượng lâu nay tọa lạc tại đây quá "trẻ" so với Hoàng đế Quang Trung. Đó là một trong những lý do vì sao tỉnh Bình Định phải thay tượng tại Bảo tàng Quang Trung vào những ngày cuối năm vừa qua".

Trung thành với những diễn biến của lịch sử nhà Tây Sơn, tượng cũ từng tọa lạc mấy chục năm qua tại Bảo tàng Quang Trung đã được chuyển dời lên thị xã An Khê tỉnh Gia Lai. Đây là vùng "Tây Sơn thượng đạo", nơi ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ dấy binh khởi nghĩa.

Để có được tượng Quang Trung vừa dựng tại bảo tàng, tỉnh Bình Định đã ba lần phát động cuộc thi với hàng chục bức tượng về Quang Trung của những nhà điêu khắc hàng đầu Việt Nam, cuối cùng mới chọn được bức tượng của Lê Đình Bảo. Người chủ của Công ty Hoàn Cầu - một người con của Bình Định đã bỏ ra trên 6 tỉ đồng để tài trợ làm bức tượng này. Một cuộc "hành quân thần tốc" từ Hà Nội vào Bình Định suốt 2 ngày đêm để chuyển bức tượng cao 10,4 mét với 18 tấn đồng lên tận Phú Phong - quê hương của Quang Trung-Nguyễn Huệ, kịp phục vụ lễ hội Tây Sơn-Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết vừa qua!

Festival Tây Sơn - tại sao không?

Thực ra, việc thay tượng Quang Trung đã nằm trong "lộ trình" nâng lễ hội Tây Sơn thành một cuộc liên hoan lớn, mang tầm cỡ quốc gia đã được tỉnh Bình Định ấp ủ từ lâu. Ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu ý tưởng: Lễ hội Tây Sơn-Đống Đa đã được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết hàng năm, tại sao Bình Định không nhân đó mà làm một festival hoành tráng và quy củ?

 

Tái hiện hình ảnh Vua Quang Trung cưỡi voi vào thành Thăng Long sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, một lễ hội đang được nâng tầm thành festival (ảnh: Ngọc Diên)

 

Gần như ý tưởng này được đa số người Bình Định đồng tình. Bởi lẽ, tại các tỉnh ven biển miền Trung hiện nay - trừ Quảng Nam và Huế - không nơi đâu có điều kiện thuận lợi như Bình Định. Vì vùng đất này không chỉ có Quang Trung-Nguyễn Huệ mà đây còn là nơi trầm tích một nền văn hóa đã lùi xa gần một ngàn năm trước: văn hóa Chămpa. Những ngọn tháp Chăm vẫn sừng sững bên trời, trường tồn cùng mưa nắng với quê hương Bình Định, luôn là bí ẩn đầy hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách ngoại quốc. Bình Định còn có những làng nghề truyền thống vẫn đang tồn tại, có gốm Gò Sành nổi tiếng một thời của người Chăm, có những làng dạy võ với những võ sư lừng danh… Vấn đề là phải biết xâu chuỗi các đầu mối và tạo những điểm nhấn để hấp dẫn du khách. Làm sao đó để họ đến một lần là muốn quay trở lại chứ không phải bye, bye luôn!

Bắt đầu từ Tây Sơn, anh em Nguyễn Huệ đã dựng nên nghiệp lớn. Bây giờ, những "hậu duệ" của anh em nhà Tây Sơn, cũng bắt đầu từ bức tượng đài nơi phát tích cuộc khởi nghĩa, một sân chơi lớn sẽ được bày ra vào Tết Đinh Hợi sắp tới.

Bằng tinh thần "thần tốc" của Quang Trung, hy vọng một festival mà tỉnh Bình Định đã ấp ủ từ lâu sẽ thành hiện thực.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phim "Đẻ mướn" đạt kỷ lục về số người xem  (09/02/2006)
Mariah Carey thắng lớn tại Grammy  (09/02/2006)
Tiếp tục giải mã bí ẩn về lăng mộ Quang Trung  (09/02/2006)
Thêm một tác phẩm viết về Vua Quang Trung  (08/02/2006)
Tháng Giêng, khởi động mùa lưu diễn  (07/02/2006)
Bên kia sông Đuống (*) - lung linh một miền sáng  (07/02/2006)
Nhà thơ Xuân Diệu đón Tết  (06/02/2006)
Chuyện người lưu giữ ký ức  (05/02/2006)
Bài thơ xuân "xuất thần" của Cao Bá Quát  (05/02/2006)
Khai hội chùa Hương  (03/02/2006)
Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân vật trữ tình lớn trong thơ  (03/02/2006)
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu và chiến thắng Đồi 10  (02/02/2006)
Kỷ niệm 217 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (02/02/2006)
Ngân vang những giai điệu ca ngợi Đảng quang vinh  (01/02/2006)
Chợ hoa Quy Nhơn xuân Bính Tuất   (28/01/2006)