Bích Khê - quên quên nhớ nhớ
15:47', 10/2/ 2006 (GMT+7)

Tháp Chạp. Đường về Thu Xà mùa này gập ghềnh giá rét. Cũng tháng Chạp 60 năm trước, trên chuyến xe ngựa muộn màng cuối ngày, Bích Khê đã trở lại quê nhà lần cuối với căn bệnh nan y.

Tết Bính Tuất năm ấy (1946) ông ra đi vĩnh viễn, mãi mãi dừng lại ở tuổi ba mươi. Ông trẻ mãi với tuổi ba mươi thanh xuân đời mình. Thế nhưng những gì mà Bích Khê gửi lại cho hậu thế không hề ngắn ngủi như đời ông.

 

          Nhà thơ Thanh Thảo bên mộ Bích Khê năm 1998.

 

Sáu mươi năm qua kể từ ngày Bích Khê tạ thế, người đời sau vẫn luôn nhắc đến ông với tất cả dự dè dặt kiệm lời vì sợ hệ lụy lẫn những ngợi ca tung hứng hết mực cao xanh. Đó là hạnh phúc lớn đối với một nhà thơ.

Cuộc hội thảo về thơ Bích Khê do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Ngãi tổ chức vào hạ tuần tháng 2-2006 ngay tại Quảng Ngãi - quê hương ông sẽ là cuộc trùng phùng hy hữu của nhiều thế hệ nhà thơ, nhà phê bình văn học, chung quanh đời thơ Bích Khê cùng những "nghi án" mà ông phải gánh chịu suốt 60 năm qua. Nhiều bản tham luận mang tính học thuật cao của các bậc minh sư sẽ được trình bày tại hội thảo này. Vì vậy, tôi xin được nói về Bích Khê ở một khía cạnh khác.

Với người bạn lớn

Là kẻ hậu sinh nhưng có may mắn được tiếp cận với những trang bản thảo nhàu nhò ngay từ thời Sở Văn hóa-Thông tin Nghĩa Bình làm tuyển tập cho Bích Khê (1988) do chính tay bà Ngọc Sương -chị ruột nhà thơ trao gửi, lại được hóng hớt và hầu chuyện người bạn lớn của Bích Khê - nhà thơ Chế Lan Viên, sau này lại có dịp thưa chuyện với bà Ngọc Sương ngay tại Quảng Ngãi, tôi xin ghi lại mấy chuyện nhớ nhớ quên quên về nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh này qua ký ức những người thân của ông.

Còn nhớ, vào khoảng giữa năm 1987, sau "đổi mới" khoảng một năm, trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam có đăng bài "Hàn Mặc Tử-anh là ai?" của Chế Lan Viên. Bài báo gây một cơn địa chấn nho nhỏ trong làng văn thời bấy giờ. Vậy là, những ý nghĩ thiên lệch về Hàn Mặc Tử lâu nay, giờ chính thức được ký gửi vĩnh viễn vào quá khứ - một thứ quá khứ từng đóng đinh nhiều nhà văn trên cây thập tự của nó.

Thực ra bài viết ấy chính là lời đề tựa của Chế Lan Viên trong tập "Thơ Hàn Mặc Tử" do Sở Văn hóa-Thông tin Nghĩa Bình xuất bản năm 1987. Lần đầu tiên, thơ Hàn được in khá đầy đủ với lời đề tựa "nhập đồng" của Chế Lan Viên do một sở văn hóa thông tin địa phương đứng ra tổ chức sưu tầm và in ấn.

Hàn Mặc Tử không phải quê Quy Nhơn-Bình Định, song toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông lại gắn với vùng đất "quy tụ nhơn nghĩa" này. Vì vậy, tỉnh Nghĩa Bình thời ấy đã làm người lính tiên phong, trả lại chân giá trị cho các nhà văn trong tỉnh lâu nay bị khuất lấp bởi những lý do khác nhau, bằng việc xuất bản các trước tác của họ.

Thời còn là tỉnh Nghĩa Bình, có một tiền lệ bất thành văn thế này: Hễ Bình Định có một "công trình", ắt Quảng Ngãi cũng phải có! Xuất bản được thơ Hàn Mặc Tử, mặc nhiên phải xuất bản thơ Bích Khê! Ông Hồng Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Nghĩa Bình thời ấy, lại là người Quảng Ngãi, cùng quê ngoại của Bích Khê, nên càng làm nhanh.

Nhà thơ Chế Lan Viên dạo ấy đã yếu, song được tỉnh Nghĩa Bình mời làm tuyển tập Bích Khê, ông sẵn lòng ngay. Hơn 60 năm trước, lúc "Tinh hoa" đã xong bản thảo, Chế Lan Viên có nhận lời với Bích Khê rằng ông sẽ viết lời tựa cho tập thơ này, cũng như Hàn Mặc Tử viết tựa cho tập "Tinh huyết" trước đó. Tuy nhiên, hai cuộc chiến tranh liên tiếp đã khép lại lời hứa dạo nào.

Vì vậy, khi hay tin Sở Văn hóa-Thông tin Nghĩa Bình mời ông tham gia tuyển chọn để làm tuyển tập Bích Khê, Chế Lan Viên rất hào hứng hợp tác. Cũng là cái cách trả nghĩa cho bạn mình - điều mà ông đau đáu suốt mấy mươi năm sống trên đất Bắc cũng như hơn mười năm sau ngày giải phóng miền Nam.

Bản thảo "Thơ Bích Khê" đã xong, còn chờ cái tựa. Chế Lan Viên chưa viết vội, dù những người tổ chức tuyển chọn thơ cho Bích Khê rất nóng ruột. Nhà thơ từ Sài Gòn làm một chuyến hành hương về Thu Xà để viếng mộ Bích Khê, cũng là để khơi thông mạch nguồn cảm xúc đã tích tụ mấy mươi năm trong ông. Theo Chế Lan Viên thì đây là lần thứ ba ông thăm bạn nhưng là lần thứ hai, ông viếng một nấm đất. Cũng đúng vào dịp tháng Chạp (Đinh Mão - 1987) mưa phùn gió bấc. Đường về Thu Xà dạo ấy cũng gập ghềnh giá rét như chính cuộc đời của Bích Khê.

Cũng như viết tựa cho Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên gần như vắt kiệt tinh túy của  mình để đề tựa cho tuyển tập Bích Khê. Chưa có một nhà phê bình văn học nào trước đó, kể cả Hoài Thanh - viết về Bích Khê một cách thăng hoa như Chế Lan Viên đã viết trong lời đề tựa tuyển tập Bích Khê lần này.

Tôi còn nhớ dạo ấy, nhà thơ đã gửi bằng thư bảo đảm lời đề tựa này về Sở Văn hóa-Thông tin Nghĩa Bình cho kịp đưa nhà in. Ông viết bằng bút mực tím, khoảng gần 20 trang trên giấy vở học trò. Tôi cùng Nguyễn Thanh Mừng - nhà thơ, hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định - phải "dịch" suốt một buổi chiều mới xong lời tựa này vì chữ viết của Chế Lan Viên là vô cùng khó đọc, văn chương của ông lại "lời lời châu ngọc" nên càng phải cẩn trọng hơn. Hai anh "cử nhân văn chương" phải toát mồ hôi mới hoàn thành "bản dịch" của nhà thơ. Sau này, cùng anh Hà Giao - "chủ xị" làm tuyển tập Bích Khê, có ghé Bà Quẹo trong Sài Gòn để thăm Chế Lan Viên, tôi kể lại chuyện "dịch" trên và được ông hạ cho một câu, làm tôi toát mồ hôi thêm lần nữa: "Hai cậu khá lắm, tôi cứ lo ngay ngáy, sợ đọc không ra chữ của tôi!".

Và với quê hương

Bích Khê sinh năm Bính Thìn (1916) tại làng Phước Lộc - một vùng đất trù phú ven sông Trà thuộc huyện Sơn Tịnh. Đây là quê ngoại của nhà thơ nhưng chỉ gắn với ông thật ngắn ngủi vì toàn bộ dấu chân tuổi thơ của Bích Khê được in lên mảnh đất Thu Xà, một thương cảng đồng thời là khu phố cổ khá sầm uất của người Minh Hương thế kỷ XVIII-XIX, nơi con sông Vực Hồng chuẩn bị đổ ra sông Phú Thọ rồi hòa vào biển Đông.

Sinh ra trong một gia đình Nho học và yêu nước, ông nội Bích Khê từng cáo quan về dạy học rồi chọn cái chết cho mình để tránh nhiễm bẩn vào tội ác chống lại nhân dân, Bích Khê chịu ảnh hưởng khá sâu đậm về tư chất lẫn tinh thần dân tộc của những người thân trong gia đình. Bố của Bích Khê cũng là một nhà nho thanh tao. Ông có hai đời vợ nhưng đó lại là những mối lương duyên kỳ ngộ hiếm thấy. Hai người vợ của ông là hai dì cháu ruột! (Bà dì mất rồi mới lấy cô cháu). Vì vậy, trong gia đình Bích Khê, hầu như ai cũng thuộc câu này: "Lúa đen đổ lộn trì trì/ Cháu lấy chồng dì kêu dượng bằng anh!". Dù là hai "đời" nhưng tất cả những người anh em của Bích Khê đều có chung một hướng: Theo cách mạng đi kháng chiến. Do chết quá sớm nên Bích Khê chỉ còn kịp nhìn ngọn quốc kỳ của nước Việt Nam mới trước khi qua đời mấy tháng. Nếu còn sống, chắc chắn ông sẽ lên đường kháng chiến như lớp trí thức bạn ông cùng thời.

Phải dông dài một chút về truyền thống gia đình và hành tung của những người thân Bích Khê để nói rằng, những gì mà người đời sau gán cho Bích Khê bao nhiêu tình tội mấy chục năm qua là hết sức vô lý. Người không biết, nói nhảm đã đành, kẻ có chút ít hiểu biết, cũng a dua theo để gán tội cho ông. Bích Khê có rất ít bài thơ viết về quê hương của mình, song một khi làng quê ấy hiện hữu trong thơ ông, lập tức nó trở nên kỳ ảo đến không ngờ. Những câu thơ ông viết về Thu Xà về Chùa Ông hay về Thiên Ấn đều có một lực hút riêng. Nó luôn gây cho ta một nỗi ám ảnh khó tả. Một nhà thơ mà không đau đáu với quê hương mình, không gan ruột với nơi mình sinh ra, sẽ không thể viết được những câu thơ ám ảnh nhiều thế hệ đến như thế.

"Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc/ Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa". Những lúc buồn, đọc câu thơ ấy, như muốn khóc được, nhưng không quỵ ngã, mà đứng dậy. Thơ có thể dìu con người ra xa một bờ vực là như thế.

Cũng chính những ám ảnh do thơ ông mang lại nên người dân thành phố Quảng Ngãi đã đặt cho Bích Khê một tên đường. Đó là con đường từ bến xe ngựa cũ, cạnh chợ Quảng Ngãi, dẫn về Thu Xà, quê hương nhà thơ. Có lẽ chưa ở nơi đâu trên đất nước mình, người dân lại đặt tên đường cho nhà thơ mà mình yêu quý như ở Quảng Ngãi. Là bởi, họ đã làm thay cái việc mà lẽ ra chính quyền phải làm. Tôi còn nhớ, hình như năm 1996, sau khi đặt lại toàn bộ tên đường cho thị xã Quảng Ngãi lúc bấy giờ, người ta đã âm thầm gạch tên Bích Khê ra khỏi con đường ấy và thế vào đó bằng tên của một nhà thơ nổi tiếng hơn: Nguyễn Du. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là trên những bức tường rêu phủ, trên những chiếc cổng lờ mờ màu vôi nhạt, người dân vẫn để nguyên cái tên nhà thơ mà mình yêu quý: Đường Bích Khê! Những người nắm giữ sinh mạng chính trị của kẻ khác thì luôn "đặt điều" cho Bích Khê, còn người dân của quê hương ông thì "đặt đường" cho nhà thơ! Đó là sự khác biệt lạ kỳ mà chỉ có Quảng Ngãi mới có thể xảy ra. Kỳ lạ đến mức, gia đình Bích Khê làm đơn xin dời mộ của ông về trong khuôn viên của nhà thờ, họ cũng không cho!

Không sao cả. Cũng may là họ đã không cho, để Bích Khê còn nằm với thập loại chúng sinh - bạn đọc của nhà thơ - nơi nghĩa trang sau lưng đường lên Hội Quán - Thu Xà quê ông.

Đầu năm 1946, Bích Khê ký gửi: "Sau nghìn thu nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi". Sáu mươi năm sau, một cuộc hội thảo quy mô về thơ và cuộc đời ông được tổ chức ngay tại Quảng Ngãi. "Bóng nguyệt" mà ông kỳ vọng sẽ soi kỹ qua cuộc hội thảo này. Để biết, cái còn lại sau đám cháy, là khói bụi hay là vàng.

  • Trần Đăng

Quảng Ngãi, tháng Chạp năm Ất Dậu 2005

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các đề cử cho giải Oscar lần thứ 78  (10/02/2006)
Khai mạc Liên hoan Văn nghệ ngành GD-ĐT lần thứ IV  (10/02/2006)
Trăng Nguyên tiêu tỏa sáng hồn thơ  (10/02/2006)
Từ tượng Quang Trung đến festival  (09/02/2006)
Phim "Đẻ mướn" đạt kỷ lục về số người xem  (09/02/2006)
Mariah Carey thắng lớn tại Grammy  (09/02/2006)
Tiếp tục giải mã bí ẩn về lăng mộ Quang Trung  (09/02/2006)
Thêm một tác phẩm viết về Vua Quang Trung  (08/02/2006)
Tháng Giêng, khởi động mùa lưu diễn  (07/02/2006)
Bên kia sông Đuống (*) - lung linh một miền sáng  (07/02/2006)
Nhà thơ Xuân Diệu đón Tết  (06/02/2006)
Chuyện người lưu giữ ký ức  (05/02/2006)
Bài thơ xuân "xuất thần" của Cao Bá Quát  (05/02/2006)
Khai hội chùa Hương  (03/02/2006)
Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân vật trữ tình lớn trong thơ  (03/02/2006)