Một khu bảo tàng lịch sử được gọi là đẹp dĩ nhiên không chỉ nhờ vào một tượng đài. Nó đầu tiên nhờ vào sự hài hòa và hợp lý của một kiến trúc tổng thể. Nó cũng nhờ bố cục và kiến trúc mỗi bộ phận mỗi ngôi nhà trong bảo tàng sao cho tất cả tôn nhau lên, không chỏi nhau, không lấn ép nhau, và không chắp vá theo kiểu ''râu ông nọ cắm cằm bà kia''. Nó cũng nhờ cả một hệ thống cây trồng có chủ định và có thẩm mỹ để bảo tàng tọa lạc giữa một thiên nhiên đẹp. Mỗi cây cổ thụ trong khuôn viên bảo tàng cũng chính là một ''tượng đài'' sống. Nhưng ở một nhà bảo tàng như vậy lại rất cần một điểm nhấn, một ''điểm sáng''. Đó chính là pho tượng chủ, hoặc có thể coi là tượng đài được đặt ở trung tâm, chính diện bảo tàng. Nếu tượng đài ấy đẹp, nó sẽ tôn vẻ đẹp của tổng thể bảo tàng lên rất nhiều.
|
Ở tượng đài Quang Trung mới "lòng dân" và "ý Hội đồng" đã gặp nhau.
|
Bảo tàng ''Nguyễn Huệ-Quang Trung'' ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đã từng có một pho tượng Nguyễn Huệ đẹp, và bây giờ, lại có một pho tượng Hoàng đế Quang Trung (dĩ nhiên cũng là…Nguyễn Huệ) đẹp hơn, hoành tráng hơn, biểu cảm hơn và cũng được thể hiện bằng một chất liệu đẹp mà vĩnh cửu hơn (chất liệu đồng so với chất liệu bê-tông của pho tượng trước). Như vậy thì có gì để nhà báo Lưu Trọng Văn phải khắc khoải kêu lên là sao lại đổi Nguyễn Huệ bằng…Quang Trung (?). Trong tâm tưởng mỗi người dân Bình Định và người dân Việt Nam, nói tới Nguyễn Huệ là người ta nói tới một vị Vua Việt Nam bách chiến bách thắng, dù vị Vua ấy xuất thân ''áo vải cờ đào'' và có tên là Nguyễn Huệ hay tên là Hồ Thơm.Vương hiệu của vị Vua ấy là Quang Trung-Hoàng đế Quang Trung. Và bức tượng đồng mới này, đúng là nặng 18 tấn và cao hơn 10 mét, bằng đồng nguyên chất, được đặt trên một đài tượng bằng đá hoa cương đen, đã làm sáng lên cả mặt chính diện của khu bảo tàng.Về tượng đài này tôi đã viết trong bài ''Về chữ ''Nhẫn'' mà báo Bình Định điện tử đã cập nhật trong ngày thứ Tư 15-2, ngẫu nhiên mà trùng với ngày có bài báo của Lưu Trọng Văn in trên báo Thể Thao TP Hồ Chí Minh. Cảm nhận của tôi khi được chiêm ngắm tượng đài này cách đây mới 10 ngày đã được tôi nói rõ trong bài viết trên, xin miễn nhắc lại. Chỉ xin nói rằng: có những cái mới không bằng cái cũ, thì ta không nên ''có mới nới cũ''. Nhưng nếu có cái mới mà hay hơn, đẹp hơn cái cũ, thì hà cớ gì ta không ủng hộ cái mới? Công bằng mà nói, tượng đài Quang Trung (mới) này đẹp và hoành tráng hơn tượng đài cũ, dù nó được sáng tác bởi một điêu khắc gia còn khá trẻ và cũng chưa mấy nổi tiếng. Nhưng nó đã được sự công nhận không chỉ của những Hội đồng chuyên môn thẩm định, mà cái chính, là của những người dân bình thường đến viếng bảo tàng. Khi ''lòng dân'' với ''ý Hội đồng'' gặp nhau, thì ta có thể tin tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Đình Bảo là đứng được. Vả lại, tượng Quang Trung-Nguyễn Huệ (cũ) cũng đã được cung thỉnh về một địa điểm lịch sử rất quan trọng: vùng ''Tây Sơn thượng đạo'' tức thị xã An Khê bây giờ, nơi ba anh em Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ dấy binh khởi nghĩa. Như thế là hợp tình hợp lý, thỏa mãn cả đôi đường. Đâu có gì để tác giả Lưu Trọng Văn phải phán một cách nặng nề là ''ấu trĩ và khuôn mẫu'' (?).
Còn về chuyện kinh phí xây dựng tượng đài mới, bây giờ chúng ta đang hô hào ''xã hội hoá'', nếu có những nhà doanh nghiệp muốn thể hiện chút lòng thành của mình bằng cách cung hiến tiền của nhưng không hề (và cũng không được phép) đòi hỏi bất cứ điều kiện gì kèm theo, thì hà cớ chi nhà nước cứ phải bo bo nhận hết phần… kinh phí về mình. Mà xin nói, cứ càng dùng kinh phí nhà nước, thì càng dễ xảy ra tiêu cực.
Chuyện bà Hường và Công ty Hoàn Cầu của bà có mắc míu chi đó với pháp luật chẳng hạn, thì cá nhân bà và Công ty của bà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ta không nên, khi pháp luật chưa ''phán'' gì, mình đã nói trước rằng ''Đồng tiền của bà Hường không thể là đồng tiền sạch''. Đó là cách nhìn hơi thiên lệch và cách nói khá định kiến, hơi bị võ đoán về những doanh nghiệp. Thử hỏi, liệu những PMU gì đó, những Công ty dầu khí gì đó có bao giờ bỏ ra đồng bạc nào để tài trợ hay đóng góp cho những Quỹ Vì người nghèo hay những việc công đức như thế này chưa ? Mà họ đều là những Công ty nhà nước cả đấy nhé!
Nói là ý kiến ngắn nhưng dường như có hơi bị… dài, vậy xin dừng ở đây. Quang Trung-Nguyễn Huệ thì muôn đời vẫn là Quang Trung-Nguyễn Huệ. Còn Bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn, tôi nói thật, bây giờ đó là một trong số quá ít những những bảo tàng lịch sử đẹp nhất nước đấy ! Xin mời tác giả Lưu Trọng Văn và quý du khách hành hương về Tây Sơn mùa xuân này để xem tôi nói có thiệt không ?
|