Ấm lòng tiếng hát ru Bình Định
14:14', 17/2/ 2006 (GMT+7)

Hẳn ít ai trong đời lại chưa từng được cha mẹ, ông bà hát ru lúc còn thơ ấu hoặc nghe những bà mẹ, bà cụ hàng xóm ru con, ru cháu ngủ. Những câu hát như: Anh đi Tam Tượng hái chè/ Bỏ cây ớt chín sau hè chim ăn... hoặc Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên... hay đặc chất Bình Định hơn là Chiều chiều én liệng Truông Mây/ Cảm thương chú Lía bị vây trong thành... đã sống trong tâm thức bao người, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Hát ru là một thể loại dân ca đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ mỗi khi lời ru cất lên từ những người bà, người mẹ, nó tạo nên một không gian gần gũi, bàng bạc tình người giữa người ru và con cháu của họ. Lúc đó mỗi lời ru tạo nên một sợi dây nối kết tình cảm tuy vô hình nhưng mật thiết, linh thiêng giữa các thế hệ. Mỗi lời ru kết tinh trong mình những tinh túy của tinh thần và tinh hoa của tình cảm, chứa đựng trong đó mong muốn truyền thụ tất cả những gì tốt đẹp nhất của đời sống tinh thần cá nhân, của cộng đồng cho các thế hệ mai sau.

Hát ru ở địa phương nào cũng vậy, đều hàm chứa nhiều giá trị tinh thần phong phú, biểu hiện nhân sinh quan, tình cảm và trí tuệ của con người trước cuộc sống. Do đất đai, phong thủy, do truyền thống văn hóa, lịch sử, do khí chất con người hoặc do tổng hòa tất cả những yếu tố trên mà ở Bình Định lời hát, điệu hát ru thường ngắn, mộc mạc, chân tình mang nặng mỗi niềm, tâm sự của người ru.

Đối với con cái những lời hát chuyển tải một tình yêu thương vô bờ bến của người cha, người mẹ: Con chim én Cù lao Xanh nó bay từ Nam đến Bắc/ Nó vượt bãi ghềnh rồi liệng cả đông tây/ Nước miếng trong nó làm tổ từng ngày?Nuôi con không lớn tháng ngày đây có kể công. Đó là những câu ca tuyệt đẹp mượn một hình ảnh của thiên nhiên, quy luật sống của chim én để diễn tả công lao, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái. Tình cảm đặc biệt này còn có ở trong những câu ca khá hay như: Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày/ Đêm nằm thắp ngọn đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con/ Cha già con muộn chơi vơ/ Gần đất xa trời con hỡi có hay…Những câu ca này nói lên nỗi khắc khoải, lo âu trước tương lai, số phận con cái của bậc làm cha, làm mẹ.

Một chủ đề nổi bật của hát ru Bình Định là truyền thụ cho các thế hệ sau những giá trị đạo đức, chuẩn mực ứng xử tốt đẹp, những kinh nghiệm sống, những giá trị nhân cách. Những bài học làm người dành cho con cái thật đặc sắc: Mấy lời mẹ dặn con thơ/ Chữ tình, chữ nghĩa con lo cho tròn/ Mẹ già cầu chúc cho con/ Khoa trường đắc cử, thành công ớ thành công con  về/ Con đi cách trở sơn khê/ Mong con hãy giữ hồn quê cho mà mặn nồng... Ở đây tư tưởng hướng về nguồn cội, về chân gía trị làm người bắt gặp sự đồng điệu với tư tưởng của một bài hát Hàn Quốc “Dù đời có lắm lúc đắng cay xót xa nhiều, tình yêu đam mê khiến quá điên dại, con yêu ơi , con nhớ hãy quay về đây. Hãy quay về để một lần được nhìn, một lần được nghe lời ru thiết tha. Còn đây là những bài học về ứng xử: Ru con nhớ mấy lời quê/ Thấy ai đói rách chớ chê, chớ cười/ Thứ nhất kể sự làm người/ Dẫu no dẫu đói cho tươi mặt mày/ Miếng ăn phải giữ tháng ngày/ Thức khua dậy sớm cho tày người ta. Hay “ Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chới hoài đá nhau.

Trong hát ru Bình Định có rất nhiểu câu ca có nội dung truyền thụ cho con cái những kinh nghiệm sống quý báu :

Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

Một nội dung khá đặc sắc của hát ru Bình Định là những lời hát chứa đựng phong phú những suy nghĩ, tình cảm, nhân sinh quan của con người trước cuộc sống. Đây là bài ru nói về nỗi cô đơn và khao khát đoàn tụ hay tuyệt của một người mẹ làng chài ven biển: Ngồi sườn non mới biết ai bầu bạn/ Ngồi sười núi, núi sườn non biết lấy ai mà bầu bạn/Chim trên ngàn, chim trên ngàn vẫn hát ru con ơi/Con hỡi, con ơi! Con đừng khóc nữa/Cha con còn, cha con còn đi biển, biển chưa về. Trong tiếng hát ru còn gieo mong ước về một cuộc sống ấm no, ẩn ức thân phận, hoặc về tình yêu mãnh liệt....

Hát ru là một bộ phận của dân ca Bình Định. Nó chứa đựng những giá trị tinh thần của cộng đồng từ xưa đến nay. Thời gian biến đổi tất cả nhưng những giá trị tinh hoa văn hóa tinh thần cộng đồng vẫn được lưu giữ và truyền thụ cho đến nay.

Chúng ta nói nhiều về truyền thống, về bản sắc và bảo vệ bản sắc văn hóa, nhưng từ rất lâu rồi, các bà mẹ, bà cụ bằng lời ru chứa chan tình người , bằng tình yêu thương dành cho con cháu đã làm việc ấy một cách thầm lặng. Và những giá trị văn hóa cao quý trong những lời ru đang hiện hữu trong diện mạo tinh thần cộng đồng của người Bình Định hôm nay.

  • Ngô Hồng Sơn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định đã có một bảo tàng đẹp  (17/02/2006)
Về chữ ''nhẫn''  (17/02/2006)
Hội khách thơ bên đồi Ghềnh Ráng  (14/02/2006)
Nhiều hoạt động nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ IV-2006  (13/02/2006)
Nhớ Nguyễn Khuyến của Bùi Đình Vinh đoạt giải Nhất  (12/02/2006)
Thơ ca và Tình yêu  (12/02/2006)
Bích Khê - quên quên nhớ nhớ  (10/02/2006)
Các đề cử cho giải Oscar lần thứ 78  (10/02/2006)
Khai mạc Liên hoan Văn nghệ ngành GD-ĐT lần thứ IV  (10/02/2006)
Trăng Nguyên tiêu tỏa sáng hồn thơ  (10/02/2006)
Từ tượng Quang Trung đến festival  (09/02/2006)
Phim "Đẻ mướn" đạt kỷ lục về số người xem  (09/02/2006)
Mariah Carey thắng lớn tại Grammy  (09/02/2006)
Tiếp tục giải mã bí ẩn về lăng mộ Quang Trung  (09/02/2006)
Thêm một tác phẩm viết về Vua Quang Trung  (08/02/2006)