Với Cánh Tiên và Dương Long, việc trùng tu tháp Chăm ở Bình Định sẽ áp dụng theo kỹ thuật truyền thống. Giải pháp kỹ thuật này liệu có mở ra một hướng đi mới cho việc trùng tu tháp Chăm vào những năm đầu thế kỷ XXI ?
|
Một mảnh đá trang trí tháp Cánh Tiên vừa được phát hiện khi trùng tu.
|
* Những bước đường trùng tu
Năm 1987, với sự giúp đỡ của phía Ba Lan, tỉnh Bình Định bắt đầu chống xuống cấp tháp Bắc của cụm tháp Dương Long và đến năm 1990 thì hoàn thành. Những người trùng tu đào sâu dưới móng tháp, xây các bức tường chênh nhau với tường cũ của tháp khoảng 10cm, chủ yếu để chống sụp. Nguyên liệu được sử dụng là gạch giống gạch Chăm, nhưng các mạch vữa lại bằng xi măng.
Năm 1991, tháp Đôi là tháp đầu tiên được các chuyên gia kỹ thuật Việt Nam trùng tu. Chất kết dính được sử dụng vẫn là xi măng. Họ mài lõm hai viên gạch rồi cho xi măng vào giữa gắn lại với nhau. Khi đặt hai viên gạch chồng lên nhau, sẽ không phát hiện lớp vữa bên trong. Tuy nhiên, công đoạn này cũng chỉ làm ở lớp ngoài, còn lớp bên trong vẫn xây bình thường. Việc xử lý móng ở các tháp cũng chưa thật khoa học. Chẳng hạn như ở tháp Đôi, người ta đào sâu 1,6 mét như trong thiết kế, lấy toàn bộ số đá cuội và cát lên dù số cát và đá cuội này được người xưa sử dụng nhằm giúp cho nước thoát nhanh, sau đó lại khoét sâu chân tháp, đổ một lớp bê tông móng. Xi măng dùng làm vữa, gạch lại không xốp nên nước không thoát nhanh được. Điều này làm cho rong rêu bám đầy thân tháp. Cách làm này vẫn được tiếp tục khi trùng tu tháp Bánh Ít.
* Bí ẩn và khám phá
Thực ra, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về kỹ thuật xây dựng các tháp Chăm. Tuy nhiên, qua thời gian dài nghiên cứu, nhiều nhà khoa học nhất trí rằng tháp Chăm được xây dựng bằng gạch nung với lớp ruột và lớp vỏ trong, vỏ ngoài. Trong đó, lớp ruột được xây không trùng mạch, có vữa bằng bột gạch trộn với chất kết dính dày 5 - 30mm và đôi chỗ còn chèn cả gạch vụn vào. Lớp vỏ được xây không trùng mạch, theo kỹ thuật mài chập, không có mạch vữa. Bề mặt các viên gạch đều có vết xước theo chiều vuông góc với bề mặt tường. Vết xước hai viên kề nhau trùng nhau. Giữa lớp vỏ và ruột có câu đầu nhưng không liên tục.
Trong kỹ thuật xây dựng tháp, gạch có vị trí quan trọng tạo nên kết cấu vững chắc của tháp qua năm tháng. Gạch có khối lượng thể tích tự nhiên từ 1,55- 1,62 kg/dm3, khả năng gia công cắt mài cưa, đục tốt. Gạch Chăm xốp, độ hút từ 17 - 25%, thoát nước tốt; lại nung nhẹ lửa và dài ngày nên dễ mài và chạm khắc. Các nhà khoa học đã từng lấy mẫu đất tại chỗ của tháp, nung thử trong lò thí nghiệm và đã cho kết quả giống như gạch Chăm, cả về khả năng gia công điêu khắc lẫn khả năng mài chập. Như vậy, về nguyên lý, có thể sản xuất được gạch giống gạch Chăm bằng nguyên liệu tại chỗ.
Mài chập là kỹ thuật xây dựng độc đáo. Do gạch Chăm xốp, nên khi mài sẽ sinh ra nhiều mùn. Mài chập hai mặt của hai viên gạch, mùn gạch sẽ đùn ra lấp đầy các chỗ lồi lõm nhỏ trên bề mặt gạch. Gạch đã khít, chỉ cần dội thêm nước, nước hút tạo ra độ chân không ở hai bề mặt tiếp xúc, áp suất khí quyển sẽ ép chặt hai viên gạch dính vào nhau.
|
Mài chập gạch có nước để chuẩn bị trùng tu.
|
Theo phân tích của các nhà khoa học, chất kết dính được sử dụng trong xây dựng tháp Chăm chính là nhựa thực vật: dầu rái, xương rồng, ô dước. Trong đó, dầu rái không tan trong nước nên không thể sử dụng để mài chập có nước. Trên thực tế, dầu rái đã được dùng để xây tháp Prome nhưng với mạch vữa nhỏ. Còn cây ô dước và bời lời có ở hầu khắp lãnh thổ Việt Nam, thường được dùng để xe hương hoặc thêm vào vữa vôi cho dẻo để xây, vốn dễ tan trong nước.
* Cánh Tiên và Dương Long: phương pháp truyền thống
Từ quá trình nghiên cứu đó, đến tháp Cánh Tiên và Dương Long, việc trùng tu sẽ tiến hành theo đúng kỹ thuật truyền thống, với khối xây mài chập gồm bột gạch và nhựa cây bời lời hay cây ô dước. Theo đó, hai lớp vỏ trong và ngoài sẽ được mài sơ để khít nhau trên cả các mặt. Sau đó, mới tiến hành mài chập có nước. Sau đó, nhấc viên gạch đang mài, rót khoảng 20ml nhớt bời lời, rồi tiếp tục mài cho đến khi viên gạch khít vào vị trí. Với lớp ruột thì chỉ mài sơ, dùng nhớt bời lời trộn với bột gạch nghiền mịn qua sàng làm vữa kết dính.
Tuy nhiên, theo Hiến chương Quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích và di chỉ, thông qua tại VENICE năm 1964, thì "Những phần đóng góp có giá trị ở mọi thời kỳ vào việc xây dựng di tích cần phải được tôn trọng, vì tính thống nhất của phong cách không phải là mục tiêu cần đạt được của tu bổ..."(Điều 11). Như vậy, trong trùng tu tháp Chăm, chúng ta không nhất thiết tuân thủ hoàn toàn kỹ thuật truyền thống mà vẫn có thể dùng vật liệu và kỹ thuật hiện đại để làm mới những bộ phận kiến trúc chìm (như móng và chân tường ở dưới) và các thành phần kiến trúc phụ (như cầu thang, các khoảng sân trống…). Tuy nhiên, việc vận dụng kỹ thuật truyền thống hay hiện đại vào chi tiết hay bộ phận nào của tháp cho phù hợp thì điều quan yếu là cần sự nghiên cứu sâu và chi tiết ở ngay từng ngôi tháp một.
|