Vài năm trở lại đây, gốm trang trí bắt đầu xuất hiện ngày thêm nhiều, bổ sung vào thị trường gốm trước đây chủ yếu vẫn chỉ là những chậu cây cảnh hoa văn đơn điệu ở Quy Nhơn.
|
Chiếc bình gốm thô mộc hòa nhập giữa đời sống hiện đại. |
1. Đầu tiên là những hũ gốm, tượng gốm treo tường nho nhỏ, người bán nói lấy về từ Quảng Nam. Xem kỹ, mới biết, đó là gốm một lò sản xuất gốm trang trí: Đất nung Lê Đức Hạ. Giá cả nhẹ, 15.000 - 20.000 đồng/chiếc, cao hơn thì cũng tròm trèm dăm bảy chục ngàn. Mẫu mã đa dạng, từ những tượng gốm làm theo phong cách Chăm, đến những mẫu tượng kiểu Âu, hay bộ tố nữ bằng gốm, các vật dụng xinh xinh như gạt tàn, lọ hoa, hộp đèn… Một số tiệm bán gốm đất nung không men kiểu này đã xuất hiện ở Quy Nhơn.
Như bắt nhịp với một thị trường đang mở, các cửa hàng bán chậu cảnh cũng xuất hiện thêm nhiều mẫu mã mới. Bên những chậu cảnh giả cổ là những bình, hũ, ấm chén… được đem về từ các làng nghề phía Bắc. Tuy mẫu mã của chúng hãy còn đơn điệu, chưa mang sự độc đáo. Ngay cả các cửa hàng đồ gỗ như Thành Danh, Minh Sơn, siêu thị nội thất Đài Loan... cũng bán gốm, chủ yếu là tranh treo tường bằng gốm, chậu gốm trang trí hay các bộ ấm chén trà bằng gốm.
2. Gốm sứ Cảnh Đức Trấn - Trung Quốc nổ "phát súng" đầu tiên vào thị trường Quy Nhơn từ ba năm trước. Đến đây, tuy nhiều ít có lúc khác nhau, nhưng vẫn đều đều hiện diện tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm tỉnh. Ban đầu, người xem có phần bị bắt mắt bởi sự tinh xảo về kỹ thuật chế tác, mẫu mã vốn có của đồ sứ Trung Quốc. Những chiếc chậu, bình sứ màu men trắng tinh, trang trí hình ảnh sắc nét, hoa văn đặc trưng, nổi bật hẳn giữa thị trường gốm trang trí hãy còn thưa vắng và ít về mẫu mã như ở Quy Nhơn. Nhất là tuy ban đầu, giá được ấn định hơi… "trên trời" nhưng chỉ ít lâu sau, với vài ba đợt giảm giá, nhiều mặt hàng phổ thông đã hạ đến mức có thể chấp nhận được.
Tại hai hội chợ thương mại gần đây, gốm Bát Tràng cũng đã vào bán tại Quy Nhơn. Mới đây nhất, gốm Bầu Trúc, một làng gốm truyền thống của người Chăm Ninh Thuận, cũng đã xuất hiện ở Quy Nhơn bằng một cửa hàng trên đường Trần Phú. Vậy là có thêm một địa chỉ cho những người mê gốm. Mà không chỉ những người mê, cả những gia chủ xưa nay vẫn thấy thờ ơ với gốm, nay cũng cất công "tầm" những dáng gốm, trang trí cho nhà thêm xinh.
3. Đi "tầm" gốm giữa một thị trường đang dần sôi động với nhiều kiểu loại đến từ nhiều cơ sở sản xuất ở các địa phương khác nhau, ta lại thấy thêm yêu dáng gốm Việt. Cảm thụ sự tinh tế của cha ông trên từng sản phẩm, sự phát triển về kỹ thuật gắn với truyền thống từng làng nghề qua những dòng sản phẩm khác nhau: đất nung không men hay có men, men nhiều màu. Rồi so sánh với sứ Trung Quốc, ta mới cảm thấu và trân trọng chất dân gian trong gốm Việt.
|
Chiếc bình gốm trang trí cho nhà thêm xinh. |
Hẳn nhiên, gốm nay đã khác gốm xưa, ngay từ mẫu mã. Chẳng hạn, gốm Bầu Trúc, nay có thêm nhiều kiểu dáng. Nhiều chiếc lọ nay được đầu tư công kỹ hơn, thêm vào đó nhiều chi tiết, hoa văn hay cố tạo cho dáng lạ. Nhìn chúng, so với những chiếc lọ được mua tận gốc Bầu Trúc, ta sẽ thấy chúng cầu kỳ, kiểu cách hơn. Có lẽ đó cũng là sự thay đổi cho hợp với yêu cầu thị trường.
4. Nhân nói về gốm Bầu Trúc, lại nghĩ đến dòng gốm Bình Định xưa. Gốm Bình Định thế kỷ XIV - XV về kỹ thuật vượt trội hẳn gốm Bầu Trúc nay. Bởi nếu gốm Bình Định không chỉ có men, mà lại là men nhiều màu, nung trong lò nung với kỹ thuật cao, thì gốm Bầu Trúc nung ngoài trời, độ nung thấp, không men. Gốm Bình Định thời ấy mang trong mình sự lịch lãm, sang trọng rất độc đáo. Chẳng thế mà đã được xuất khẩu sang nhiều nước, cả Đông Nam Á lẫn Nhật Bản. Rồi đến thế kỷ XX, gốm của lò Kim Môn (Phù Mỹ) cũng rất đẹp, có màu men và kỹ thuật tinh xảo, được thị trường thời đó rất ưa chuộng. Nhiều sản phẩm của dòng này hiện tồn vẫn có sức thu hút với giới sưu tập.
Vậy mà những truyền thống ấy đã bặt hẳn. Hiện nay toàn tỉnh chỉ còn một, hai làng nghề sản xuất gốm không men, chủ yếu là để dùng làm vật dụng hàng ngày như chậu lan, ấm sắc thuốc, hũ đựng tiền tiết kiệm… Kỹ thuật đã sút mà giá trị cũng chẳng được mấy. Các làng nghề nay sống lay lắt khi phải chen chân cạnh tranh với các dòng gốm khác trên thị trường.
Liệu có thể làm "sống" lại dòng gốm Bình Định giàu truyền thống? Câu hỏi ấy nay vẫn chưa có lời đáp.
|