Các cây bút nữ đang sung sức
15:7', 21/2/ 2006 (GMT+7)

Bìa các tác phẩm của các cây bút nữ Bình Định.

Năm 2005 kết thúc, 4 cây bút nữ của miền đất võ Bình Định kịp cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm, trong đó nổi trội lên có 3 tập thơ và một tập truyện ngắn.

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thu đã trình làng tập truyện ngắn Bạn đường rừng (Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành). Là cô giáo dạy ở bậc tiểu học tại xã An Tân, huyện miền núi An Lão nên đối tượng văn chương của tác phẩm Nguyễn Thị Lệ Thu là những học trò của mình - học sinh lớp 3 lớp 4. Tác giả tâm sự :"Dạy học tại một huyện miền núi xa xôi, tôi đã quen với hình ảnh các em nhỏ áo quần nhếch nhác vẫn háo hức niềm vui đến lớp. Tôi cũng từng hạnh phúc khi bắt gặp học sinh của tôi bối rối giấu đi những giọt nước mắt đến là thương khi biết cô giáo đã chia sẻ, cảm thông nỗi khổ của riêng em…và tôi đã chọn các em làm nhân vật chính trong các câu chuyện của mình, chỉ mong được nói dùm những khao khát, ước mơ của các em."

Bằng cách viết giản dị, trong sáng, đậm chất hồn nhiên tác phẩm của Nguyễn Thị Lệ Thu được các bạn đọc nhỏ tuổi nhiệt tình đón nhận.

Lời ru bếp lửa là tập thơ thứ tư của cây bút Xuân Mai, ra mắt hồi tháng 10-2005. Trong năm 2005, chị còn thể hiện hồi ký Ở lại với dòng sông (NXB Văn Học ấn hành) của đồng chí Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Sách khá dày dặn hơn 400 trang in. Nhà thơ chia Lời ru bếp lửa làm 3 phần. Phần 1 gồm 5 bài viết về Bác Hồ có tựa đề "Nhớ Bác ngàn năm". Phần II "Dòng đời bè bạn" 20 bài và Phần III "Tâm sự đôi lời" 25 bài.

Thơ Xuân Mai vẫn trung thành với những lời thủ thỉ tâm tình. Chị giữ được nét chân thành, đằm thắm dịu dàng ở các tập thơ trước nhưng bút pháp đã linh hoạt hơn. Tứ thơ bay bổng và có những nghĩ suy sâu sắc. "Ru cho hạt thóc nảy mầm/ niềm vui về bến lặng thầm tin yêu/ ru từng ngọn khói liêu xiêu/ bay thơm mái rạ những chiều cơm lam/ lời ru tựa cửa thời gian/ quạt hồng bếp lửa nồng nàn đêm sâu".

Mây trắng là tập thơ thứ 8 của Lệ Thu, do NXB Văn Nghệ TP HCM ấn hành tháng 8-2005. Ở Mây trắng, Lệ Thu vẫn tiếp nối được mạch nguồn trong trẻo của sự tin yêu nồng nàn, sự hy sinh thầm lặng, tình yêu thương bao la đối quê hương đất nước, người mẹ, đồng chí, đồng đội, đồng bào. Chị cũng thể hiện trách nhiệm công dân của mình trước đời sống xã hội ngày càng phức tạp bằng một bút pháp chân thành, dung dị. "Củi đã cháy cho đời ngọn lửa/ phận mình đen nhẻm hòn than/ Than nguyện cháy cho đời hơi ấm/ Hóa thân mây trắng dịu dàng" (Ngày của đời người) hoặc "Cho con ánh lửa vinh quang/ Mẹ xin làm một hòn than bé dần" (Cho con). Đó là thái độ sống, thái độ thơ của Lệ Thu.

Lệ Thu cũng thể hiện trong Mây trắng một chút thơ văn xuôi (Hà Nội trong ta, Về lại miền cổ tháp), một chút thơ Đường (Phận người, Chiều mưa, Mùa đi, Biển, Thi nhân) và một chút suy tư triết luận (Nói chuyện với cây xương rồng, Lương thiện, Vết xước) như là những thể nghiệm, làm cho người đọc luôn được thay đổi cách cảm thụ.  "Mây trắng" còn mang một nỗi buồn, một niềm day dứt cho thân phận. Cũng phải thôi. Bây giờ chị đã vượt qua ngưỡng tuổi 65, lại sống một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang ở thành phố biển, con cháu thì ở xa làm sao chẳng buồn. Nhưng nỗi buồn của chị rất nhẹ nhàng, khiến cho người đọc có niềm tin yêu và sự đồng cảm.

Từ những ngày ngồi trên ghế trường Đại học Huế, Trần Thị Huyền Trang đã được nhiều bạn đọc biết đến với những câu thơ tình đẹp: "Sao trời chỉ lấp lánh/ Những đêm da trời xanh/ Mắt em chỉ lấp lánh/ Khi nhìn vào mắt anh". Giáp Tết Bính Tuất  (12-2005), Trang cho ra mắt bạn đọc tập thơ thứ 3 Trong tĩnh lặng NXB Hội Nhà Văn ấn hành.

Thơ Trần Thị Huyền Trang ngày càng chín về tư duy và mới về cách thể hiện. Chị đã cô đặc chữ nghĩa như lọc quặng để có những câu thơ lấp lánh, ngắn gọn, súc tích. "Tiếng dế hát như mê/ ngọt như cỏ dại // Dấu hoa/ trong chốn tương tư/ mặt đất nhớ hương khắc khoải // Trăng xuống bến tắm khuya/ bước lên/ ròng ròng nước bạc…"(Trong đêm) hoặc "khi nồng nhiệt núi lửa/ khi hững hờ cơm nguội góc bếp// có thể vắt cả mồ hôi cả máu để bày tỏ/ từng dòng mang gương mặt chính mình…"(Với thơ).

Đọc xong 38 bài  "Trong tĩnh lặng" của Trần Thị Huyền Trang tôi không thấy yêu riêng một bài nào, tuy bài nào cũng đáng yêu. Cái tạng tôi thích kiểu "Về Côn Sơn tìm sách" hay "Trò chuyện với kiến" ở tập thơ "Muối ngày qua" hơn. Dẫu vậy vẫn khẳng định rằng "Trong tĩnh lặng" của Trần Thị Huyền Trang  là một bước tiến dài về phong cách thơ sau 5 năm sáng tác.

Xem ra năm 2005, làng văn Bình Định được mùa tác phẩm.

  • Nguyễn Văn Chương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gốm trang trí trở lại  (21/02/2006)
Tuồng - Một nghệ thuật truyền thống rất hiện đại  (20/02/2006)
Ba khúc ca ngắn về Bích Khê  (19/02/2006)
Tại sao có ngày Valentine ?  (17/02/2006)
Nét Chăm ở thế kỷ XXI  (17/02/2006)
Ấm lòng tiếng hát ru Bình Định  (17/02/2006)
Bình Định đã có một bảo tàng đẹp  (17/02/2006)
Về chữ ''nhẫn''  (17/02/2006)
Hội khách thơ bên đồi Ghềnh Ráng  (14/02/2006)
Nhiều hoạt động nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ IV-2006  (13/02/2006)
Nhớ Nguyễn Khuyến của Bùi Đình Vinh đoạt giải Nhất  (12/02/2006)
Thơ ca và Tình yêu  (12/02/2006)
Bích Khê - quên quên nhớ nhớ  (10/02/2006)
Các đề cử cho giải Oscar lần thứ 78  (10/02/2006)
Khai mạc Liên hoan Văn nghệ ngành GD-ĐT lần thứ IV  (10/02/2006)