Bích Khê: Trong bóng nguyệt soi
16:20', 21/2/ 2006 (GMT+7)

Cuối năm 1945, vào những thời khắc tận cùng của đời mình, Bích Khê hy vọng qua bài thơ “Lời tuyệt mệnh” của ông: “Sau nghìn thu nữa trên trần thế/Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi”. Không phải đợi đến “nghìn thu”, chỉ 60 năm sau thôi, trong hai ngày 20-21 tháng 2.2006, bên bờ sông Trà-con sông mà nhiều thi sĩ lừng danh như Cao Bá Quát, Nguyễn Cư Trinh… đã ngâm vịnh, một cuộc hội thảo quy mô quốc gia do Hội Nhà văn VN cùng Hội VHNT Quảng Ngãi tổ chức về thơ Bích Khê đã diễn ra vừa trang trọng, sôi nổi nhưng cũng thật ấm áp. “Bóng nguyệt” mà ông kỳ vọng ấy đã “soi” thật kỹ qua 70 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học uy tín trong cả nước.

 

Lãnh đạo Hội Nhà văn VN viếng mộ Bích Khê tại Thu Xà (Quảng Ngãi) ngày 19-2. Ảnh: T.Đ

 

Một nhà thơ quá nhạy như Bích Khê, ông đã linh cảm có một điều gì đó bất an cho đời mình. Vì vậy, câu thơ trên đây như vừa hy vọng, lại như vừa tiên báo. Vâng, suốt 60 năm qua, Bích Khê luôn luôn bí ẩn và luôn luôn “lạ” đối với tất cả những ai muốn nghiên cứu về ông, cả về thơ lẫn về đời riêng. Một tai nạn từ “trời xanh” đã rơi xuống thân phận nhà thơ sau khi Bích Khê qua đời khiến cho ông phải mang tiếng dữ với hậu thế.

Người ta xem ông như một phần tử Tơ-rôt-kit nguy hiểm, dù trong lúc bạo bệnh, ông vẫn cố rướn người ra khỏi võng để được rơi nước mắt trước lá cờ đỏ sao vàng của một nước Việt Nam độc lập. Hai tập thơ mỏng manh  Tinh Hoa và Tinh Huyết của ông như những hạt giống mới toanh “rắc vào bến lạ” khiến cho nhiều nhà thơ cùng thời phải thảng thốt kêu lên “thi sĩ thần linh” (Hàn Mặc Tử) rồi “đỉnh núi lạ” (Chế Lan Viên). Song, cũng chính vì Bích Khê và thơ ông thuộc cõi “thần linh”, là “núi lạ” nên không phải ai cũng bắt được sóng từ những tín hiệu thi ca mà Bích Khê phát ra qua hai tập thơ này. Vì vậy, những đánh giá lâu nay về sự cống hiến của Bích Khê cho văn học nói chung và cho thơ ca nói riêng cũng chưa thật sự thoả đáng.

Cuộc hội thảo lần này đã mang trên vai nó hai công việc không kém nhọc nhằn: Đánh giá đúng về thơ Bích Khê và trả lại tên tuổi cho ông đúng như những gì mà Bích Khê cống hiến. Chính vì tầm vóc của cuộc hội thảo lần này nên người lĩnh ấn tiên phong để gánh vác trọng trách ấy không ai khác là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-nhà thơ Hữu Thỉnh.

Dù sáng 21-2 là có cuộc họp quan trọng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam nhóm họp tại Hà Nội nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn có mặt tại Quảng Ngãi từ chiều 19-2 để kịp khai mạc vào sáng hôm sau 20-2. Ông cùng đoàn nhà văn Việt Nam phải rời Hà Nội ngay từ trưa của ngày chủ nhật.

Quảng Ngãi - đúng như một câu thành ngữ-“gần nhà mà xa ngõ”, từ Hà Nội vào Đà Nẵng trên tám trăm cây nhưng “bay” 55 phút, còn trên trăm cây từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, phải “chạy” bằng xe những hơn hai giờ đồng hồ… Hai cuộc họp, cuộc nào cũng quan trọng, lại khai mạc cách nhau một ngày nên buộc ông Chủ tịch Hội Nhà văn VN phải “dát mỏng” thời gian vàng ngọc của mình ra để không phải bỏ cuộc nào. Hữu Thỉnh là nhà thơ rất chu đáo mọi việc, song ông lại là người hay sốt ruột, khiến hướng dẫn viên trong đoàn là tôi phải liên tục động viên ông bằng chính cái câu mà ông hay nói, hãy “hết sức kiềm chế”, suốt quãng đường trên trăm cây số từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi.

Đã từng ngang qua Quảng Ngãi một đôi lần nhưng đây là lần đầu tiên nhà thơ Hữu Thỉnh lưu lại vùng đất này nên dù đi lại rất phiền phức, ông vẫn rất vui, nhất là được về quê hương của cả ba nhà thơ mà ông yêu mến: Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Tế Hanh và được đặt chân lên quê hương của nhà văn hóa lớn: Phạm Văn Đồng. Riêng hai nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn và nhà thơ Nguyễn Hoa-Chánh Văn phòng Hội thì đây là lần đầu hai ông đặt chân đến Quảng Ngãi nên không ít bỡ ngỡ khi nghe một tiếng gõ cửa đêm hôm ngay tại khách sạn mình nghỉ. (Lễ tân mang nước sôi pha trà cho khách).

Buổi chiều, sông Trà hiện ra một dòng trong vắt. Hiếm có năm nào như năm nay, sông Trà dồi dào nước mát ngay trong những tháng giêng hai này vì toàn bộ dòng nước trong xanh kia phải tưới tắm cho trên ba vạn hecta lúa vẫn thường khát nước trong những tháng sau Tết âm lịch. Có lẽ trời đất đã chiều lòng các nhà thơ chăng? Nước xanh và cát trắng bời bời, chợt xao lòng các thi sĩ phương xa. Đây là con sông đã từng in bóng của rất nhiều tao nhân mặc khách, trong đó có nhạc sĩ Văn Cao. Đặc biệt là với Cao Bá Quát, dòng sông này đã đóng dấu trên tấm giấy thông hành rong ruổi đời ông. Một đêm trăng lạnh của gần hai trăm năm trước, Chu Thần đã chu du cùng người bạn thân Bùi Nhị Minh Trọng trên dòng sông này. Tức cảnh say tình, họ Cao đã gửi lại cho đời một kiệt tác: Trà Giang thu nguyệt ca. Trong một buổi chiều giữa giờ giải lao của cuộc hội thảo, đứng ở tầng 5 của Khách sạn Mỹ Trà, Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh đã nhắc đến Chu Thần và bài thơ trên cùng bản dịch xuất sắc của Giáo sư Vũ Khiêu với một niềm tưởng vọng thiêng liêng.

Hối hả như những dòng thơ Bích Khê từng chạy đua với quỹ thời gian ít ỏi mà tạo hóa đã dành cho mình, các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học cùng đông đảo những người yêu thơ lập tức xuôi về Thu Xà, quê hương của Bích Khê. Đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam chưa kịp nhận phòng nghỉ, đã phải lên đường đi viếng mộ Bích Khê.

Mới sáng hôm đó, 19-2, trời sụt sùi mưa, làm ban tổ chức không khỏi ái ngại cho khách đường xa nhưng cuối chiều, trời đột ngột hửng nắng. Mười lăm phút sau, Thu Xà đã ở ngay trước mặt. “Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh/ Anh có khi nào trở lại chưa/Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc/Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa” (Làng em). Đây rồi. Chính ngôi làng đã hiện diện trong thơ Bích Khê từ hơn 60 năm trước, có điều không “hiu quạnh” như thơ ông thôi. Họ Lê ở Thu Xà là tộc họ lớn với nhiều người thành danh. Bích Khê trước khi mất, ông chưa lập gia đình, song số cháu con các ông anh bà chị của ông thì “đàn đàn lớp lớp”. Nhiều người ở tận Sài Gòn như Giáo sư Lê Hoài Nam, bà Thu An-vợ cố Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương, cũng kịp “bay” về để có mặt trong buổi viếng mộ hết sức đặc biệt này. Trước nấm đất tiền nhân, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khấn: “Chúng con, lớp nhà văn con cháu của Người, đã về đây để xua đi con quạ mà Người đã từng bị ám ảnh suốt mấy chục năm qua. Cầu mong nhà thơ phù hộ cho nền thơ ca của đất nước ngày càng cách tân, ngày càng phát triển như kỳ vọng của Người”.

Hơn 60 năm trước, Bích Khê đã từng bị ám ảnh: “Gió tiêu sẽ quạt buồn thanh tịnh/Về chốn thôn gia viếng mả tôi/Đầy cỏ xanh xao mây lớp phủ/Trên mồ con quạ đứng im hơi” (Nấm mộ). Mười tám năm trước (1988), Chế Lan Viên-người bạn lớn của Bích Khê cũng đã về đây để viếng mộ bạn và ông cũng đã xua “con quạ” đã ám bạn mình rồi, song những gì mà Chế Lan Viên kỳ vọng, suốt gần hai thập kỷ qua vẫn không thay đổi. Cho đến hôm nay, Hội Nhà văn Việt Nam chính thức lên tiếng, được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ủng hộ hết mình, “con quạ” ấy bắt đầu rời khỏi số phận Bích Khê.

Ngày khai mạc hội thảo có đầy đủ quan khách. Sự có mặt của những đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trong hội thảo đã gián tiếp gửi cho mọi người một thông điệp vui: “Tỉnh Quảng Ngãi lấy làm tự hào vì đã sinh ra nhà thơ Bích Khê. Những lầm tưởng lâu nay về ông chỉ là ngộ nhận nhất thời. Cuộc hội thảo lần này sẽ làm sáng rõ những tồn nghi về ông”. Nhà thơ Hữu Thỉnh đọc diễn văn khai mạc hội thảo, mở màn cho một xê-ri tham luận rất sôi nổi và hoành tráng về thơ Bích Khê trong buổi sáng 20-2. Đây là diễn văn “lạ” nhất trong đời “làm quan” của ông. Nói như lời nhận xét của nhà thơ Thanh Thảo-người đã góp công rất lớn cho cuộc hội thảo này: “Chúng ta xem diễn văn của nhà thơ Hữu Thỉnh như một bản tham luận đầy trách nhiệm và day trở về thơ Bích Khê vậy”. Một bản duy nhất chép tay với chằng chịt gạch xóa, được viết ngay trong đêm trước ngày khai mạc hội thảo, viết với một tinh thần như câu thơ của ông “Chúng tôi vừa đi vừa nhẩm dọc đường”, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có những nhận xét chí lý về thơ Bích Khê: “Thơ Bích Khê như một thứ tài nguyên chìm trong lòng đất. Càng đi sâu càng thấy sự dồi dào của nó. Ông là nhà thơ đầy ý thức và rất có trách nhiệm trong việc cách tân cho thơ. Lúc Thơ Mới đang ở đỉnh cao, nhiều nhà thơ cùng thời đã tự bằng lòng với những gì mình có thì Bích Khê đã làm một cuộc cách tân ngoạn mục. Ông xứng đáng để chúng ta tôn vinh như một nhà thơ hàng đầu trong việc cách tân cho thơ”.

Đề dẫn của nhà thơ Thanh Thảo đã gây sự chú ý và thích thú cho người nghe với những nhận xét hết sức tinh tế về thơ Bích Khê. Lúc Bích Khê tạ thế thì Thanh Thảo sắp sửa chào đời. Hai người cách nhau đúng 30 năm, không có một mối “liên hệ” gì nhau nhưng Thanh Thảo là nhà thơ duy nhất ở Quảng Ngãi bắt được “sóng” của Bích Khê. Đề dẫn của ông về thơ Bích Khê cũng là chiêm nghiệm của chính ông về thơ vậy.

Bằng nhiều góc độ khác nhau, các tham luận đã “nhìn” thơ Bích Khê đa chiều hơn, đa cực hơn. Cái thú vị của cuộc hội thảo là ở chỗ, không phải tham luận nào cũng “khen ào ào” như lâu nay ta vẫn thường thấy. Tham luận của Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt nam-nhà thơ Vũ Quần Phương là một ví dụ. Dù tham luận của ông được lấy nhan đề: “ Đặc sắc Bích Khê”, song ông vẫn chỉ ra những nhược điểm rất thuyết phục về thơ Bích Khê: “ Xét toàn bài, những kỹ xảo về chữ, về câu, về hình, về nhạc, được chăm chút quá lại làm hại hơi thở tự nhiên của cảm xúc và gò cả tư tưởng của thơ lại”. Nhận xét này cũng là sự đồng ý với nhận xét của Chế Lan Viên 18 năm trước khi ông viết lời tựa cho tuyển tập Thơ Bích Khê: “Hàn Mặc Tử thì bị thơ làm còn Bích Khê thì làm thơ”.

Nhiều tham luận thể hiện sự tìm tòi, khám phá mới lạ về thơ Bích Khê, như tham luận của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khi ông liên tưởng sự ảnh hưởng của ca trù trong thơ Bích Khê. Hoặc như tham luận của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, ông đã đi sâu phân tích tập thơ Tinh Huyết và đặt nó trong giai đọan phát triển thứ hai của Thơ Mới. Bằng tập thơ này, Bích Khê đã kéo dài tuổi thọ của Thơ Mới vậy!

Ở một khía cạnh khác, nhiều tham luận cũng đã tập trung phân tích khá thấu đáo về “sex” trong thơ Bích Khê. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã rất kỳ khu trong việc tìm tòi “vùng cấm bay” này khi ông nhận xét: “Thân xác, nhục thể tắm gội trong một tâm hồn mang khí vị thần linh của thi sĩ đã biến thành hào quang lung linh(…) Thơ lõa thể của ông một thời gian dài bị im lặng, nay được đem ra đọc, và còn nói được nhiều điều cho thơ và các nhà thơ hôm nay”.

Hai ngày trôi đi thật nhanh. Hàng chục bản tham luận được trình bày tại hội thảo và một đêm thơ rất ấm áp về Bích Khê được tổ chức ngay bên cạnh dòng sông Trà. Bấy nhiêu đó là quá đủ cho những gì chờ đợi bấy lâu nay, song vẫn thấy thiếu đối với một thời thơ của Bích Khê. Mạch nước ngầm ấy càng đi sâu nghiên cứu càng thấy cái thăm thẳm của thời gian và không gian thơ mà Bích Khê đã ký gửi vào đó. Nghiên cứu về thơ ông thì hãy còn dài, đó lại là công việc của các nhà khoa học.

Riêng tỉnh Quảng Ngãi thì sẽ dần dần thực hiện lời đề nghị này của Hội Nhà văn Việt Nam: “Trả lại tên đường cho Bích Khê; đặt một tên trường trung học mang tên Bích Khê; biến nhà thờ họ Lê ở Thu Xà thành một “nhánh” trong hệ thống bảo tàng của Hội Nhà văn Việt Nam”.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các cây bút nữ đang sung sức  (21/02/2006)
Gốm trang trí trở lại  (21/02/2006)
Tuồng - Một nghệ thuật truyền thống rất hiện đại  (20/02/2006)
Ba khúc ca ngắn về Bích Khê  (19/02/2006)
Tại sao có ngày Valentine ?  (17/02/2006)
Nét Chăm ở thế kỷ XXI  (17/02/2006)
Ấm lòng tiếng hát ru Bình Định  (17/02/2006)
Bình Định đã có một bảo tàng đẹp  (17/02/2006)
Về chữ ''nhẫn''  (17/02/2006)
Hội khách thơ bên đồi Ghềnh Ráng  (14/02/2006)
Nhiều hoạt động nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ IV-2006  (13/02/2006)
Nhớ Nguyễn Khuyến của Bùi Đình Vinh đoạt giải Nhất  (12/02/2006)
Thơ ca và Tình yêu  (12/02/2006)
Bích Khê - quên quên nhớ nhớ  (10/02/2006)
Các đề cử cho giải Oscar lần thứ 78  (10/02/2006)