Tưởng niệm 40 năm vụ thảm sát Bình An (26.2.1966 - 26.2.2006):
Ký ức Bình An
11:19', 24/2/ 2006 (GMT+7)

Ông Nguyễn Tấn Lân, người thôn An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) - một trong những nhân chứng của vụ thảm sát Bình An, dẫn tôi ra đầu đám ruộng Cạnh Bườm. Luồn đi giữa hai bờ lúa, tấm bia di tích nằm dưới một lũy tre, những dòng chữ như một lời nhắc nhở, khắc ghi: "Di tích Đám Cạnh Bườm. Nơi đây: ngày 15 tháng 2 năm 1966, giặc Mỹ và quân chư hầu Nam Triều Tiên đã sát hại 65 người vô tội".

 

               Khu chứng tích Gò Dài mới được xây dựng.

 

* Chuyện kể của một nhân chứng

Ông Lân kể: "Tôi vẫn nhớ như in ngày đó là 23 tháng giêng năm 1966. Vào khoảng 8 giờ sáng, lính Nam Triều Tiên bắt đầu càn từ Gò Gai xuống, đến quãng 11 giờ trưa thì tràn đến giữa xóm. Lúc đó, tôi mới hãy còn là một cậu bé 15 tuổi, ngồi thu lu với mẹ và em gái trong căn hầm sau nhà nằm gần bờ sông. Thỉnh thoảng, lại dội lên một loạt đạn liên hồi, rồi tiếng lựu đạn nổ, tiếng rên xiết của trẻ em và người già. Khoảng 2 - 3 giờ chiều, giặc đã càn đến bến đò ở cuối xóm thì chúng quay trở lại, gom hết các gia đình còn lại ra đám Cạnh Bườm này. Gia đình tôi cũng bị bắt gom ra đấy. Ra đến nơi, quãng 4 giờ chiều, đã thấy khoảng 68 người trên đám ruộng, mỗi gia đình ngồi thu lu một góc. Gia đình tôi ngồi cụm một góc, chợt nghe hô lên một tiếng. Lập tức, súng, lựu đạn, M79 cấp tập bắn tới tấp. Không khí mù mịt, bà con kêu la, rồi đổ gục xuống. Khủng khiếp. Giờ nhớ lại mà tôi vẫn còn gai hết cả người…".

Má và em gái ông Lân bị thương, ngất tại chỗ. Ông Lân bị một viên đạn găm trúng ngay gót chân, nhổm dậy, cũng chỉ chạy được mấy bước thì gục xuống, không còn biết gì nữa. Mãi đến 7 - 8 giờ tối, khi bà con từ các nơi lánh nạn trở về, chôn cất những người đã mất. Những người bị thương thì được băng bó và đưa về nhà. Tuy nhiên, em gái ông Lân do bị thương nặng vào đầu, đến 11 giờ đêm hôm đó thì mất. Mẹ ông bị gãy cả hai chân, cũng mất ngay sau đó.

Ngôi mộ tập thể chôn 380 xác nạn nhân tại Gò Dài.

Từ cõi chết trở về, người thanh niên An Vinh ấy sớm thoát ly, tham gia bộ đội. Năm 1975, khi đó ông đã là Đại đội phó Đại đội 1 của Huyện đội, có mặt cùng đoàn quân trở về giải phóng quê hương. Tuy nhiên, gia đình ông có 5 người thì mẹ và em gái đã mất trong trận càn năm ấy, ba và anh trai hy sinh trong chiến tranh. Cả gia đình chỉ còn lại mình ông. Ông Lân kể chuyện cũ, mà đôi mắt đã ngân ngấn tự lúc nào…   

Đám Cạnh Bườm chỉ là 1 trong 15 điểm diễn ra thảm sát từ ngày 23-1 đến 26-2 tại xã Bình An (nay là các xã Tây Vinh, Tây Bình và Tây An - huyện Tây Sơn). Trong đó, dã man nhất là tại Gò Dài (thôn An Vinh) vào ngày 26-2. Tại đây, lính Nam Hàn đã dồn tất cả những người chúng bắt được ở các nơi về và giết hại 380 người. Di tích còn lại về vụ thảm sát này là một ngôi mộ tập thể dài 33m, rộng1,5m, chôn xác các nạn nhân.

Ký ức đau thương ấy đã khắc vào trong lòng mỗi người dân Bình An, mà giờ đây mỗi khi được nhắc lại, ta chạm vào một nỗi đau quá lớn. Một người Tây Vinh tâm sự: "Chúng tôi gọi những ngày diễn ra các đợt thảm sát ấy là những ngày giỗ làng. Về Tây Vinh trong những ngày ấy, mới thấy buồn thương đến mức nào. Có gia đình giỗ hai, ba người một lúc…".

* Bình An hôm nay

Trở lại Bình An, đi trên những tuyến đường dọc ngang, mới thấu hiểu vị trí chiến lược của mảnh đất này. Toàn bộ địa phận của xã Bình An trước đây vậy là nằm trong một khu vực có nhiều đầu mối giao thông quan trọng. Phía Đông Bắc xã có sân bay Phù Cát, phía chính Bắc có núi Trà Ran là một cao điểm lợi hại. Mặt phía Nam tiếp giáp với sông Kôn và xa hơn về phía Nam chừng 4km là QL19 nối liền vùng đồng bằng, duyên hải với Tây Nguyên. Tỉnh lộ 636 chạy qua mặt bắc và đông, nối thông với sân bay, đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 1A. Chính bởi địa thế đó, Bình An quan trọng trong chiến tranh và cũng là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

 

                                     Tây Vinh hôm nay.

 

Gò Dài (thôn An Vinh 1) nay đã được xây cất thành khu chứng tích có tường rào, vườn cây, nhà bia khá hoàn chỉnh - một nỗ lực nhằm phần nào sưởi ấm vong linh những người đã khuất. Bình An nay đã là những làng quê như bao làng quê yên ả khác. Dưới chân những tấm bia di tích, nay đã là ruộng đồng, nhà cửa, hay những cơ sở sản xuất. Người dân các xã thuộc Bình An xưa, đang nỗ lực vươn lên, thoát nghèo. Chăn nuôi đang là hướng thoát nghèo của người dân trong xã. Những con số mà ông Huỳnh Anh Kiệt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tây Vinh cung cấp đã cho thấy rõ điều này. Bên cạnh con số hơn 1.000 ha tổng diện tích gieo sạ trong cả 3 vụ, với năng suất đạt 43,2 tạ/ha năm 2005 là đàn bò 1.750 con, tăng gần gấp đôi so với năm 2003. Điều đáng kể nữa là hình thức chăn nuôi theo hướng công nghiệp đang phát triển. Ngay trong năm 2005, cây cầu trên tuyến đường từ Nhơn Hậu qua Nhơn Mỹ (An Nhơn) đã hoàn thành, mở lối thông thương cho Tây Vinh ra thị trấn Đập Đá. Rồi trong kế hoạch, cây cầu tre nối giữa hai làng An Vinh và An Thái sẽ được thi công vào năm 2007, mở thêm hướng thông thương mới cho vùng đất này phát triển.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chào ngày mới  (23/02/2006)
Gần 15.000 lượt du khách đến với Lễ hội chùa Linh Phong  (23/02/2006)
Lắng nghe Trong tĩnh lặng (*)  (22/02/2006)
Bích Khê: Trong bóng nguyệt soi  (21/02/2006)
Các cây bút nữ đang sung sức  (21/02/2006)
Gốm trang trí trở lại  (21/02/2006)
Tuồng - Một nghệ thuật truyền thống rất hiện đại  (20/02/2006)
Ba khúc ca ngắn về Bích Khê  (19/02/2006)
Tại sao có ngày Valentine ?  (17/02/2006)
Nét Chăm ở thế kỷ XXI  (17/02/2006)
Ấm lòng tiếng hát ru Bình Định  (17/02/2006)
Bình Định đã có một bảo tàng đẹp  (17/02/2006)
Về chữ ''nhẫn''  (17/02/2006)
Hội khách thơ bên đồi Ghềnh Ráng  (14/02/2006)
Nhiều hoạt động nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ IV-2006  (13/02/2006)