LTS: Tại Hội thảo cấp quốc gia về thơ Bích Khê vừa được tổ chức tại Thành phố Quảng Ngãi, bài tham luận của Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã được nhiều đại biểu chia sẻ do đề xuất hoàn toàn mới của ông. Báo Bình Định Điện tử xin giới thiệu nội dung những đề xuất này.
Bích Khê từng viết:
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ
Ô tiên nương, nàng lại ngự nơi nào
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài phút trăng say đọng ở làn môi
…
Thơ đã hay đến vậy, lời bình của Hàn Mặc Tử càng đáo để "Nếu chẳng phải là một nghệ thuật siêu thần thi nhân làm sao đưa đến một nguồn sống phong tình mà thanh khiết cho giai nhân. Và cái "chân như" của nghệ thuật siêu thần ấy (nói theo triết lý nhà Phật) Hàn Mặc Tử bình tiếp: "Trực giác của thi sĩ mạnh quá đến nỗi thấy nhan sắc lên hương, thấy cả sóng nghê thường đang nao nao gợn, và so sánh hai hàng nước mắt trong trắng của nàng là hai chiếc đũa ngọc, mái tóc u huyền xinh xinh như mọt mùa thu mươn mướt".
Còn đối với thế hệ chúng tôi coi mỗi chữ của bài thơ này là một hạt kim cương, mỗi câu là một chuỗi ngọc. Vì rằng, hồi còn trẻ trong chúng tôi ai mà chẳng từng có dịp thưởng thức những bức tranh tương tự trong đời thường ấy vậy mà ngu đến nỗi không biết nói, hoặc nói chẳng nên lời…may mà có Bích Khê nói hộ. Chính vì lẽ ấy mà tôi quyết đến cho được Hội thảo này chỉ đến nói hai điều:
+ Một là, Bích Khê - một tài hoa của đất nước, "một đỉnh núi lạ" (lời Chế Lan Viên), "Biệt thự một nhà triệu phú" (lời Hoài Thanh) có từng hoạt động Tờ-rốt-kít ở Quảng Ngãi hay không, hay bị người ta vu cáo chính trị?
- Hai là, tôi xếp Bích Khê vào "trường thơ Bình Định" bởi những lý do nội tại của lịch sử hồi ấy.
Xin bàn về điều thứ nhất: Nếu căn cứ vào tiểu sử Bích Khê thì Lê Quang Lương đậu tiểu học Pháp-Việt năm 14 tuổi, đến 17, 18 tuổi đang học tú tài ở Hà Nội thì bỏ học chỉ vì dành tiền cưu mang một người bạn thất cơ lỡ vận. Ấy vậy mà về sau, khi ông bạn quỉ quái này no ấm lại trở thành kẻ phản bội Bích Khê có đau không chứ! Giống như tên Tiết Nghĩa phản bội Tiết Cương trong vở tuồng Hộ sinh đàn của Đào Tấn vậy. Đến năm 1936 (20 tuổi) thì về quê sống với mẹ và dưỡng bệnh, đôi khi cùng chị là Ngọc Sương đi Huế tiếp xúc với cụ Phan Bội Châu và cụ Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1938 lại cùng chị Ngọc Sương vào Phan Thiết mở trường dạy học, được một năm thì trường bị đóng cửa. Năm 1939 lại về quê vì bệnh nặng. Năm 1946 ở cái tuổi 30 Bích Khê từ giã cuộc đời. Chừng ấy thời gian Bích Khê vừa dạy học, vừa sáng tác, vừa đương đầu với con bệnh nan y thì Bích Khê hoạt động Tờ-rốt-kít vào lúc nào? bằng đường nào? và hành động cụ thể là gì?
Nhưng dù sao giá trị "đỉnh núi lạ" mà đời thơ Bích Khê đã cống hiến cho đời, cho nên tôi cũng chẳng bận lòng về cái chuyện vu vơ ấy. Thế nhưng ở đời, cái quí là sự công bằng, có thì nói rằng có, bằng không thì bảo rằng không, đừng cơi gót giày mình cho cao để hạ thấp người khác bằng vu cáo chính trị thì thật là tệ hại!
Bây giờ xin bàn đến điều thứ hai:
+ Nhắc đến "trường thơ Bình Định" hồi ấy người ta hay gộp chung với câu chữ "Bàn thành tứ hữu" để chỉ các nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn. Rồi từ "tứ hữu" đến "tứ linh" tức bốn con linh vật: Long-Lân-Qui-Phụng.
Thực ra đây chỉ là khởi xướng của anh Quách Tấn nhằm tôn vinh tài thơ của các bạn mình, đồng thời tự coi mình là con rùa, con vật chậm chạp trong "tứ linh" suốt đời không cất chân khỏi các khu vườn "mùa cổ điển". Có lẽ chỉ vì gò cho khớp với khuôn khổ "tứ linh" mà vô tình anh đã để "lọt lưới' một bạn thơ, một thành viên trong thi đàn Bình Định hồi đó là Bích Khê mà suốt đời Quách Tấn luôn kính yêu. Chúng ta hãy nghe một đoạn tự thuật của Quách Tấn:
"Bích Khê định ở chơi cùng tôi lâu, một là để nhờ Lê Văn Tân chữa bệnh, hai là đợi Yến Lan từ Hà Tiên về. Nhưng một hôm, nói chuyện về Hàn Mặc Tử, Khê hỏi tôi:
- Anh đến thăm Tử, anh có sợ lây không?
- Cũng có phần sợ, nhưng không bao giờ tỏ ý dè dặt.
- Như vậy không khi nào anh bắt tay Tử?
- Không bao giờ Tử đưa tay cho ai bắt cả…Tánh Tử rất thận trọng.
- Đúng thế. Nhưng tôi phá lệ. Khi ở Phan Thiết, tôi ra thăm Tử mấy lần. Năm 1940 ở Thu Xà tôi vào thăm một lần trước khi Tử đi Qui Hòa. Lần nào tôi cũng ngồi cạnh Tử và lúc về cũng như đến tôi buộc Tử phải đưa tay tôi bắt…
- Anh không sợ lây ư?
- Đã thương yêu nhau mà còn sợ lây à?
- Thương yêu là một việc, sợ lây là một việc. Và yêu bạn sao bằng yêu mình?
Câu nói thật sống sượng nhưng trót ra khỏi miệng, bốn ngựa không còn theo kịp nữa rồi! Khê "hừ" một tiếng:
- Té ra lòng yêu thương bạn bè của anh có chừng mực!
Tôi hối hận và ngượng ngùng chữa lỗi…
Khê nhún vai bỏ đi nằm.
Đêm hôm ấy Khê đi ngủ sớm và sáng hôm sau dậy sớm bảo tôi:
- Tôi cần phải ra Ninh Hòa thăm người bà con ít hôm.
Tôi biết Khê hờn tôi. Tôi tìm đủ cách để cầm chân. Khê gắt: "Tôi ra đón nhiều lắm là hai hôm rồi trở vào, chuyện chi mà sợ dữ vậy?". Tôi đành để Khê đi. Khê đi buổi sáng thì buổi chiều Yến Lan ở Hà Tiên ra. Tôi có ít nhiều hy vọng rằng Khê không nỡ giận mình mà bỏ ra về như thế. Nhưng hai hôm sau tôi được thư Khê từ Ninh Hòa gửi vào cho biết vì có việc cần nên phải về nhà gấp. Tôi rất buồn. Nhưng rồi Yến Lan gửi thư cho Khê, Khê phúc đáp vui vẻ, trong thư không giận tôi. Sau đó tôi thường được thư Khê…
Thú thật, cứ mỗi lần đọc đoạn văn tự thuật này tôi lại nghĩ thương anh Quách Tấn vì rằng: thông thường viết hồi ký người ta hay nói tốt về mình mà dồn cái xấu về người khác. Quách Tấn thì ngược lại.
Chưa hết, nếu không có cái cú hích của Hàn Mặc Từ bằng cách chê ỏng chê eo tập thơ đầu tay mà Bích Khê đã xé vụn thì liệu thiên tài thơ Bích Khê có bùng nổ như ngày nay chúng ta đang chiêm ngưỡng. Thật khó nói.
Như vậy, khỏi cần phải nhắc lại mọi hành vi và tình cảm trong mối quan hệ keo sơn của họ suốt thời gian dài, khi tại thế cũng như lúc lâm chung tưởng cũng đủ chứng cứ xếp Bích Khê vào "trường thơ Bình Định" và nên gọi là "ngũ phụng tề phi" thay vì "Bàn thành tứ hữu". Đây là điều tôi mang đến với Hội thảo hôm nay.
|