Cho đời sau con cháu có quê hương
16:20', 24/2/ 2006 (GMT+7)

"Cho tôi nhận ân tình nơi đất ở/ Cho đời sau con cháu có quê hương"! Có lẽ đời sau, cháu con của chị khi đọc hai câu thơ này hẳn lòng dạ đến nát tan mất! Và họ sẽ hiểu ra rằng: Hẳn vì sự ly hương của người ông - một nhà thơ chân quê có máu "xê dịch" nổi tiếng của Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX mà mẹ mình phải động lòng: "Đêm nằm nghe chim kêu vượn hú/Day trở tháng ngày tiếng cuốc gọi niềm đau"; phải chị đứng ra thành lập một thi hội lấy tên là "Chân Quê". Chị là Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái của nhà thơ Nguyễn Bính.

Bà Nguyễn Bính Hồng Châu

Đêm Nguyên Tiêu vừa rồi, một đoàn văn nghệ sỹ ở TP HCM là hội viên của Chân Quê thi hội đã có dịp đến thăm Đà Lạt và tổ chức buổi giao lưu với một số anh em văn nghệ sỹ tỉnh Lâm Đồng. Tôi may mắn có mặt trong buổi giao lưu ấy, và có dịp chuyện trò cùng chị - con gái của nhà thơ Nguyễn Bính, với tư cách là Thi hội trưởng Chân Quê thi hội.

"Bố tôi, nhà thơ Nguyễn Bính, quê gốc Nam Định. Mẹ tôi, một nhà báo cách mạng trong chiến tranh, quê gốc Nghệ An. Năm 1952, tôi được sinh ra ở mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc: Cà Mau. Tuổi thiếu niên tôi gắn với đất Sài Gòn. Sau đó vào chiến khu U Minh Thượng và trưởng thành ở U Minh Hạ".

Ấy vậy mà mãi đến 50 năm sau chị mới trở lại nơi bố mẹ đã sinh ra chị - Thới Bình, Cà Mau. Cũng mãi đến tuổi 50, chị mới có dịp tìm về nguồn cội Nam Định của mình. Và cũng mãi đến lúc ấy, trong con người văn xuôi của chị mới bật ra những câu thơ đau đáu nỗi niềm: "Cha sinh tôi ở cuối trời Tổ quốc/Bát ngát màu xanh rừng đước rừng tràm/Lòng sông đỏ máu thấm người mở đất/Giọt mồ hôi rơi đong đầy biển cả/Nước mắt ướt mèm câu hát xa quê…". "Một trong những mục đích của Chân Quê thi hội là nhằm giữ gìn cốt cách hồn thơ dân dã như nhà thơ Nguyễn Bính, một nhà thơ chân quê theo đuổi" - nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu nói.

Nguyễn Bính Hồng Cầu vốn là một cây bút văn xuôi (chị hiện là Phó GĐ Nhà xuất bản Văn Nghệ). Nhưng dường như từ trong sâu thẳm của tâm hồn chị chất chứa hồn thơ chân quê của người cha nên sau hai chuyến trở lại nơi chôn nhau cắt rốn Cà Mau và quê bố Nam Định, những dòng thơ mang hồn quê trong chị cứ thế bật ra. Chị viết về cha (dường như là để … phân minh): "Đời cha lỡ bước sang ngang/Bến bờ xô dạt ngửa nghiêng đất trời/Rượu suông cha uống quê người/Thế nhân giữa chợ khóc cười riêng cha/Xa xôi cha yếu mẹ già/Chim bao mách lẻo qua nhà người dưng/Một mình nhớ một mình thương/Một đời đơn chiếc buồn vương một mình/Lênh đênh sóng dập gió dồi/Lang thang con bướm hát lời chân quê…" (nhà thơ Nguyễn Bính thường ví mình như con bướm). Hoặc như: "…Mây đen che kín bầu trời/Đêm Nam ngày Bắc rối bời lòng cha…". Rồi nữa: "Trăm năm cha lỗi hẹn hò/Cây đa bến nước mẹ chờ đợi ai/Đã đành vàng đá phôi phai/Dòng trong dòng đục dám sai tấc lòng/Đầu sông mẹ đứng trông chồng…". Nói rằng những dòng thơ này là một cách cởi tấc lòng thay cho bố mình nghĩ cũng không có gì là quá. Bởi lẽ, như trên đã nói, bố chị - nhà thơ Nguyễn Bính - khi "xê dịch" từ đất Bắc vào Nam Bộ đã kết duyên cùng mẹ chị, bà Nguyễn Hồng Châu, và sinh ra chị, để "Trăm năm cha lỗi hẹn hò…". Nhưng đọc câu tiếp theo - "Cây đa bến nước mẹ chờ đợi ai" - mới hiểu sự nhân hậu của chị với những người thân. Và điều đáng nói nữa, với riêng chị, trong chị, niềm quê vẫn đau đáu cho đến tận bây giờ. Chỉ mới đọc vài dòng mà đã nhận ra sự khắc khoải của chị về quê nội: Chị biết rằng "Tôi thương tôi khuyết vòm trời quê nội" nhưng vẫn gắng "Cố hương ngàn dặm quay về" và chợt trĩu lòng "Tôi cúi mặt làm người vong nghĩa"! Với mảnh đất chị được sinh ra, câu thơ nghe mà xót: "Cà Mau ơi, nghe trong từng thớ đất/Có hạt nào nhau rốn của tôi…". Chị cũng không thể không nhớ rằng quê ngoại là Nghệ An nên đã thốt lên "Góc quê tôi thật ở chốn nào", và sau đó, đành vậy: "Bãi bờ nào cũng nhận quê hương/Người dưng nào cũng nối máu xương…", để rồi cuối cùng: "Cho tôi nhận ân tình nơi đất ở/Cho đời sau con cháu có quê hương…".

Mãi đến sau 50 tuổi, con gái nhà thơ Nguyễn Bính - mới làm thơ. Và mãi đến tuổi 54 chị mới có tập thơ đầu tay được xuất bản (tập thơ "Ca dao một nửa"). Nhưng, tin rằng người con gái của nhà thơ chân quê nổi tiếng của Việt Nam sẽ làm được một điều gì đó lớn hơn nhiều chứ không chỉ là "Hồn quê còn lại chút này"!

  • Khắc Dũng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nên đưa Bích Khê vào "trường thơ Bình Định"  (24/02/2006)
Ký ức Bình An  (24/02/2006)
Chào ngày mới  (23/02/2006)
Gần 15.000 lượt du khách đến với Lễ hội chùa Linh Phong  (23/02/2006)
Lắng nghe Trong tĩnh lặng (*)  (22/02/2006)
Bích Khê: Trong bóng nguyệt soi  (21/02/2006)
Các cây bút nữ đang sung sức  (21/02/2006)
Gốm trang trí trở lại  (21/02/2006)
Tuồng - Một nghệ thuật truyền thống rất hiện đại  (20/02/2006)
Ba khúc ca ngắn về Bích Khê  (19/02/2006)
Tại sao có ngày Valentine ?  (17/02/2006)
Nét Chăm ở thế kỷ XXI  (17/02/2006)
Ấm lòng tiếng hát ru Bình Định  (17/02/2006)
Bình Định đã có một bảo tàng đẹp  (17/02/2006)
Về chữ ''nhẫn''  (17/02/2006)