Vẻ đẹp của một bài ca dao quen thuộc
7:1', 28/2/ 2006 (GMT+7)

Trong hàng nghìn bài ca dao về tình yêu đôi lứa, bài ca sau có một vẻ đẹp riêng:

Em nghe anh đau đầu chưa khá

Em băng đồng chỉ sá hái ngọn lá cho anh xông

Ước chi nên đạo vợ chồng

Đổ mồ hôi ra thì em quạt, ngọn gió lồng thì em che.

(Theo sách Văn học 10, tập 1, Phần Văn học Việt Nam - NXBGD)

Bài ca dao mở ra với tình huống: cô gái nghe tin người yêu đau đầu chưa giảm, chưa bớt. Tình huống ấy khiến cô dám vượt qua sự e dè vốn có để bộc lộ tình cảm với chàng trai. Vừa mới nghe tin, cô đã vội  "băng đồng chỉ sá" chứ không đi theo lối mòn quen thuộc để kịp  "hái ngọn lá cho anh xông". Các động từ "băng", "chỉ", "hái" diễn tả những hành động liên tiếp, biểu lộ tâm trạng nóng lòng, sốt ruột, lo lắng cho người yêu.

Bài ca không hề có một chữ yêu, chữ thương nhưng phải yêu nhiều, thương lắm cô mới có hành động tức thì như vậy. Trong khoảnh khắc ấy, dường như cô không  nghĩ đến bản thân mình mà mọi hành động đều vì người mình yêu. Ở cô không hề có nỗi lo sợ - dù là thoáng qua - như cô gái trong bài ca dao: "Em thương anh không dám nói ra/ Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời". Có thể nói chính  tình huống "anh đau đầu chưa khá" đã khiến cô gái dám sống thật với tình cảm của mình, dám hành động theo sự thôi thúc của trái tim, làm phác lộ vẻ đẹp của một tình yêu mãnh liệt.

Nhưng đẹp nhất ở cô là niềm mơ ước này: "Ước chi nên đạo vợ chồng/Đổ mồ hôi ra thì em quạt, ngọn gió lồng thì em che". Đây là vẻ đẹp của một tình yêu mang tính nhân văn sâu sắc - yêu là được hy sinh cho người mình yêu. Hạnh phúc không phải ở sự thụ hưởng mà ở chính sự hy sinh ấy. Ước mơ nên vợ, nên chồng là để được chăm sóc người yêu. Những động từ  "quạt",  "che" làm cho cô gái vụt hiện lên một tầm vóc lớn lao bất ngờ còn chàng trai bỗng trở nên bé nhỏ. Tình yêu làm cho con người có những khoảnh khắc lớn lên kỳ lạ như vậy. Nàng Kiều Nguyệt Nga dám ôm bức họa Lục Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn để giữ lòng sắt son chung thủy. Người vợ Tú Xương một mình "Nuôi đủ năm con với một chồng". Sự gặp gỡ trong hành động của các nhân vật chính là sự gặp gỡ của những tình yêu chân chính, những tâm hồn cao cả.

Bài ca dao trên đã vượt qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian để nhập vào dòng chảy nhân văn của văn  chương dân tộc và nhân loại bởi tư tưởng nhân văn của nó. Tư tưởng ấy lại được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ giản dị, mộc mạc như chính tâm hồn chân chất, mộc mạc của người dân quê đã góp phần tôn lên vẻ đẹp của bài ca dao.

  • Đỗ Em (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khổng Vĩnh Nguyên - râu tóc phong trần  (27/02/2006)
Cho đời sau con cháu có quê hương  (24/02/2006)
Nên đưa Bích Khê vào "trường thơ Bình Định"  (24/02/2006)
Ký ức Bình An  (24/02/2006)
Chào ngày mới  (23/02/2006)
Gần 15.000 lượt du khách đến với Lễ hội chùa Linh Phong  (23/02/2006)
Lắng nghe Trong tĩnh lặng (*)  (22/02/2006)
Bích Khê: Trong bóng nguyệt soi  (21/02/2006)
Các cây bút nữ đang sung sức  (21/02/2006)
Gốm trang trí trở lại  (21/02/2006)
Tuồng - Một nghệ thuật truyền thống rất hiện đại  (20/02/2006)
Ba khúc ca ngắn về Bích Khê  (19/02/2006)
Tại sao có ngày Valentine ?  (17/02/2006)
Nét Chăm ở thế kỷ XXI  (17/02/2006)
Ấm lòng tiếng hát ru Bình Định  (17/02/2006)