Ngày 24 và 25 tháng giêng hàng năm là ngày hội chùa Ông Núi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Năm nay, theo dòng người đi hội, chúng tôi ngược lên núi Bà, trẩy hội chùa Ông Núi…
|
Tam quan chùa Ông Núi.
|
* Ngược đỉnh Bô Chinh
Chùa Ông Núi (tên chữ là Linh Phong thiền tự) tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung - đỉnh cao nhất của dãy núi Bà, về phía Đông Nam. Đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan, đi khỏi ngã ba Cát Tiến chừng vài trăm mét là tới lối vào chùa dưới chân núi.
Sách xưa chép lại, năm Nhâm ngọ (1702), có một người tên gọi là Lê Ban (tức thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì) đến núi này tu hành. Sư dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống thanh bần trên núi, dùng vỏ cây làm quần áo. Dân trong vùng gọi sư là Mộc Y Sơn Ông (tức ông núi mặc áo vỏ cây). Do vậy, ngôi chùa này có tên chùa Ông Núi. Sư mất năm Thái Đức thứ 8, đời vua Nguyễn Nhạc.
Lễ hội chùa ông Núi chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Trừng Tịnh, một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chùa. Ngày giỗ đúng vào mùa lễ hội tháng giêng, nên thu hút khá đông khách hành hương. Hai ngày hội, cả đoạn đường ven biển ngang qua Cát Tiến như chật hẳn với xe ô tô, xe máy từ các nơi đổ về cả những tấm biển xe từ tận Gia Lai hay Phú Yên. Gửi xe nơi chân núi, theo dòng người men theo con đường đất mà hai bên là những bụi duối khá lớn, đi thêm một đoạn, gặp những bậc đá dẫn lên đến lưng chừng núi.
Đi hết hơn trăm bậc đá, cảnh chùa đã hiện ra. Ngôi chùa cổ, ngày mới tạo lập, chỉ là một mái tranh, tên gọi Dũng Tuyền. Năm 1733 được chúa Nguyễn Phước Trú sắc cho quan địa phương dựng lại bằng ngói, đổi tên là Linh Phong thiền tự. Năm 1895, khi đang là Thượng thư bộ Công, Đào Tấn tu bổ lại ngôi chùa khang trang và viết bài ký bằng chữ Hán (Linh Phong tự ký). Năm 1965, trong chiến tranh, chùa bị cháy. Hiện nay, ngôi chùa vừa được xây dựng lại nên cảnh trí đã thật khang trang.
Đứng trước sân chùa, phóng tầm mắt ra xa: đầm Thị Nại long lanh nước trải dưới ánh của một ngày nắng đẹp. Tây và Nam là những mái nhà chen giữa đồng lúa xanh. Lại tự nhủ, rằng mình đang đứng ngay trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Bà hùng vĩ. Núi Bà, sách xưa chép là Bô Chinh đại sơn, tức là ngọn núi lánh cái chiêng.
Ẩn trong dáng núi, là bao dấu ấn lịch sử. Này là hòn Vọng Phu ở Vĩnh Hội (xã Cát Hải) gắn với truyền thuyết về người phụ nữ ôm con đứng ngóng chồng, lâu ngày hóa đá; là đỉnh Hòn Chuông nằm ở điểm cao 874 có phế tích tháp Chăm cổ. Thời Tây Sơn, trên vùng đất này có Tây Phủ Càn Dương (thôn Trường Thạnh, xã Cát Tiến) với cảnh buôn bán sầm uất của phủ ly và Hải tấn Nha phiên vẫn còn mãi lưu truyền… Rồi trong kháng chiến, nơi đây là căn cứ vững chắc của cách mạng ở khu Đông.
* Thạch thất và cuộc đời một thiền sư
Trước khi bước chân vào hang Tổ, nơi ngày xưa sư ông từng sống và tu luyện, dường như ai cũng mua một chai nước nhỏ được những người bán hàng rong chào mời trên đường lên hang. 3.000 đồng cho một chai nước La Vie 500 ml. Khách hành hương đặt những chai nước lên bàn thờ và thầm khấn nguyện. Người ta khẽ bảo nhau: để lấy lộc đầu xuân.
Hang đá được tạo ra bởi một khối đá núi thật to nằm nhô trên những phiến đá khác. Từ chùa, băng qua suối, ngược lên phía Đông thêm vài chục bậc đá nữa, là đến. Trước và trong hang, hàng loạt những phiến đá bằng phẳng, như những chiếc bàn, chiếc giường thiên tạo. Người ta vẫn kể rằng, sinh thời, sống trong hang bên cạnh nhà sư còn có hai chú cọp mun. Tuy hình hài hung dữ nhưng tính khí hai chú cọp lại khá lành hiền. Chúng chỉ ăn trái cây mà sống. Nay trong hang, có thiết bàn thờ sư ông với tượng thể hiện hình tướng một thiền sư mang áo vỏ cây, tay cầm thiền trượng làm bằng nhánh cây rừng, ung dung, tự tại.
Bên hang, những tảng đá lớn bằng phẳng, là chỗ dừng chân cho du khách sau một hồi ngược dốc. Gió núi vi vu, hòa gió biển từ đầm Thị Nại thổi vào, xua đi bao mệt nhọc cho kẻ hành hương.
* Con suối nhỏ và tâm sự người nghệ sĩ
|
Dòng suối trong khuôn viên chùa. |
Theo chân những du khách, chúng tôi dừng chân bên con suối nhỏ. Học như Đào Tấn khi xưa, "nhấp chút ngụm nước suối trong lành và ngẫm biết sự thật về cuộc đời" (Thanh tuyền tế ẩm chân tri sự) và thấu hiểu thêm một chút, cái lẽ xuất - xử muôn đời vẫn cứ dùng dằng trong mọi ông quan mũ cao áo dài giữa thời tao loạn.
Chẳng là năm 1885, giữa bao giằng xé tâm can, Đào Tấn đã tìm đến đây để ẩn dật. Gần một năm trời sống dưới cửa thiền, chính là thời gian Đào Tấn tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn giữa một thời đại biết bao biến động. Tâm tư ông lúc này đứng giữa hai con đường: con đường đẹp nhất, cao cả nhất là cứu nước, chống địch; con đường khác là ẩn tránh. Cái tâm sự dùng dằng, phân vân ấy, Đào Tấn còn gửi trong nhiều bài thơ và từ khác. Ở bài thơ đề trên vách chùa, ông viết: Thập niên hồ hải qui lai mộng/ Nhất cảnh yên hà tự tại thiên (Mười năm lăn lóc chốn hồ biển, vẫn thường mơ được trở về cảnh điền viên/ Nay đứng trước cảnh khói sớm ráng chiều mà ngỡ trời dành riêng cõi này cho lòng ta tự tại).
Chùa Linh Phong nói như nhà thơ Xuân Diệu, là điểm hội tụ để tâm hồn Đào Tấn đi - về, cũng là một nhu cầu trong cái xã hội bế tắc. Cả cho đến ngày ra làm quan, tiết lập xuân, nhìn hoa trà nở, mà Đào công vẫn nhớ tới một màu hoa quê nhà, dưới chùa Linh Phong. Nơi vườn ngôi nhà của mình ở Huế, Đào Tấn cũng lập hòn non bộ, trên đó khắc hai chữ Linh Phong (hòn non bộ này hiện vẫn còn và được đặt trong khuôn viên chùa Thiên Mụ - Huế).
Chùa Ông Núi nay còn hang Tổ và con suối nhỏ gợi nhớ nhiều dáng nét chùa cũ. Nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đủ sống lại trong ta hình bóng ngôi chùa cổ kính xưa nay vẫn mãi vọng trong tâm tưởng người Bình Định. Để rồi hẹn nhau, 24, 25 tháng giêng hằng năm lại ngược đỉnh Bô Chinh đại sơn, đi hội chùa Ông Núi.
|