Nhân 90 năm ngày sinh của nhà thơ Yến Lan: (2-3-1916 – 2-3-2006):
Đất và người Bình Định trong thơ Yến Lan
11:2', 1/3/ 2006 (GMT+7)

Bình Định là mảnh đất của thi ca- nơi đã sản sinh, nuôi dưỡng những tâm hồn thơ, những nhà thơ lớn trên thi đàn Việt Nam. Trong số đó, có một nhà thơ mà gần như suốt cả cuộc đời mình đã gắn bó trọn tình, trọn nghĩa với đất và người nơi đây. Đó chính là cố thi sĩ Yến Lan…

Đọc nhiều thơ Yến Lan sẽ thấy nhà thơ  yêu quê hương đến dường nào. Có thể nói trong thơ Yến Lan, đất và người Bình Định như hòa quyện vào trong ý thơ, trong những vần thơ chan chứa: Ôi Bình Định, mây chia trời cách biệt,/ Nhúng bâng khuâng trong giá lạnh sương hoa./ Nhà ngơ ngẩn, những tường vôi keo kiết,/ Nam-quách sầu, Đông-phố quạnh, Tây môn xa. Hay: Sông Côn chảy qua bảy tầng thác đập, Tình Trung châu: hương mật nặng khoang thuyền.

Những áng thơ mà nhà thơ viết về Bình Định cũng chính là những ký ức của lịch sử mảnh đất này từ những năm 30 của thế kỷ trước cho đến cuối thế kỷ trước. Một Bình Định với nhiều sắc thái khác nhau:…Ôi Bình Định, sao nằm trong mãi mãi/ Đĩa dầu vơi, tim cháy ngọn âm âm…?  (Bình Định 1935). Hay:…Ôi Bình Định từ những ngày tháng Tám, Bao đứa con xiêu lạc trở về làng. Hoặc:Tám tư về lại ở An Nhơn/ Phố cũ người xưa chẳng mấy còn/Đêm đến nằm nghe cành liễu phất/ Còn nhìn quen thuộc tiếng chuông boong.( Tiếng chuông ngày cũ- 1998)

Chỉ có những người nặng nghĩa tình với quê hương như nhà thơ mới trải cuộc đời mình theo những dòng tự sự viết về quê hương như thế. Những câu thơ giàu tính hình tượng như: "Quê tôi nắng mới võ vàng, dừa cao lểnh khểnh, cành xoan ngòng ngoèo”. Đó là những hình ảnh rất đỗi quen thuộc trên khắp nẻo quê Bình Định.

Với dòng sông Côn- con sông chảy qua quê ngoại, nơi nhà thơ cất tiếng khóc chào đời chín mươi năm về trước đã mang đến cho nhà thơ những cảm xúc dạt dào trong những ý thơ tuyệt tác và bất hủ trong bài “Bến My Lăng”. Hình ảnh con đò với “ông lão say trăng đầu gối sách” bên ánh trăng huyền ảo đầy mộng tưởng chính là cảm xúc rất thật từ dòng sông quê hương.

Trong cuộc đời của mình, nhà thơ từng đi qua rất nhiều nơi. Mỗi một vùng đất đều làm nhà thơ càng gợi nhớ về quê hương: Trưa ghé Yên Châu núp bóng xoài/ Mùi hương Bình Định thoảng đâu đây…”. Hay những câu thơ viết từ nước Nga xa xôi: Dạo vườn thảo mộc gặp lùm tre/ Dừng bước chờ chim rũ tuyết về/ Giá có trên tay cây sáo trúc/Lộng trong lòng bạn khúc ca quê. Mảnh đất Bình Định như lắng vào trong từng nhịp đập, từng hơi thở của “chàng kỵ mã- Yến lan”. Rong ruổi cả một cuộc đời, trải qua những thử thách khắc nghiệt của định mệnh, nhà thơ tìm lại quê hương mình để tiếp tục hòa chung ý thơ với nghĩa, với tình quê hương:Thăm quê về lại bến trăng xưa/ Còn tưởng đêm nay đứng gọi đò/ Chưa kịp nhớ ra lòng có hẹn/ Chèo ai cặp bến đã vang khua. (Nhớ Bến My Lăng)

Yến Lan còn có vô số bài thơ nặng tình quê hương đến như vậy. Bao tình cảm dạt dào trong ý thơ đều chứa nặng trong tâm tưởng của nhà thơ một tình yêu quê hương không phai mờ. Đọc lại những vần thơ ông viết về quê hương mới thấy, yêu quê hương thì ai cũng yêu, làm thơ thì vô vàn người làm. Nhưng phỏng có mấy ai làm được như Yến Lan.

  • Lâm Trường Định
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chiều sâu của một nét Huế cổ kính  (28/02/2006)
Rock Việt - ngày trở lại...  (28/02/2006)
Inrasara - ra đi là để trở về  (28/02/2006)
Đi hội chùa Ông Núi  (28/02/2006)
Vẻ đẹp của một bài ca dao quen thuộc  (28/02/2006)
Khổng Vĩnh Nguyên - râu tóc phong trần  (27/02/2006)
Cho đời sau con cháu có quê hương  (24/02/2006)
Nên đưa Bích Khê vào "trường thơ Bình Định"  (24/02/2006)
Ký ức Bình An  (24/02/2006)
Chào ngày mới  (23/02/2006)
Gần 15.000 lượt du khách đến với Lễ hội chùa Linh Phong  (23/02/2006)
Lắng nghe Trong tĩnh lặng (*)  (22/02/2006)
Bích Khê: Trong bóng nguyệt soi  (21/02/2006)
Các cây bút nữ đang sung sức  (21/02/2006)
Gốm trang trí trở lại  (21/02/2006)