Nếu bạn đứng từ Ghềnh Ráng, bên mộ Hàn Mặc Tử nhìn xuống Quy Nhơn sẽ thấy thành phố biển này đẹp như một chiếc vương miện bằng ngọc lấp lánh, cài lên mái tóc của đầm Thị Nại.
· Ngày đầu tiên đến Quy Nhơn các bạn ở Hội Nhà báo Bình Định mời ăn cơm ở nhà hàng Quê Hương 2. Xưa nay chỉ nghe nói Bình Định có "Rượu Bàu Đá, cá sông Côn…" và tất nhiên là hải sản nhiều và rẻ hơn Hà Nội. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy món đầu tiên dọn ra là rau lang luộc chấm mắm cua. Với tôi, một người sinh ra ở đồng bằng Bắc bộ, rau khoai, mắm cáy (một loại cua biển nhỏ) ăn với cơm gạo mới là thứ khoái khẩu số một. Chỉ có rau mắm thôi mà đánh vèo bốn năm bát. Bây giờ ở Hà Nội không sao kiếm nổi món đặc sản đồng quê đó. Đến nỗi tôi đã ao ước lẩn thẩn: trước khi nghỉ thôi không sống và làm việc nữa, về chốn nào đó, sương khói mông lung, phải chén một bữa rau khoai, mắm cáy, coi như ước nguyện cuối một đời người. Thế mà hôm nay chấm ngọn rau lang Quy Nhơn vào bát mắm cua béo ngậy mùi cua, vàng như mật ong, tôi nghĩ mình còn lâu mới "ra đi" được. Mắm cua Bình Định còn đang ăn vô tư trong các nhà hàng cơ mà. Tiềm năng cuộc sống dồi dào như thế, đáng phấn đấu vươn dài lắm…
|
TP Quy Nhơn nhìn từ đồi Ghềnh Ráng. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
· Chúng tôi ngồi trên một con tàu hai tầng trên đầm Thị Nại, một trong những vịnh biển có thương hiệu ngang ngửa với Cam Ranh, Nha Trang, Tam Giang… Tất nhiên con tàu này không có máy đẩy, nó đứng một chỗ làm chức năng nhà hàng nổi. Món làm tôi ngạc nhiên là mắt cá ngừ đại dương. Sau Phú Yên, Bình Định bắt đầu phát triển nghề câu cá ngừ, một hải sản xuất khẩu có giá trị thương phẩm rất cao, chỉ sau con tôm hùm. Người Nhật, Hàn Quốc họ ăn cá ngừ sống, chấm với mù tạt xanh, anh nào ăn quá đà dù xa nhà, không nhớ vợ con cũng phải nghẹn ngào trào nước mắt vì… cay mũi. Còn chúng ta chén cái mắt to đùng, đầy một bát ăn cơm. Trừ cái xương mắt tròn xoe như… "chiếc vòng ngọc" phải bỏ đi, còn ăn được tất. Nhãn cầu bùi như ăn hạnh nhân, nhưng ngậy hơn nhiều, còn cả con mắt là một món ăn béo, đậm và vị cá rất đặc trưng. Đảm bảo sau khi làm hết một mắt với 3 ly Bàu Đá, cả bữa nhậu bạn không cần ăn thêm sơn hào hải vị gì nữa, chất đạm đã quá đủ, chỉ còn việc cụng ly tiếp tục, bao nhiêu tùy sức. Thử hỏi trong "ba vạn chín nghìn" nhà hàng thủy sản ở nước ta (con số này tôi chế ra và hy vọng không có ai tranh cãi) có hàng nào bán món mắt cá ngừ đại dương tần thuốc bắc ngon như ở Thị Nại ?
· Cuối cùng, sau bao nhiêu ước hẹn, chúng tôi cũng được đến sông Côn. Khi nói đến rượu Bàu Đá vừa được báo Bình Định phong tước "Thiên hạ đệ nhất tửu", ông giám đốc Bảo tàng Quang Trung gạt phắt: "Rượu Tây Sơn mới là đệ nhất. Chính bà chủ lò rượu Bàu Đá đã lừng danh thiên hạ hiện nay cũng là người Tây Sơn xuống dưới đó hành nghề". Điều ông nói được chứng minh trong bữa cơm trưa tại nhà hàng Thanh Thanh nổi tiếng ăn ngon và cô chủ quán có cặp mắt mơ màng, để lại nhiều ấn tượng cho lữ khách. "Cá sông Côn" chính cá trủ, nhỏ xíu, kho nhạt, ăn mềm như bún và ngầy ngậy, dễ thương và con cá diếc nhưng rõ ràng không phải là "cá diếc ở đâu cũng giống nhau". Diếc sông Côn chắc thịt hơn, không béo ngậy vì là cá sông, vận động nhiều trong dòng chảy, vảy có ánh xanh và ăn ngọt, ít xương dăm hơn diếc đồng ngoài Bắc. Cá diếc sông Côn uống với rượu Tây Sơn là một cuộc nhậu dân dã tuyệt vời nếu có cuộc thi sẽ hơn điểm Bàu Đá, chỉ tiếc như đồng chí Bí thư Huyện ủy nói với chúng tôi là rượu này chưa có thương hiệu. Bàu Đá uống men nồng chảy xuống dưới, còn rượu trắng Tây Sơn nâng ta lên. Có lẽ tướng sĩ của "Tây Sơn Tam kiệt" ngày trước cũng từng uống thứ rượu này trước khi xung trận và bách chiến bách thắng.
|
Du khách thăm Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn). Ảnh: Đ.T.Đ
|
Bảo tàng Quang Trung vừa tu sửa, dựng tượng mới. Pho tượng đồng Hoàng đế Quang Trung hùng vĩ và đầy khí thế của bậc quân vương với nhiều chiến công hiển hách. Còn pho tượng "Người anh hùng áo vải" cũ nghe nói được chuyển lên dựng tại Tây Sơn thượng đạo, nơi khởi nguồn cuộc khởi nghĩa. Âu cũng là hợp lẽ, vẫn là đức ngài, nhưng hai giai đoạn, hai vẻ anh hùng có khác nhau.
· Nếu bạn đứng từ Ghềnh Ráng, bên mộ Hàn Mặc Tử nhìn xuống Quy Nhơn sẽ thấy thành phố biển này đẹp như một chiếc vương miện bằng ngọc lấp lánh, cài lên mái tóc của đầm Thị Nại. Chỉ còn vài tháng nữa chiếc cầu thứ 6, cầu trên biển dài nhất Việt Nam sẽ hợp long, nối Quy Nhơn với Khu kinh tế Nhơn Hội, rộng tới 12.000 ha hình thành một trục dọc các khu kinh tế miền Trung: Chu Lai, Dung Quất, Văn Phong, Nhơn Hội. Con đường 19 mới nâng cấp sẽ nối Nhơn Hội, Quy Nhơn với Tây Nguyên và kéo dài theo trục ngang tới Thái Lan, Campuchia và Lào. Một tương lai đầy hứa hẹn trong sự phát triển của Bình Định. Tôi đã nhìn thấy ngày những dãy đèn điện từ vòng ngọc Quy Nhơn sẽ bừng sáng, nối qua Nhơn Hội, khép kín Thị Nại thành một vòng ngọc trai lấp lánh trong đêm hè 2006. Lúc đó ta lại về Quy Nhơn ăn mắm cua, mắt cá ngừ đại dương và cá sông Côn với rượu Tây Sơn có thương hiệu mới "Quang Trung đệ nhất tửu" như lời hứa của ông Giám đốc Bảo tàng.
Bình Định, Quy Nhơn với tôi chỉ vỏn vẹn vài ấn tượng trong ba ngày của một du khách tranh thủ ngoài giờ như vậy. Thế mà đã xao xuyến lắm rồi. Xao xuyến và bâng khuâng khó tả, như cách đây 20 năm và cả lần này ăn bánh hỏi với thịt quay, lòng heo xong, cứ bâng khuâng mãi: Mình vừa ăn bánh hay ăn bún nhỉ ?
|