Hình tượng người phụ nữ trong tuồng
11:27', 3/3/ 2006 (GMT+7)

Trong nghệ thuật tuồng truyền thống, hình ảnh người phụ nữ tượng trưng cho những người mẹ, người vợ được thể hiện đậm nét trong các vở tuồng: Sơn Hậu, Đào Tam Xuân loạn trào, Tam Nữ đồ vương, Đào Phi Phụng, Xuân Đào cắt thịt, Nghêu Sò Ốc Hến…

Nhằm ca ngợi hình tượng người phụ nữ, trong vở tuồng Tam Nữ đồ vương tác giả đã xây dựng hình tượng ba cô gái trẻ Bích Hà, Phương Cơ và Loan Dung mang hết tài sức, trí tuệ của mình để phò vua cứu nước. Bích Hà lo việc cứu nữ chúa. Phương Cơ kìm chân anh ruột mình là Kim Hùng- một tướng tài nhưng đã theo bọn phản nghịch… Loan Dung theo đường vua trốn chạy để bảo giá, đã cứu sống được vua bằng cách cắt máu từ ngón tay mình lấy máu cho vua giữa rừng núi. Việc làm của ba cô gái đã góp phần cứu được đất nước thoát khỏi nguy vong, cuộc sống hoà bình trở lại, triều chính có chúa sáng tôi hiền.

Một dạng hình tượng phụ nữ khác như Xuân Đào trong trích đoạn tuồng Xuân Đào cắt thịt đã tự cắt thịt mình ở tay để nuôi mẹ chồng. Đây là một trong những hình tượng nghệ thuật độc đáo trong kho tàng văn học nghệ thuật của dân tộc ta. Trong bài viết "Quê hương và người phụ nữ trong tuồng Đào Tấn", nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn đã nhìn nhận: "Hầu hết những hình tượng nhân vật nữ trong toàn bộ tác phẩm của Đào Tấn dù là kinh hay thượng, dù trẻ hay già, tiểu thư hay tì nữ đều là những con người đẹp, con người anh hùng, hành động anh hùng". Và Vũ Ngọc Liễn phân tích: "Ở Hộ sinh đàn chỉ có ba nhân vật nữ-thân phận xã hội khác nhau, nhưng cả ba đều là những con người có tâm hồn và sức sống vượt khỏi thường tình. Trần Thị Lan Anh xuất thân từ "Một động hoa đào một cõi riêng", nàng vừa là vợ, vừa là bạn chiến đấu của Tiết Cương. Trong hoạn nạn nàng nghĩ: "Nếu chẳng liều sinh tử giữa chông gai (thì) ai còn kể ân tình trong nước lửa". Hồ Nô là hình tượng tiêu biểu cho tâm hồn đồng bào thượng của nước ta, chất phác và trung thực lạ thường. Thử nghĩ, trong cơn hoạn nạn của vợ chồng Tiết Cương mà không có nhân vật Hồ Nô giúp sức, không có "Hồ Nô đã biết đường xa thẳm" thì số phận của vợ chồng Tiết Cương sẽ ra sao. Tú Hà, vợ Tiết Nghĩa, đang sống ở địa vị giàu sang, nhung lụa, dù vậy lương tri, lương năng của nàng không bị địa vị xã hội của nàng bị biến cải. Sau khi biết rõ hành động phản trắc của chồng, nàng quyết định chống lại, nàng cứu ân nhân Tiết Cương rồi tự vẫn, bởi vì: "Chồng là tên độc ác, ở đời làm sao được, núi sông lay rụng hết, thà chết chịu lặng thinh... Mảnh gương phút đã tan tành, màn xuân gió lạnh thu đình trăng trong". Xin các bạn hãy khoan vội kết luận cái chết của Tú Hà là hành động tiêu cực. Tú Hà chết vì không thể sống với một thằng chồng bạc ác, đó mới chỉ là một duyên cớ, cái duyên cớ lớn hơn, sâu nghiệt hơn là dư luận xã hội sẽ buôc tội nàng là cô gái giết chồng: Trả ơn xưa (mà) đến nỗi lạy chồng/ Mích đạo cả sao rằng tiết gái. Vì vậy nàng đành phải "xa nhân gian chi khỏi việc xúc hoài". Cho đến cái chết của Tú Hà có sức mạnh tố cáo loại dư luận xã hội, cái thứ "đạo cả" hủ bại ấy không kém sự tố cáo tội ác của chồng nàng. Như vậy vì nghĩa cử mà Tú Hà phải đánh đổi lấy tính mạng của mình không hề vướng bận đến giàu sang, phú quí, có lẽ nào lại không coi đó là hành động anh hùng?

Khuê các anh hùng lại xuất hiện ba nhân vật nữ, niên kỷ như nhau, thân phận xã hội như nhau, như ở Hộ sinh đàn. Tạ Phương Cơ là cô gái sằn dã, Lý Xuân Hương có màu sắc tiểu thư, Bích Hà vốn là gái ở. Tác giả không hề dấu diếm khuynh hướng sáng tác của mình nên đã lấy tên kịch là Khuê các anh hùng. Bởi (theo tác giả) nếu không có những hành động anh hùng của từng con người này thì cơ nghiệp "Nguyên Triều" nào đó không cứu vãn nổi.

Những hình tượng phụ nữ trên sân khấu tuồng kể trên, đều nằm trong các vở tuồng truyền thống cổ điển. Hình tượng người phụ nữ bằng xương bằng thịt, lại là những nhân vật lịch sử có công dựng nước và giữ nước qua từng chặng đường của đất nước cũng như được phản ánh qua nhiều vở tuồng lịch sử. Những nhân vật này đã thừa kế truyền thống tốt đẹp của phụ nữ từ xưa, mà còn không ngừng hoàn thiện về mọi mặt để chăm lo việc nước, đảm việc nhà, thương con, yêu chồng, đã thể hiện trong các vở tuồng lịch sử sau này như: Trưng Nữ vương, Triệu Thị Trinh, Lý Chiêu Hoàng, An Tư công chúa, Bùi Thị Xuân, Nguyên phi Ỷ Lan, Gia đình chị Ngộ….

Cứ ngỡ hình tượng người phụ nữ như vậy chỉ xuất hiện trong một số vở tuồng có tính chính kịch. Nhưng không, trong các vở tuồng hài cũng thế. Đầu tiên là hình tượng người phụ nữ trong Nghêu Sò Ốc Hến. Thị Hến được xây dựng khá công phu từ một người phụ nữ bình thường dám đương đầu đấu tranh với những thói hư tật xấu của các quan lại trong xã hội phong kiến. "Từ xưa đến nay, có ai để cho đàn bà làm quan bao giờ? Chứ tôi mà được làm quan thì việc này tôi xử dư, xử dư đấy ông ạ …". Đây là lời oán trách và thách thức của vợ một viên tri huyện trong vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến, với ngụ ý dù bị lễ giáo phong kiến, luật lệ xã hội, tập tục gia đình làng xóm kìm hãm… nhưng với người phụ nữ bao giờ cũng nung nấu quyền được tự do, bình đẳng với nguyện vọng được đem tài năng của mình cống hiến cho đời.

Một vở tuồng khác như: Trương Ngáo đúc chuông nói về một người vợ khôn khéo, thông minh, gặp phải anh chồng khù khờ, nên chị dạy chồng sống có ích. Ngoài ra, tuồng Hồn Trương Ba da hàng thịt, Ngày xuân đi hội đề cao các cô gái Kinh Bắc thông minh hóm hỉnh luôn luôn làm đẹp cho đời.

Người phụ nữ Việt Nam với những ước muốn: cuộc sống hoà bình, gia đình ấm êm, hạnh phúc… được thể hiện trên sân khấu tuồng từ thời lập quốc, đã ghi dấu ấn tốt đẹp trong gia đình, ngoài xã hội và trở thành những hình tượng vĩnh cửu, là tấm gương sáng đáng tự hào trong đời sống xã hội của người Việt Nam.

  • Trần Xuân Toàn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vô đề  (03/03/2006)
"Sinh sự" với nhà báo Lý Sinh Sự  (03/03/2006)
Ba ngày qua Bình Định  (03/03/2006)
Đất và người Bình Định trong thơ Yến Lan   (01/03/2006)
Chiều sâu của một nét Huế cổ kính  (28/02/2006)
Rock Việt - ngày trở lại...  (28/02/2006)
Inrasara - ra đi là để trở về  (28/02/2006)
Đi hội chùa Ông Núi  (28/02/2006)
Vẻ đẹp của một bài ca dao quen thuộc  (28/02/2006)
Khổng Vĩnh Nguyên - râu tóc phong trần  (27/02/2006)
Cho đời sau con cháu có quê hương  (24/02/2006)
Nên đưa Bích Khê vào "trường thơ Bình Định"  (24/02/2006)
Ký ức Bình An  (24/02/2006)
Chào ngày mới  (23/02/2006)
Gần 15.000 lượt du khách đến với Lễ hội chùa Linh Phong  (23/02/2006)