Sử thi Tây nguyên - viên ngọc quý
15:2', 3/3/ 2006 (GMT+7)

Với Tây Nguyên, sau sự kiện UNESCO công nhận văn hóa cồng chiêng là văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ là gì tiếp theo? Chúng ta thử đưa ra một đoán định: Sử thi! Vì, cùng với văn hóa cồng chiêng, sử thi chính là “viên ngọc” sáng giá để UNESCO hướng đến trong việc xét công nhận giá trị văn hóa phi vật thể nhân loại ở Việt Nam trong tương lai.

 

GS TSKH Phan Đăng Nhật (đeo kính), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, trong một chuyến sưu tầm sử thi tại vùng dân tộc thiểu số Lâm Đồng. Ảnh: K.D

 

Sử thi Tây Nguyên - di sản sống

PGS-TS Ngô Đức Thịnh, người có nhiều công trình về văn hóa Tây Nguyên, cho rằng: “Nếu nhìn nhận từ góc độ các hiện tượng văn hóa tiêu biểu, như âm nhạc cồng chiêng, tín ngưỡng và nghi lễ nhà mồ, sử thi… hoàn toàn có thể nói tới một vùng sử thi Tây Nguyên (STTN)… Với những hiểu biết hiện nay, có thể nói rằng không nơi nào ở nước ta lại có thể tìm thấy nhiều sử thi, nhất là các sử thi đó đang “sống” trong đời sống văn hóa dân tộc như Tây Nguyên …”.

Có thể nói, thế giới biết đến STTN lần đầu tiên thông qua cuốn sách Bài ca Đam San của L. Sabatier xuất bản tại Pháp năm 1927. Không chỉ có Đam San, trong năm 2001 (một trong những năm “nở rộ” sử thi), các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian còn tiếp tục phát hiện trong các sắc tộc Êđê, M'nông, Bana, Giarai… đó là những tác phẩm sử thi độc đáo như: Đam Di, Chilơkok, Khinh Dú, Đăm Droăn, Y Prao, Mhiêng, Đam Noi, Xing Chion, Hơ Diêu, Diôông … Và mới đây, hàng loạt sử thi Tây Nguyên đã được công bố thông qua một chương trình lớn của quốc gia về nghiên cứu - sưu tầm - biên dịch - xuất bản sử thi được tiến hành ở hầu khắp các vùng thuộc Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp - GS G. Condominas khẳng định những giá trị của sử thi Tây Nguyên: “Người ta không thể nói đến folklore tiền Đông Dương mà trong đầu không xuất hiện nhan đề tác phẩm sử thi Đam San. Bài thơ tuyệt đẹp đó, tác phẩm nổi tiếng hàng đầu của văn học truyền miệng các bộ tộc sinh sống sâu trong nội địa Trung bộ Việt Nam, cho đến nay vẫn là một kiệt tác không bàn cãi” (G. Condominas: Lời nói đầu khan Klei Kdam YI BEFEO). Còn theo GS Ngô Đức Thịnh thì: “Hơn thế nữa, sử thi không chỉ là đặc trưng, nét độc đáo duy nhất của vùng văn hóa Tây Nguyên, mà vùng này còn thể hiện tính thống nhất của mình qua nhiều hiện tượng văn hóa tiêu biểu khác, như âm nhạc cồng chiêng, văn hóa nhà mồ, các luật tục tập quán khác…”.

Nói cách khác, cùng với các loại hình văn hóa khác (đặc biệt là văn hóa cồng chiêng vừa được UNESCO công nhận), sử thi Tây Nguyên góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa vô giá của Việt Nam và của cả nhân loại.

Linh hồn sử thi

Điểm đặc biệt của STTN so với hầu hết các sử thi trên thế giới đã phát hiện là STTN là sử thi “sống”. Nghĩa là nó vẫn đang tồn tại trong đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Mặc dầu đã bị mai một ít nhiều, nhưng hiện nay, bà con thiểu số Tây Nguyên, đặc biệt là ở lớp người già, vẫn còn thuộc lòng sử thi và hát - kể thâu đêm suốt sáng và người nghe vẫn nghe một cách say sưa đến “quên tiếng con gà rừng” báo canh.

Cùng với đặc điểm tuyệt diệu trên, nghệ thuật diễn xướng của STTN cũng hết sức độc đáo, đa dạng. STTN bao giờ cũng được xuất hiện dưới hình thức diễn xướng với hai biểu hiện rõ nhất là nó được hát - kể trong những không gian nhất định và với những làn điệu mang tính đặc trưng của nghệ thuật âm nhạc. GS-TS Tô Ngọc Thanh đã mô tả khung cảnh một buổi hát - kể sử thi của người thiểu số Tây Nguyên trong cuốn sách “Fôn-clo Bâhnar” như sau: “Hmon chỉ được hát - kể vào đêm không trăng. Người hát - kể nằm trên đầu hồi nhà phía Tây và chìm trong bóng tối. Chỉ có giọng hát - kể của ông ta vang lên trong đêm. Người nghe ngồi thành từng nhóm quanh những đống lửa nhỏ, im như những pho tượng”.

STTN có giá trị phản ánh đời sống lịch sử xã hội cùng những biến chuyển của nó; phản ánh quá trình hình thành và phát triển của các chế độ xã hội, đặc biệt ở đây là xã hội mẫu hệ với các mối quan hệ khá đa dạng; phản ánh sự hình thành và định hình đời sống văn hóa các dân tộc, các nghi lễ, phong tục, tập quán… của xã hội mình, dân tộc mình thông qua cốt truyện và các nhân vật. Nói cách khác, sử thi Tây Nguyên chính là “bộ bách khoa thư”, là “cuốn từ điển sống” của các dân tộc Tây Nguyên.

 

Sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: K.D

 

Trong không gian diễn xướng sử thi, cả người hát - kể lẫn người nghe đều tin những gì diễn ra trong truyện là... có thật. Nói cách khác, người đến với sử thi trong một không gian diễn xướng nhất định nào đó là đến bằng nhu cầu hóa thân và trở thành người trong cuộc để được sống cùng với những gì diễn ra trong truyện. Như vậy giá trị của một sử thi không chỉ ở nội dung, nghệ thuật diễn xướng, tài năng của bản thân nghệ nhân mà còn thể hiện ở những điểm bên ngoài sử thi.

"Vũng lõm"

STTN nhìn toàn cục vùng (Tây Nguyên) là vậy. Tuy nhiên, qua cuộc điều tra theo chương trình quốc gia mới đây như trên vừa nhắc đến cho thấy, sử thi vẫn đang còn một “vùng lõm” nằm ở phía Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng. Vùng đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng - xét dưới góc độ lịch sử thì đây là một tiểu vùng văn hóa được hình thành từ lâu đời trong xã hội của các cộng đồng thiểu số bản địa với đầy đủ các yếu tố cấu thành một nền văn hóa dân gian. Qua kết quả nghiên cứu vừa được công bố thì Lâm Đồng chính là “vùng lõm” sử thi - chưa tìm ra văn hóa sử thi. Vậy, sự thật như thế nào?

Trong thực tế những năm gần đây, rải rác trong một số công trình nghiên cứu nhỏ lẻ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Lâm Đồng bước đầu hé lộ: Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa, nhất là đối với hai tộc người Mạ và Cơho, từ xa xưa đến giờ vẫn đang tồn tại một lối “hát - nói”, “hát - kể” khá độc đáo mà các nhà foklore xếp nó vào thể loại văn học dân gian (gồm nhân vật, cốt truyện, tình tiết…), còn các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học thì xếp nó vào thể loại “tiền âm nhạc” (nhịp điệu, tiết tấu…) với tên gọi “yal yau”. Qua đó, các nhà nghiên cứu dù dưới góc độ văn học hay âm nhạc đều cho rằng: Yal yau như tên gọi (ngẫm ngợi chuyện xưa) là những điển tích, là những chuyện kể về thuở khai thiên lập địa, về sự ra đời của loài người, của tộc người, về những vị thần linh, những anh hùng, những chuyện tình cảm đôi lứa… bằng lối “hát - kể”, “hát - nói”.

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu này còn cho biết cụ thể rằng có những bài yal yau được “hát” nhiều ngày đêm liền như K’Jai - Ka Lìn, Sa pur mang Ya Mòng - Dòi, K’Tằng đăm Prrah… Và một vấn đề nữa: không gian diễn xướng. Theo mô tả của các nhà nghiên cứu thì không gian này của yal yau Nam Tây Nguyên có nhiều nét tương đồng với không gian diễn xướng sử thi của các dân tộc Bắc Tây Nguyên như cách mô tả của GS. TS Tô Ngọc Thanh.

Sở dĩ phải nhắc đến lối “hát - nói”, “hát - kể” của các tộc người bản địa Nam Tây Nguyên là nhằm “bổ khuyết” cho “mảng trống” trong kết quả của chương trình sử thi quốc gia vừa công bố; đồng thời khẳng định tính chất vùng phân bố của sử thi Tây Nguyên nếu như nó được các nhà nghiên cứu quan tâm chứng minh bằng những cứ liệu khoa học trong một tương lai gần. Liệu sử thi Tây Nguyên có hội đủ các điều kiện để UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (sau cồng chiêng) hay không? Theo nhận định chủ quan của người viết bài này, sau cồng chiêng, sử thi Tây Nguyên - một viên ngọc quý khác của vùng đất này - sẽ là ứng viên sáng giá nhất!

  • K.D
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hình tượng người phụ nữ trong tuồng  (03/03/2006)
Vô đề  (03/03/2006)
"Sinh sự" với nhà báo Lý Sinh Sự  (03/03/2006)
Ba ngày qua Bình Định  (03/03/2006)
Đất và người Bình Định trong thơ Yến Lan   (01/03/2006)
Chiều sâu của một nét Huế cổ kính  (28/02/2006)
Rock Việt - ngày trở lại...  (28/02/2006)
Inrasara - ra đi là để trở về  (28/02/2006)
Đi hội chùa Ông Núi  (28/02/2006)
Vẻ đẹp của một bài ca dao quen thuộc  (28/02/2006)
Khổng Vĩnh Nguyên - râu tóc phong trần  (27/02/2006)
Cho đời sau con cháu có quê hương  (24/02/2006)
Nên đưa Bích Khê vào "trường thơ Bình Định"  (24/02/2006)
Ký ức Bình An  (24/02/2006)
Chào ngày mới  (23/02/2006)