Sức bật mới của những cây bút nữ
8:21', 7/3/ 2006 (GMT+7)

Những năm đầu của thế kỷ XXI này, văn đàn thêm một lần khởi sắc bởi những cây bút nữ. Nhờ họ, văn học ngày càng mang thêm diện mạo mới, một đời sống nhiều giằng co, trắc ẩn và đa đoan.

Bìa một số tập sách mới của các tác giả nữ.

1. Ngay từ những cái tên đã rất quen như Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư… thời gian gần đây cũng có thêm nhiều nét khởi sắc mới. Võ Thị Hảo, sau tiểu thuyết Giàn thiêu, được dư luận đánh giá cao, được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, đã trình làng thêm mấy tập truyện ngắn do Công ty Văn hóa Truyền thông Võ Thị phát hành. Với Biển cứu rỗi, Võ Thị Hảo từng đem đến cho văn chương nữ diện mạo mới của một người viết thần thoại thời hiện đại, điểm huyệt cuộc sống bằng cách nắm bắt tình huống thì lần này qua Hồn trinh nữ, Góa phụ đen… cây bút này vẫn thu hút người đọc bằng những câu chuyện đầy ám ảnh về thân phận người, với những không gian đầy sức gợi. Rồi Dạ Ngân với Gia đình bé mọn, Trần Thùy Mai với Mưa đời sau… trong văn xuôi, hay Phan Huyền Thư với Rỗng ngực, Vi Thùy Linh với Đồng tử… trong thơ, phần nào đã có sự bứt phá, sự đổi mới về phong cách và góp thêm niềm tin về nội lực của những cây bút nữ.

Một điều lạ là thời gian gần đây, những tác phẩm tạo thành hiện tượng văn học, gây nhiều xôn xao trong dư luận độc giả, chủ yếu lại là những cây bút nữ. Đó Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận...

2. Tôi muốn dừng lại ở hai gương mặt nữ đang rất nổi bật trên văn đàn hiện tại. Một là Nguyễn Ngọc Tư, đang "nổi đình nổi đám" với Cánh đồng bất tận, và trở thành một trong những sự kiện văn học đáng quan tâm nhất của năm 2005. Vẫn đó "chất văn" Nam bộ dung dị, thấm đẫm tình người, nhưng với Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã chứng tỏ khả năng tiếp cận những mảng còn khuất lấp của đời sống và sự cố gắng không lặp lại mình. Nếu Nguyễn Ngọc Tư thấm đẫm chất Nam bộ trên những trang văn, thì Đỗ Bích Thúy lại là một cây bút nữ trẻ trung thành với đề tài miền núi, với đời sống của người Mông, người Tày, người Nùng... ở vùng Đông Bắc. Sống với họ, hiểu họ, chia sẻ với họ với tâm thế người trong cuộc - đó chính là thế mạnh của Đỗ Bích Thúy. Từ Sau những mùa trăng đến Những buổi chiều ngang qua cuộc đời rồi Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, giọng văn của chị ngày càng mượt mà, giàu cảm xúc, và có sự phức tạp hơn trong số phận nhân vật.

Điều gây ấn tượng nhất về nội lực của văn học nữ gần đây vẫn là sự xuất hiện của những cây bút nữ trẻ mới trên văn đàn. Đó là Hồng Hạnh với Bài học đầu tiên và Phan Việt với Phù phiếm truyện đã đoạt những giải thưởng cao nhất trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi hai mươi lần thứ III. Bài học đầu tiên viết theo lối tự sự, bằng những suy tưởng miên man, chân thật như nhật ký, vậy mà như có chất lửa trong từng câu chữ giản dị. Phù phiếm truyện có sự bứt phá trong phong cách và sắc sảo trong tư tưởng. Những cây bút trẻ ấy ngồn ngộn vốn sống, ngồn ngộn tri thức, rất nhiều hứa hẹn về một thế hệ viết văn trẻ Việt Nam với sức bật, sức bền xứng tầm với sự phát triển về mọi mặt của một xã hội đang từng bước đi lên.

3. Trước - nay, đông - tây, văn học nữ luôn bị xem là một số đông trầm lặng. Nhưng tiếng nói của các nhà văn nữ, không vì thế mà nhỏ nhoi, bởi chỉ khi nào họ bị thôi thúc thật mạnh mẽ, họ mới vượt thoát khỏi sự e dè để cất tiếng. Những cây bút nữ đã và đang âm thầm tỏa sáng, bày tỏ cách thế hiện diện trong cuộc sống bằng văn chương, tạo nên những nhịp mạch mới cho đời sống văn học.

Điều gì là tố chất quan trọng nhất để tạo nên sức bật ấy? Phải chăng là bởi trước hết, họ là những người "nữ". Tức là vẫn bận bịu lo toan, chăm chút gia đình, mà vẫn đa đoan trước những phận người bình dị nhất... và bởi vậy, trong sâu thẳm trang văn cho dù tưởng như cay nghiệt, thì vẫn phập phồng một trái tim nhân hậu, một cái nhìn sẻ chia, cảm thông trước cuộc đời, tạo nên một mạch nguồn ấm áp trong đời sống văn chương.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tượng đài Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung có chất lượng nghệ thuật tốt   (06/03/2006)
Sử thi Tây nguyên - viên ngọc quý  (03/03/2006)
Hình tượng người phụ nữ trong tuồng  (03/03/2006)
Vô đề  (03/03/2006)
"Sinh sự" với nhà báo Lý Sinh Sự  (03/03/2006)
Ba ngày qua Bình Định  (03/03/2006)
Đất và người Bình Định trong thơ Yến Lan   (01/03/2006)
Chiều sâu của một nét Huế cổ kính  (28/02/2006)
Rock Việt - ngày trở lại...  (28/02/2006)
Inrasara - ra đi là để trở về  (28/02/2006)
Đi hội chùa Ông Núi  (28/02/2006)
Vẻ đẹp của một bài ca dao quen thuộc  (28/02/2006)
Khổng Vĩnh Nguyên - râu tóc phong trần  (27/02/2006)
Cho đời sau con cháu có quê hương  (24/02/2006)
Nên đưa Bích Khê vào "trường thơ Bình Định"  (24/02/2006)