Cuối năm 2005, UNESCO đã công nhận thêm một di sản văn hóa thế giới nữa cho Việt Nam, lần này là di sản văn hóa phi vật thể: di sản văn hóa cồng chiêng. Vinh dự này không chỉ dành riêng cho các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên mà cho tất cả các dân tộc thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung đang trựa lưng vào dãy Trường Sơn, trong đó có Bình Định.
|
Lễ hội của người Bana. Ảnh: TLLĐ
|
Trong một cuộc trò chuyện chung quanh chủ đề "bản sắc văn hóa dân tộc" mới đây với đạo diễn Đoàn Huy Giao (Đài Truyền hình Đà Nẵng) có nói rằng, bây giờ mà muốn ghi hình ảnh liên quan đến văn hóa của người Bana, ông phải về Vĩnh Thạnh của Bình Định thì mới có hình ảnh "thật". Vậy là, người Bana ở Vĩnh Thạnh vẫn còn giữ được bản sắc văn hoá của riêng dân tộc mình, trong đó có văn hoá cồng chiêng. Đây là một vinh dự lớn, đồng thời cũng là gánh nặng cho những ai quan tâm đến "hồn thiêng" của các dân tộc thiểu số anh em.
Cồng chiêng vừa là một loại hình nhạc cụ của đồng bào thiểu số, dùng để biểu diễn trong các cuộc tế lễ, vừa là một thứ tín ngưỡng mang đậm dấu ấn của từng dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều già làng ví von thế này: "Trong chiêng có hồn". Người đánh chiêng, ngoài kỹ năng về âm nhạc, hiểu biết các thao tác trong quá trình biểu diễn, còn phải có "thần", có "hồn", nghĩa là phải "nhập" vào loại nhạc cụ ấy thì tiếng chiêng mới có hồn vía, sức vang ngân của nó mới lay động người nghe.
|
Dàn chiêng của người Bana. Ảnh: TLLĐ
|
Tóm lại là, khi chơi loại nhạc cụ độc đáo này, người điều khiển nó phải là một nghệ sĩ đích thực. Người nghệ sĩ ấy phải biết thổi vào đó tất cả tâm hồn mình, cả những thất lỡ không thành lẫn những khát khao cháy bỏng không chỉ của riêng mình mà còn cho cả một cộng đồng nữa. Vì vậy, như một sự tự ý thức ngoài tầm kiểm soát, trong mỗi cộng đồng, thế nào rồi cũng có một người thừa kế trong việc giữ gìn tiếng chiêng, tiếng cồng của làng mình, của dân tộc mình. Sự kế thừa hết lớp tới lớp một cách ngẫu nhiên ấy đã tạo nên vẻ đẹp lung linh của ngọn lửa văn hóa phi vật thể này.
|
Nạn buôn chiêng như thế này vẫn tiếp tục xảy ra tại Gia Lai. Ảnh: TLLĐ |
Tuy nhiên, ngọn lửa ấy đang bị đe dọa đến mức báo động khi có nhiều ngọn gió, thậm chí nhiều cơn bão phi văn hóa đã và đang thổi về phía nó. Trước mắt, nạn "chảy máu" cồng chiêng trong nhiều năm qua đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Bây giờ, về các bản làng, nhất là các làng ở cạnh đường giao thông thuận lợi, sẽ rất hiếm gặp các loại chiêng độc đáo, đã từng là niềm tự hào của người dân tộc thiểu số. Trong khi đó, việc "bổ sung" các loại nhạc cụ độc đáo này ngày một vơi dần. Khi "đầu vào" đang bị bóp lại đến mức tối đa, "đầu ra" thì mở cửa vô tư, ắt dẫn đến sự cạn kiệt của dòng sông văn hóa chiêng cồng.
Thứ hai, việc kế thừa của thế hệ đi sau trong việc giữa gìn tiếng chiêng, tiếng cồng trong cộng đồng một số dân tộc thiểu số hiện đang có nguy cơ đứt gãy. Bây giờ, đi về các buôn làng trong dịp lễ hội, cảnh đánh chiêng gần như thưa vắng, thậm chí không còn nữa. Thật khó có thể chấp nhận, tiếng chiêng tiếng cồng mà lại đem "thi thố" giữa sân khấu hoặc những nơi có ánh điện lung linh. Tiếng chiêng tiếng cồng chỉ có thể tồn tại chính nơi nó sinh ra, nghĩa là nó chỉ biết vang ngân theo đúng "hồn thiêng" của nó ngay giữa đại ngàn. Thế nhưng, không ít người hiện nay, đem thu tiếng chiêng, tiếng cồng ấy vào băng cassette rồi mở cho cả làng nghe trong các dịp lễ hội!
Ai sẽ đáng chiêng, đánh cồng? Câu hỏi không dễ trả lời nếu như chúng ta cứ tiếp tục đối xử với di sản văn hóa phi vật thể này như lâu nay. Và các thế hệ kế tiếp sẽ mang thêm trên vai nó gánh nặng di sản mà cha ông đã từng gìn giữ từ ngàn đời nay vậy.
|