Người đánh mất ước mơ
11:0', 9/3/ 2006 (GMT+7)

1.

Trưa. Trời nóng bức đến ngạt thở. Vểnh ngồi ở quán cà phê bà Bỉnh nghỉ hơi sau một buổi bán số dạo mệt rã cả chân ra. Tụi học trò, quần áo đủ màu, khăn quàng đỏ đi lễ tổng kết năm học ở Trường cấp hai thị trấn về ngang qua quán. Chúng đi thành từng nhóm, đứa nào đứa nấy mặt mày hớn hở, chuyện trò rôm rả. Sướng thế chứ. Thi cử nặng nề đã xong, khỏe re, trước mắt có ba tháng hè tha hồ vui chơi.

Vểnh nhớ hôm ấy, cách đây hai năm, cũng vào ngày tổng kết năm học Vểnh bảo thằng Nhi học cùng lớp, ở gần nhà ở nán lại sau khi nhà trường tổng kết năm học, phát phần thưởng xong, thầy cô và bạn bè đã về hết. Vểnh kéo Nhi đến lớp học của mình, lớp 6A, nằm ở góc trái sân trường.

- Mày ở lại làm gì? – Nhi hỏi.

- Tao muốn nhìn lại lớp mình lần cuối!

- Chuyện! Ba tháng nữa học lại thâu mờ!

- Tao phải… nghỉ học. Vểnh nói, giọng buồn buồn, nghèn nghẹn.

Một lần đi học về muộn vì đá banh với tụi bạn trong lớp, vì không có ai tưới mấy đám rau và tắm cho hai đứa em, không có ai thổi lửa nấu cơm, mẹ Vểnh phải làm tất tần tật những việc đó sau buổi chợ tan. Dưới ánh trăng non đầu tháng, bên mâm cơm dọn ra sân, mẹ  nói với Vểnh rằng con phải chăm chỉ học hành thật giỏi để không phải khổ nữa, phải học giỏi để giúp đỡ cha mẹ và các em sau này. Khi mẹ nói, Vểnh ngước lên, thấy những sợi tóc của mẹ mồ hôi bệch lại từng chùm.

Những điều mẹ nói hơi khó hiểu nhưng Vểnh cảm nhận được sự kỳ vọng, sự mong mỏi lớn lao của mẹ đối với mình. Sau này, cứ mỗi lần bạn bè rủ đá banh hay chơi dụ, Vểnh lại nhớ đến lời mẹ dặn và Vểnh lắc đầu tiếc rẻ từ chối bạn bè để về nhà. Thế mà cách đây hai tháng, mẹ bảo Vểnh phải nghỉ học khi kết thúc năm học này. Vểnh rất buồn nhưng không trách mẹ được. Nhà đông anh em, Vểnh con đầu, cha làm đá chẻ, mẹ chạy chợ hàng ngày, tiền kiếm được không đủ nuôi sống gia đình, Vểnh phải nghỉ học, phụ cha mẹ đi làm, kiếm tiền nuôi gia đình.

Đi lên rồi đi xuống khoảng giữa lớp học, khác với những ngày thường, kỳ lạ là hôm nay, từng dấu vết nhỏ của lớp học cứ xát vào mắt Vểnh. Cửa sổ đã phủ một lớp bụi sau hai tuần nghỉ học. Và kia, vết xước trắng trên bảng đen, dấu tích cú ném đá của thằng Phúc hồi đầu năm học. Góc bên trái bàn cô giáo chủ nhiệm này đây, hôm hai mươi tháng mười một vừa rồi đặt một bình hoa hồng rực rỡ. Hôm đó thật vui, cả lớp liên hoan bánh kẹo, con Tuyết hát tặng cô giáo bài hát bắt đầu bằng câu “Ước muốn ngày nào còn ôm ấp trong tim, mai đây là cô giáo…”. Vểnh đi đến chỗ ngồi của mình, gần cửa sổ, thẩn thờ ngồi xuống, những câu thơ Vểnh viết từ hồi nào “Lớp sáu ơi lớp sáu . Đón em vào năm trước. Nay giờ phút chia tay. Gởi lời chào tiến bước…” . Vểnh đọc đến đó mắt đã ngấn nước, chữ nhòe cả đi. Buổi trưa nay, sân trường yên ắng kỳ lạ. Mấy con chim sẻ đuổi nhau, kêu réo trong tán lá cây bồ đề, làm rơi xuống những chiếc lá già úa. Rồi đây, khi không có ai quét, sân trường sẽ đầy lá rụng. Mới đây thôi, sân trường đầy học sinh vậy mà giờ không còn ai cả, tất cả đã về hết rồi.

- Về thôi ! Tao đói bụng rồi !- Nhi vô tư nói.

Vểnh sốc lại cặp, bịn rịn bước ra khỏi lớp học, đi qua cột cờ. Trước khi bước ra khỏi cổng trường, Vểnh đứng lặng một hồi dưới cây bồ đề, vân vê vết sẹo đã thành u, to như trái dừa, nhìn toàn cảnh sân trường lần cuối. Hai dãy lớp học im lìm với những bức tường loang lổ đủ thứ vết bẩn; cây dừa nghiêng do cơn bão khủng khiếp năm ngoái xô ngã, hàng ngày Vểnh vẫn hay trèo lên chơi; hai hàng bồ đề tán phủ gần kín sân trường mà Vểnh trèo lên ngồi ghệch chân xem văn nghệ do nhà trường tổ chức…

Vểnh nhìn tất cả, thu vào mắt tất cả, Vểnh nhìn như không bao giờ còn được nhìn nữa. Và những vần thơ lại ngân lên cùng tiếng ve râm ran buồn, ngân lên từ một cõi xa xôi nào đó “Chào bảng đen cửa sổ. Chào chỗ ngồi thân quen. Tất cả đều ở lại…”

2.

Theo thói quen thường lệ, trước khi về nhà cơm trưa, Vểnh đếm lại tiền đã bán vé số trong buổi sáng. Vểnh nhẩm tính, sáng nay kiếm được năm ngàn đồng. Vểnh vét lại túi quần xem có sót tiền lẻ không. Hình như có thì phải. Vểnh lấy từ túi quần ra không phải tiền mà hai tờ vé số.

Thôi chết, hai tờ vé số của ngày hôm qua, không hiểu sao còn sót lại. Hèn gì hôm qua, sau khi tính đi tính lại vẫn thấy thiếu 2 ngàn. Hai ngàn chứ có ít ỏi gì đâu. Có bữa mẹ đi chợ có hai ngàn chứ mấy, bì mắm ruốc, bó rau muống, cả nhà ăn cả ngày. Vểnh nắm chỏm đầu rứt mạnh, cái đầu lắc qua lắc lại, đôi tai như nhọn hơn, miệng lầm bầm “Đồ khùng, đồ điên”.

Rồi như nhớ ra điều gì đó, Vểnh lật sổ dò vé số ra xem. Hai số cuối 84, Vểnh dò từ giải 8 đến giải nhất, không trúng! Đến giải đặc biệt, Vểnh đọc thấy số 094584. Có 84 rồi. Vểnh nhìn vào vé số trên tay cặp số tiếp : 45. Trúng rồi ! Vểnh đọc cặp số đầu trên vé : 09 rồi quay lại nhìn sổ dò. Vểnh không còn tin ở mắt mình nữa. Đúng số 094584, đúng số đặc biệt! 094584. Trúng rầu! Hai vé! “ Trúng rầu! mẹ ơi! Trúng rầu!” - Vểnh hét lên, hất tung chiếc ghế ra sau, chạy ù về nhà, con đường, nhà cửa, xe cộ, người qua lại, tất cả đều nhòe đi.

3.

Người kể câu chuyện mà tôi vừa ghi lại ở trên chính là Tuấn, còn tôi là Nhi . Về quê ăn tết, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau sau bao nhiêu năm không gặp và ngồi uống với nhau ly cà phê ôn lại chuyện cũ. Lúc này, chiều đang chuyển sang tối, vì vãn khách, chủ quán mở nhạc không lời, không gian lắng lại, không khí lành lạnh.

Tuấn kể tiếp “Thế mà hai mươi năm đã qua rồi đấy, nhanh quá phải không. Hồi nhỏ tao ốm quá, mặt trơ xương ra, hai tai nhọt hoắc như tai thỏ nên ở nhà gọi tao là Vểnh. Sau khi trúng số, cuộc sống gia đình tao đỡ khổ hơn nhiều. Mẹ cho tao đi học lại nhưng tao chỉ học có một tuần rồi bỏ học. Sau hai năm bán vé số, bao nhiêu thứ tạp nham của cuộc đời đã ịn vào óc tao những nếp hằn nhiều màu của nó. Tao từng bị đuổi như đuổi tà vì người ta đang nói chuyện, mình mời mua, lỡ cắt ngang câu chuyện của họ. Tao có thể chường mặt ra để năn nỉ người ta mua hoặc nói láo như như cuội rằng cặp số này tối nay sẽ trúng để dụ những kẻ nhẹ dạ. Tao đã từng thấy những đôi giày trị giá đến tiền lãi vài năm bán vé số của tao. Từng có những niềm vui nho nhỏ khi hào phóng cho ông già mù đi xin một ngàn đồng. Một ngàn đồng nhưng là một phần năm số tiền lời bán trong một ngày của tao. Và còn nhiều thứ nữa, tao nhớ, nhớ tất cả. Còn kiến thức đã học thì tao quên sạch, quên biến. Tao bất lực, mệt mỏi và xấu hổ đuổi theo bạn bè trong lớp một cách bất lực khi học lại, bởi vì kiến thức bị hổng... Tao đánh mất ước mơ của mình mày ạ. Từ lâu lắm rồi tao chẳng ước ao gì nữa ngoài nỗi lo canh cánh - Làm sao để bán hết vé trước 6 giờ tối. Nếu ta gọi đó là ước mơ thì ước mơ của tao chưa một ngày trọn vẹn. Không thứ này thì thứ khác khiến nó bị méo mó, dù vẫn có nhiều ngày tao bán hết vé đấy chứ. Nhưng phàm những ngày như vậy, chí ít tao cũng lừa vài người. Vẽ cho mình chục kiểu mặt nạ khốn khó . Hay vẽ ra những hoàn cảnh hết sức đáng thương...”.

Tôi ngồi nghe Tuấn kể chuyện của mình, thực tình lúc đầu tôi không chú ý lắm bởi vì cách đây hai mươi  năm, thời tôi còn học cấp II, bây giờ gọi là trung học cơ sở, những người cùng trang lứa bỏ học giữa chừng nhiều lắm, đa số vì nghèo khó, do vậy câu chuyện của Tuấn chẳng lấy gì làm lạ cho lắm. Tuy vậy, trong giọng kể của Tuấn có một cái gì đó đặc biệt, chứa đựng một sự dằn vặn trong bao nhiêu năm. Hơn nữa, trong câu chuyện đang kể, có một chút gì đó cay đắng mà Tuấn muốn nói, muốn tâm sự một điều gì đó vẫn chưa thoát ra được.

Tuấn kể tiếp, tôi thấy Tuấn đang cố gắng diễn đạt cho hết những điều muốn nói  “Mày có biết cảm giác của tao lúc đi ra khỏi cổng trường là như thế nào không ?! Thật khó nói, khó tả nhưng cái đau rưng rức trong lòng thì có thật. Mỗi lần đi làm ăn xa lâu ngày, ngồi lên xe, tao rất buồn. Có lần lên xe trời mưa, nhìn vào những giọt nước đọng trên kính xe, tao thấy ở giọt mưa này là  gốc dừa, giọt kia là mái nhà tranh tao đang ở, giọt kia in hình ảnh mẹ già tảo tần của tao, tất cả hình ảnh quê hương nơi mình sống hiện lên trong mắt, quay cuồng. Nhưng tao biết mình có ngày về nên chỉ buồn thôi. Còn khi bước ra khỏi cổng trường, tao giống như người chết đuối, trước khi chìm hẳn xuống nước với tay mà không bám được vào chiếc phao hay khúc gỗ nào trên mặt nước. Đó chính là cảm giác tuyệt vọng. Mãi đến tận sau này tao mới gọi đúng tên của cảm giác đó: Sự tuyệt vọng, mày à !”

Đến lúc này, giọng của Tuấn trầm hẳn lại. “Tao lăn vào cuộc đời và cuộc đời kéo tao - một thằng nhóc con theo dòng chảy dữ dội và bất tận của. Và cuộc đời của tao là cuộc chiến chống lại cái nghèo. Tao làm thợ đá, thợ hồ. Tao lang thang khắp miền Trung bán chổi lông. Tao lên An Khê suốt lúa, làm rẫy. Tao mở cửa hàng tạp hóa bán đủ thứ, mua năm bán mười, độn hàng giả vào hàng thật, nói dối, lừa lọc, đủ hết. Nhân danh mưu sinh tao đã lọc lừa và mất dần sự lòng tự trọng, cảm giác xấu hổ. Tao trơ ra, mày ạ. Cuối cùng, tao giờ đã khá. Nếu ở vùng quê này có thể coi là giàu. Chỉ có điều…”

Điều gì nhỉ? Tôi hơi băn khoăn. Ngay như nhiều người có bằng, có cấp hiện nay thì mục đích cuối cùng cũng là làm giàu, kiếm tiền hay sao. Nó giàu rồi, những chuyện khiến nó áy náy chẳng qua thì cũng cả tỉ chứ có phải là cá biệt đâu, băn khoăn cái nỗi gì nữa đây? Hay là, nói dại, giàu quá rồi đâm ra lẩn thẩn, vướng phải cái hội chứng "lương tâm mọc răng khôn"....

“Chỉ có điều,” Tuấn nói tiếp “ cái đau rưng rức trong lòng thuở học trò, cái cảm giác tuyệt vọng thì cứ như một con đỉa bất trị bám vào đầu tao, không cách nào rứt ra được, không cách nào xóa đi được. Vừa rồi tao có hỏi con tao, học lớp chín rồi, sau này nó làm gì.Nó đầy tự tin bảo nó sẽ trở thành một bác sĩ để chữa bệnh tật cho bà nội. Nó có thành bác sĩ hay không, chuyện ấy thuộc về  tương lai, điều tao muốn nói là nó có quyền nói về nó trong tương lai, nó có quyền mơ ước, nó có ước vọng.”

“Con mày sẽ làm những gì mày không làm được vì phải bỏ học sớm !”, tôi nói an ủi.

“Thế còn tao,” Tuấn nói to, hơi gắt gỏng “tao cũng là một con người mà, tao biết chắc tao hôm nay không phải là hình ảnh mong muốn của tao năm lớp sáu. Tuy hồi đó tao chỉ lờ mờ mơ ước và cũng không ai hỏi tao sau này sẽ làm gì! Nhưng có một điều rất rõ mà tao ngộ ra là từ hồi nghỉ học tao chẳng mơ ước điều gì, chuyện gì cho ra hồn. Thậm chí có thể mày không tin, nhưng từ lâu ngay cả trong giấc ngủ tao cũng không hề mộng mị gì cả. Đẹp cũng như xấu. Những toan tính lời lỗ, được mất, hơn thua chạy lằng nhằng trong óc tao cả ngày lẫn đêm. Thức giấc là những con số đã ám vào đầu tao. Quần quật cả ngày riết một hồi thành sạn. Thắng đã đành, ngay cả khi thua những món tiền lớn tao cũng để lại trước khi lên giường ngủ. Vợ tao nói, anh vậy mà sướng. Xong là xong... Làm gì có chuyện đó, hở mày. Ngay cả bài thơ độ nhăng nhít năm xửa năm xưa thỉnh thoảng cứ gõ nhịp từng chữ một trong đầu tao đây nè. Cứ như người bị tâm thần. Tao đi khám ở chỗ mấy thằng bác sĩ quen, chúng cười: Chuyện gì nữa đây, thôi đi cha nội, cha mà tâm thần thì lũ con là thứ gì? Rồi tao nghiệm ra rằng "mơ mộng" đã khước từ tao bởi tao kẻ đã từ chối quyền được mơ mộng. Không mơ mộng thì mất thứ gì đâu... Khốn nạn thân tao, khi nhận chân sự thật thì chỉ còn biết ngồi gặm nhấm dĩ vãng."

Đấy có lẽ là điều Tuấn muốn nói cuối cùng. Chúng tôi ngồi im lặng. Có lẽ nào ước mơ và bị mất quyền được ước mơ lại khiến con người ta giằng xé như thế.

Tuy Phước, 2/2006

  • Ngô Hồng Sơn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gánh nặng di sản  (07/03/2006)
Sức bật mới của những cây bút nữ  (07/03/2006)
Tượng đài Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung có chất lượng nghệ thuật tốt   (06/03/2006)
Sử thi Tây nguyên - viên ngọc quý  (03/03/2006)
Hình tượng người phụ nữ trong tuồng  (03/03/2006)
Vô đề  (03/03/2006)
"Sinh sự" với nhà báo Lý Sinh Sự  (03/03/2006)
Ba ngày qua Bình Định  (03/03/2006)
Đất và người Bình Định trong thơ Yến Lan   (01/03/2006)
Chiều sâu của một nét Huế cổ kính  (28/02/2006)
Rock Việt - ngày trở lại...  (28/02/2006)
Inrasara - ra đi là để trở về  (28/02/2006)
Đi hội chùa Ông Núi  (28/02/2006)
Vẻ đẹp của một bài ca dao quen thuộc  (28/02/2006)
Khổng Vĩnh Nguyên - râu tóc phong trần  (27/02/2006)