Người ta thường nói những người nhẹ dạ "tham con săn sắt mất con cá…voi" là "có của mà không biết giữ". Thực ra, khi UNESCO đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế lập hồ sơ gửi lên để họ có điều kiện công nhận cảnh quan hai bờ sông Hương là di sản thế giới, không ít người trong chúng ta đã thoáng ngạc nhiên: một dòng sông bình thường ta vẫn quen nhìn, quen lại qua, quen…tắm, lại có thể thành một di sản thế giới sao ?
|
Đặc phái viên UNESCO đã gửi một bản báo cáo dài lên Ủy ban di sản thế giới, cảnh báo về di sản Huế bị đe dọa do tình trạng quản lý đô thị kém cỏi.
|
Đúng là nếu không có con sông Hương, thì làm gì có những cảnh quan hai bên bờ sông, và xa xôi hơn, làm gì có kinh thành Huế. Nay thì kinh thành Huế đã được công nhận là di sản thế giới, bây giờ nếu dòng sông Hương cũng được công nhận là di sản, thì người Huế quả thật là "sống trên di sản, thức và ngủ trên di sản"-một di sản mở mênh mang trong không gian và như muốn vĩnh cửu với thời gian.
Nhưng cũng có một số người có trách nhiệm ở Huế lập luận: sống trên di sản, đồng ý, nhưng "đói" trên di sản, thì sao? Vì thế, phải thu hút đầu tư, xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, dựng khu du lịch hiện đại trên cồn Dã Viên, phải "khai thác di sản" để phát triển chứ (?).
Những lập luận kiểu này, mới nghe có vẻ có lý, nhưng nghĩ kỹ lại thì thấy vô lý. Đúng là nếu cứ để di sản ngủ im lìm như đã thế từ bao đời, như người ta đã để cho đồi Vọng Cảnh cỏ rác mọc đầy xả đầy, thì sống trên di sản cũng có nguy cơ đói thật. Nhưng nếu người ta biết tôn tạo di sản theo chiều hướng bảo vệ, thân thiện với môi trường, biến cả dòng sông Hương và kinh đô Huế thành một quần thể di sản-du lịch vĩ đại, thì lại có thể hái ra tiền, rất nhiều tiền, từ đó.
Ở đâu có khách viếng thăm, có du khách tất phải có khách sạn hay những điểm vui chơi giải trí. Nhưng Huế đâu phải đã hết đất "ngoài di sản" để xây khách sạn hay khu giải trí? Hà tất cứ phải xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh hay khu giải trí giữa cồn Dã Viên, dù ai cũng biết xây như thế thì "được việc" hơn cho chủ đầu tư.
Ngay từ tháng 11-2003, đặc phái viên UNESCO sau 3 tuần khảo sát ở Huế đã gửi một bản báo cáo dài lên Ủy ban di sản thế giới, cảnh báo về nguy cơ đe dọa di sản Huế do tình trạng quản lý đô thị kém cỏi, sự phát triển ồ ạt thiếu qui hoạch của cơ sở hạ tầng, sự lấn át những di tích lịch sử bẳng những công trình gọi là "hiện đại", và cuối cùng, sự lấn chiếm, phá hoại và làm ô nhiễm dòng chảy sông Hương khiến con sông này bị đe dọa nghiêm trọng từ nhiều phía. Có lẽ nhằm cứu dòng sông tuyệt đẹp này cho Huế mà UNESCO đã đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế làm gấp hồ sơ để xét công nhận sông Hương là di sản thế giới. Vậy là "người ngoài" thấy mình có nguy cơ "mất của" đã đề nghị phương sách "giữ của" cho mình, trong khi chính chủ nhân của tài sản vô giá đó lại trù trừ vì muốn "khai thác nóng di sản" để "cứu đói" (?). Chưa biết kinh tế Thừa Thiên-Huế sẽ tăng trưởng bao nhiêu và người dân Huế thu nhập thêm được bao nhiêu khi xây dựng và khai thác khách sạn trên đồi Vọng Cảnh hay khu du lịch-giải trí trên cồn Dã Viên, nhưng cái hại đến di sản, đến môi trường thì không thể tính hết!
Trong quá khứ, chúng ta cũng đã từng "nhẹ dạ" đến mức "nung vôi" Nàng Tô Thị ở Lạng Sơn hay khai thác đá bừa bãi xóa sạch kiệt tác đá "La Hà Thạch Trận" ở Quảng Ngãi. Nhưng đó dù sao mới là cảnh quan-di tích nhỏ nếu so với sông Hương hay kinh thành Huế.
Di sản ở Huế, nhưng giá trị và niềm vinh dự là của cả đất nước của cả dân tộc. Chuyện xảy ra ở Huế không ai chắc rồi sẽ không xảy ra ở nơi khác, vì thế câu chuyện di sản hóa ra không phải là của riêng Huế. Làm sao đừng để khi di sản đã vĩnh viễn bị xoá sạch hay bị bôi bẩn đến mức không còn khả năng khôi phục, chừng đó chúng ta mới giật mình hối tiếc, thì đã quá muộn. Và nếu "của để dành" của mình mà mình không biết giữ, thì cũng đừng mong người ngoài xả thân giữ hộ cho mình !
|