Tượng đài Quang Trung dưới góc nhìn của các chuyên gia
14:29', 10/3/ 2006 (GMT+7)

Thời gian qua, các chuyên gia sử học, mỹ thuật bày tỏ ý kiến đánh giá của mình về chất lượng nghệ thuật của tượng đài Quang Trung vừa mới được xây dựng tại Bảo tàng Quang Trung, sau đây là một số ý kiến.

* Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam:

Một tượng đài bề thế, có tính sáng tạo

Đây là một tượng đài bề thế, có tính sáng tạo. Đường nét điêu khắc khá mạch lạc, sử dụng các khối phù hợp, tác giả đã thể hiện được cái thần của nhân vật. Tượng đã có sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu đồng với đá granite đen dùng làm bệ tượng. Các chi tiết hoa văn bằng đồng trang trí dưới bệ khá nhẹ nhàng, làm giảm cảm giác nặng nề của đá, đồng thời tạo thêm sự phong phú về độ chiêm ngưỡng cho tượng. Tổng thể không gian đặt tượng tương đối hài hòa. Nhìn chung đây là tượng có quy mô, chất lượng nghệ thuật tốt so với các tượng Quang Trung hiện có trong cả nước.

 

Lễ dâng hoa tượng đài Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) - ảnh Phạm Văn Chai

 

Nếu còn có điều gì cần lưu ý thì tôi muốn nhấn mạnh đến việc cần có chỉnh sửa ngay từ những chi tiết nhỏ nhất trong tổng thể không gian xung quanh. Chẳng hạn, thay vì đặt những ghế đá hai bên đường vào trông như ở công viên, nên thay bằng những tấm đá hình chữ nhật. Chúng ta cũng nên trồng nhiều loại cây bản địa, hay nhất là trồng me hai bên đường vào. Nội ngoại thất của nhà diễn võ cũng phải thay đổi cho phù hợp. Các chi tiết kiến trúc cần chỉnh sửa để tạo sự thống nhất trong tổng thể xung quanh, chẳng hạn những đầu đao trên các mái nhà quá mảnh, hàng lan can bằng sắt không đẹp, màu vôi của các tòa nhà chưa ăn nhập trong tổng thể chung... Phải có sự phối hợp như vậy mới tạo thành nét hài hòa chung và cùng với tượng đài mới xây dựng sẽ để lại ấn tượng về cảnh quan riêng của Bảo tàng.  

* Họa sĩ Hoàng Đức Toàn - Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật (Bộ Văn hóa - Thông tin):

Đây là một trong những tượng được đúc ít sai sót nhất về kỹ thuật

So với các tượng đài Quang Trung hiện có ở Việt Nam thì tượng đài Quang Trung này ở Bình Định có chất lượng tốt nhất. Phong thái của một vị hoàng đế được thể hiện rõ nét, uy nghi, lẫm liệt. Tỷ lệ như vậy là phù hợp, cân đối, hài hòa, vững vàng, bàn tay thể hiện rất có thần. Theo tôi, tượng đài của các anh hùng dân tộc nên đi theo hướng này sẽ hợp với lòng dân. 

Còn nếu nói về chất lượng đúc đồng thì đây là một trong những tượng đúc ít sai sót nhất về mặt kỹ thuật. Các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã đã đúc rất thành công. Công trình tuy lớn nhưng phải sửa nguội rất ít. Còn với lo ngại rằng sau một thời gian chất liệu đồng sẽ có màu rỉ xanh, thì theo tôi, trong điều kiện thời tiết ở nước ta, đây hiện vẫn là hạn chế mà chúng ta chưa thể khắc phục được. Nhưng mặt khác, bản thân màu tự nhiên ấy cũng sẽ nói lên màu thời gian của công trình và chính màu thời gian mới làm nên giá trị công trình, giống như lạc tinh với cổ vật vậy. Tượng ngoài trời, thường xuyên chịu tác động của thời tiết, mà đòi hỏi tượng lúc nào cũng như mới thì quả là điều không tưởng. Không nên quá quan ngại về điều này, miễn là tượng đừng đổ, nghiêng, lún… tức là không mắc phải khiếm khuyết về mặt kỹ thuật là được. Tôi chỉ lưu ý là thời gian tới, Bảo tàng Quang Trung cần quan tâm hơn đến việc bảo quản cho công trình văn hóa này luôn sạch, đẹp.

* Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

Người dân đã có sự đồng thuận, chia sẻ với tác giả

Đã từng tham gia nhiều Hội đồng duyệt tượng danh nhân, tôi nhận thấy khó khăn nhất của việc xây dựng các danh nhân thời trung thế kỷ là tư liệu về diện mạo, trang phục rất ít ỏi. Đây quả là một khiếm khuyết về sử liệu Việt Nam mà người làm tượng phải khắc phục. Sự đóng góp của người làm sử khi gạn lọc những tư liệu còn có thể có được, kết hợp với những yếu tố về nhân chủng học, một số yếu tố tư liệu để so sánh là rất có hiệu quả nhằm tìm ra giải pháp vượt qua rào cản này. Tượng Quang Trung cũng vậy. Chẳng hạn về trang phục. Từng có ý kiến là nên sử dụng trang phục theo bức tranh của Phạm Công Trị nhưng tôi không đồng tình vì đó là trang phục nhà Thanh mà Phạm Công Trị được Càn Long ban tặng. Trên bức tượng Quang Trung đã hoàn thành lần này, trang phục đã được ước lệ hóa trên cơ sở dùng nhiều yếu tố hoa văn Việt Nam, vậy là khá phù hợp.

Bên cạnh đó, để đi tới một sự đồng thuận chung trong cách thể hiện của tác giả, đánh giá của Hội đồng nghệ thuật lẫn người dân là cả một thử thách. Cần có quá trình làm cho người dân có sự đồng thuận, chia sẻ với tác giả trong quá trình tìm tòi, thể hiện. Việc triển lãm cho dân xem như ở Bình Định vừa rồi là cách làm hay. Với chúng tôi, sau công trình này thì sự đánh giá của người dân là ý kiến cuối cùng và quan trọng nhất. Khi ấy, tượng đã không chỉ còn là tác phẩm nghệ thuật của một tác giả mà trở nên có giá trị tâm linh. Mà người dân ở đây, theo như lãnh đạo huyện và anh em ở Bảo tàng Quang Trung thì tương đối đồng tình.  

Trước đây, tôi cũng đã có nhiều dịp đến Bảo tàng Quang Trung và cũng đã thấy tượng cũ. Tượng đó được đúc cách đây cũng 30 năm rồi. Mà từ đó đến nay thì trình độ làm điêu khắc quả là đã có những bước tiến. Điều kiện lúc đó cũng mới đúc bằng bê tông, chưa thể đúc bằng đồng như bây giờ.  

  • Lê Viết Thọ (ghi)  

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ai giữ di sản cho mình ?  (09/03/2006)
Người đánh mất ước mơ  (09/03/2006)
Gánh nặng di sản  (07/03/2006)
Sức bật mới của những cây bút nữ  (07/03/2006)
Tượng đài Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung có chất lượng nghệ thuật tốt   (06/03/2006)
Sử thi Tây nguyên - viên ngọc quý  (03/03/2006)
Hình tượng người phụ nữ trong tuồng  (03/03/2006)
Vô đề  (03/03/2006)
"Sinh sự" với nhà báo Lý Sinh Sự  (03/03/2006)
Ba ngày qua Bình Định  (03/03/2006)
Đất và người Bình Định trong thơ Yến Lan   (01/03/2006)
Chiều sâu của một nét Huế cổ kính  (28/02/2006)
Rock Việt - ngày trở lại...  (28/02/2006)
Inrasara - ra đi là để trở về  (28/02/2006)
Đi hội chùa Ông Núi  (28/02/2006)