Trải qua thăng trầm với thời gian, những nét văn hóa vật thể và phi vật thể của các tộc người ở Vĩnh Thạnh đang đứng trước nguy cơ bị quên lãng. Công tác sưu tầm và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống lại gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và phát huy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đạt được những kết quả đáng mừng như: biên soạn giáo trình chữ Bana; sưu tầm, in phát hành 2 tập sử thi và trường ca Bana. Huyện cũng đã phối hợp với Sở VHTT tổ chức thành công việc sưu tầm, dựng phim về lễ hội ăn trâu mừng nhà rông của người Bana Kriêm. Các câu lạc bộ cồng chiêng ở các làng; các liên hoan, hội thi nghệ thuật truyền thống như hát dân ca, hát ru, biểu diễn nhạc cụ truyền thống... được duy trì tổ chức ở nhiều địa phương. Nghề dệt thổ cẩm đang được khôi phục và mở lớp truyền nghề.
|
Già làng ở Vĩnh Thạnh lưu giữ và bảo quản các bộ cồng chiêng.
|
Dẫu vậy, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện vẫn chưa mang tính toàn diện, chất lượng chưa cao cả về nội dung cũng như về nghệ thuật. Khi sưu tầm và thực hiện chưa chú ý tính xác thực, không ít địa phương làm lấy có, không chịu khó tìm hiểu làm đúng theo truyền thống.
Chẳng hạn trong xây dựng nhà rông, mái nhà phải lợp bằng tôn do tranh lợp hiện khó tìm, lại có độ bền kém, nhưng chí ít thì những chi tiết hoa văn trang trí trong nhà, ở bậc cửa ra vào, trên các bậc thang đi lên nhà hay trên trụ cột rượu... cũng phải đảm bảo tính nguyên gốc. Một số làng còn dùng cả dây kẽm, sơn xanh đỏ vẽ lung tung, trong khi đúng ra là phải dùng dây mây cột thành hoa văn, dùng lá cây, rễ cây để nhuộm rồi khắc chạm, không dùng sơn.
Trang phục truyền thống của các dân tộc hiện cũng ít được mặc trong những ngày lễ hội. Nhạc cụ truyền thống, vốn gắn kết với đời người, từ lúc lọt lòng đến lúc cuối đời, nay đang có nguy cơ trở thành xa lạ. Điều đáng buồn nữa là một số làng tổ chức ăn trâu mừng nhà rông, nhưng nhiều nghi lễ như lễ dựng nêu, đưa trâu vào cột, lễ khấn, cách bày cúng lễ không được làm theo đúng truyền thống. Một số hiện tượng sinh hoạt nghi lễ trong lễ hội được phục hồi theo một cách sai lệch... Điều này có nguy cơ làm cho lớp trẻ, cũng như người dự hội hiểu thiếu, hiểu sai về nét đặc sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Trong nhận thức của một số cán bộ, nhân dân xem nặng phát triển kinh tế mà chưa có ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa vật thể và phi vật thể khá eo hẹp.
Về phương tiện kỹ thuật, Trung tâm VHTT-TT huyện Vĩnh Thạnh chưa được trang bị đồng bộ các phương tiện chuyên ngành để phục vụ cho việc sưu tầm lưu giữ và bảo quản. Cán bộ lại chưa được đào tạo chu đáo về nghiệp vụ.
Văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đang đứng trước nguy cơ bị mai một nếu không sớm được đầu tư, nhanh chóng thực hiện việc điều tra, sưu tầm. Các nghệ nhân, những người hiểu biết trên lĩnh vực này, hầu hết đều đã lớn tuổi, hơn nữa những hiện vật văn hóa cũng đang mất dần.
|