Cồng chiêng - công nhận cũng là nhắc nhở
8:58', 13/3/ 2006 (GMT+7)

Trên Bình Định điện tử ngày 7-3, có cập nhật bài Gánh nặng di sản của tác giả Trần Đăng. Theo tác giả, đạo diễn Đoàn Huy Giao (Đài Truyền hình Đà Nẵng) có nói rằng, bây giờ mà muốn ghi hình ảnh liên quan đến văn hóa của người Bana, ông phải về Vĩnh Thạnh của tỉnh Bình Định thì mới có hình ảnh "thật".  Đây là một vinh dự lớn, đồng thời cũng là gánh nặng cho những ai quan tâm đến "hồn thiêng" của các dân tộc thiểu số anh em. Với thực tế "văn hóa cồng chiêng đang diễn ra ở Lâm Đồng, chúng tôi muốn trao đổi thêm về vấn đề này.

 

Quang cảnh một lễ hội của người thiểu số dưới chân núi Langbian - Đà Lạt.

 

1.

Ở Lâm Đồng lúc này đây, ngay trong những ngôi làng người Lạch (một nhóm nhỏ của người Cơho) dưới chân núi Langbian cách Đà Lạt - thành phố du lịch nổi tiếng - chỉ hơn mười cây số, có đến những hơn mười đội cồng chiêng "vai trần chân đất". Hiện tại, người ta thường truyền khẩu với nhau rằng, ai đó làm du khách đặt chân đến thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt mà chưa xuôi về xã Lát dưới chân núi Langbian (thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương) để uống rượu cần, ăn thịt rừng và xem biểu diễn cồng chiêng thì coi như chưa đến Đà Lạt.

Thật thế ư? Nhiều lần trao đổi với các vị lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Lâm Đồng, người viết bài này không ít lần trực tiếp nghe các vị ấy phàn nàn về chuyện "biến chất" của các đội cồng chiêng làm du lịch nói trên. Vậy, thứ cồng chiêng được chính chủ nhân của nó đưa vào kinh doanh du lịch ấy đã "biến chất" như thế nào?

Trước hết, điều đáng để mọi người đặc biệt quan tâm là thứ cồng chiêng du lịch ấy đã bị sân khấu hóa một cách thô bạo. Nói cách khác, văn hóa cồng chiêng dưới chân Langbian không còn không gian núi rừng hùng vĩ với muôn ngàn vì sao lấp lánh mà đã được đem "nhốt" vào bốn bức tường bức bối với những bóng đèn nê-ông chói chang. Cồng chiêng đích thực chưa và sẽ không bao giờ bị sân khấu hóa.

Thứ hai, để hòa cùng "giọng điệu" của các nhạc cụ khác, đặc biệt là các nhạc cụ điện tử, hầu hết các bộ chiêng được đưa ra biểu diễn ấy đã bị chỉnh sửa một cách ma mãnh khiến nhiều người nhầm tưởng đó là thứ văn hóa cổ truyền được cha ông của họ từ ngàn xưa để lại. Như vậy, xét dưới hai góc độ "diện" và "điểm" thì văn hóa cồng chiêng dưới chân núi Langbian đã bị chính chủ nhân xâm hại một cách đáng tiếc, thậm chí rất đáng tiếc.

Câu chuyện của ông Trần Cảnh Đào - Phó GĐ Sở VHTT Lâm Đồng - khiến chúng tôi nghĩ ngợi nhiều: Có một nhà nghiên cứu văn hóa từ Hà Nội vào nhờ cán bộ Sở VHTT Lâm Đồng đưa đi thực tế. Trước khi đi, nhà nghiên cứu này phải dặn đi dặn lại lãnh đạo Sở rằng "muốn đi buôn làng nào cũng được, miễn không phải đến với các nhóm nhạc cồng chiêng dưới chân núi Langbian".

Qua câu chuyện vừa nói ở trên, một lần nữa chúng tôi khẳng định: Nếu tách cồng chiêng ra khỏi không gian sinh tồn của nó thì thứ sản phẩm ấy không còn giá trị. Nói cách khác, nó là một thứ "giả cầy" mới nhìn đã thấy chối chứ chưa nói gì đến chuyện thưởng thức. Như vậy, xét về không gian, về "diện" thì văn hóa cồng chiêng không thể tách rời rừng núi, buôn làng, sông suối… và cả không gian trong tâm thức của đồng bào thiểu số.

Còn xét về "điểm", về sự tinh túy, về những giá trị đặc sắc và đích thực của âm nhạc cồng chiêng, một khi có những tác động không phù hợp với quy luật phát triển thì thứ sản phẩm đã được "cải tiến" ấy bị chính các thành viên trong cộng đồng chủ nhân văn hóa cồng chiêng chối bỏ và các cộng đồng xung quanh tẩy chay như là một quy luật tất yếu. Xin nói thêm ra đây một chuyện đáng buồn: Một lần đến điền dã tại một buôn làng người Mạ ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, khi nhắc đến các đội cồng chiêng làm du lịch (chiêng cải tiến) "gặt hái" khá nhiều thành công về mặt kinh tế ở các địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng, một nghệ nhân người Mạ tên là K’Nghèo đã buông một câu làm chúng tôi điếng người: "Ơ! Đó là thứ chiêng trẻ nít mà!". Một nghệ nhân trẻ tuổi ở đó còn nói thêm: "Bà con mình còn gọi thứ chiêng ấy bằng những từ rất khó nghe!".

Thế mới thấy rằng lời đề nghị "hãy đến buôn xa" chứ "không nên ghé lại làng gần" của nhà nghiên cứu văn hóa vừa nói ở trên là hoàn toàn có lý.

2.

Xin được trở lại với lễ công bố Bằng công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại thành phố Pleiku (Gia Lai). Tại lễ công bố nằm trong khuôn khổ Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên (từ 16 - 20.3.2006), liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có thể được xem như là một điểm nhấn được rất nhiều người chú ý, đặc biệt là đối với các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng. Bởi thế, một cán bộ là thành viên trong ban tổ chức lễ hội đã "tiết lộ": "Liên hoan được tổ chức trên tinh thần giữ nguyên những gì mà bà con có được. Gọi là "liên hoan" nhưng trong thực tế thì tính sân khấu hóa được hạn chế đến mức thấp nhất; đồng thời, tuy có kịch bản nhưng tinh thần chung nhất là vẫn giữ nguyên cái chất cồng chiêng của từng đội, nhóm tham gia, hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp của kịch bản". Nói cách khác, "điểm" và "diện" là những tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ngay chính trong một hoạt động vừa mang tính "lễ" nhưng có không ít yếu tố mang tính chất "hội" như liên hoan lần này. Như vậy, điều đáng quý là ít ra thì các nhà tổ chức cũng đã ý thức được điều đó!

Cuối cùng, phàm những gì mà UNESCO công nhận là di sản ít nhiều đều có nguy cơ bị biến mất, hoặc đang trên đà biến mất cần phải được giữ gìn thận trọng. Công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản, UNESCO ghi nhận và cũng muốn nhắc nhở chúng ta điều này.

  • Khắc Dũng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Còn bao trăn trở   (10/03/2006)
Tượng đài Quang Trung dưới góc nhìn của các chuyên gia   (10/03/2006)
Ai giữ di sản cho mình ?  (09/03/2006)
Người đánh mất ước mơ  (09/03/2006)
Gánh nặng di sản  (07/03/2006)
Sức bật mới của những cây bút nữ  (07/03/2006)
Tượng đài Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung có chất lượng nghệ thuật tốt   (06/03/2006)
Sử thi Tây nguyên - viên ngọc quý  (03/03/2006)
Hình tượng người phụ nữ trong tuồng  (03/03/2006)
Vô đề  (03/03/2006)
"Sinh sự" với nhà báo Lý Sinh Sự  (03/03/2006)
Ba ngày qua Bình Định  (03/03/2006)
Đất và người Bình Định trong thơ Yến Lan   (01/03/2006)
Chiều sâu của một nét Huế cổ kính  (28/02/2006)
Rock Việt - ngày trở lại...  (28/02/2006)