Một người là Mịch Quang - nhà nghiên cứu uyên thâm về hát bội, năm nay gần 90 năm tuổi đời thì đã 80 năm mê hát và 45 năm nghiên cứu hát bội. Người khác là NSƯT Nguyễn Kiểm - một trong những nghệ sĩ tên tuổi của ngành ca kịch bài chòi, cũng là một đạo diễn, một người thầy đã đào tạo nên nhiều thế hệ diễn viên. Những cuốn hồi ký của họ không chỉ bộc bạch chuyện đời, chuyện người mà còn hé mở thật nhiều chuyện nghề…
|
Một cảnh trong vở Anh hùng với giai nhân do Đoàn Dân ca kịch Bình Định biểu diễn. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* "Lão tướng" Mịch Quang với Đời tôi và nghệ thuật
Đời tôi và nghệ thuật chỉ là một trong ba phần của cuốn sách Mịch Quang - kịch bản, hồi ký vừa được Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định ấn hành cuối năm 2005. Chỉ hơn 120 trang - khá mỏng so với dung lượng hơn 700 trang của cuốn sách - nhưng đã chất chứa tâm huyết và hoài bão một đời người. Và cũng do được đặt trong bố cục như vậy nên hai phần còn lại trong tập sách: Kịch bản và Những bài viết về Mịch Quang cũng góp phần giúp ta có một cái nhìn toàn diện về sự nghiệp của một nhà nghiên cứu thực tài, một tác giả sân khấu xuất sắc.
Thú vị đầu tiên mà ta đọc được từ tập sách, hẳn nhiên, vẫn là chuyện đời của một người mê hát bội. Hãy bắt đầu từ thuở ban đầu. Quê ông (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) vốn đã có một đội hát bội riêng do làng nuôi, mỗi năm diễn cho dân xem không mất tiền vào các dịp tết, xuân tế, thu tế. Ông đã nghe hát bội hồi còn nhỏ và đã biết bắt chước hát giã gạo, hô bài chòi, ca cải lương; rồi được nghe cha giảng về hát bội. 10 tuổi, ông xuống Quy Nhơn học tiểu học, thân với Nguyễn Lâm, con trai ông Cửu Khi, kép hát nổi tiếng của Đào Tấn. Khi ấy, Nguyễn Lâm đang theo cha diễn cho gánh Chánh ca Đựng. Ông thường đi theo gánh hát coi hát không mất tiền. Tình yêu, niềm say mê hát bội của ông đã bắt đầu từ đó và mãi còn đồng hành với ông cho mãi đến hôm nay, khi tuổi đã gần chạm 90. Niềm say mê ấy kết thành hàng loạt kịch bản sân khấu và các công trình: Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng (1963), Đặc trưng nghệ thuật Tuồng (1985), Âm nhạc và Sân khấu kịch hát dân tộc (1995) và Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống (1997) đã được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật và tác giả của nó được xem như một trong những người mở đường, một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống Việt Nam.
Thứ nữa, không thật đậm nhưng cũng không kém thú vị, là chuyện nghề. Dõi theo quá trình nghiên cứu hát bội của ông, ta phần nào hiểu thêm về sự khác biệt giữa tuồng Bình Định và Quảng Nam, tuồng Liên khu V và tuồng Bắc; về nguồn gốc hát bộ; quy luật mô hình của nghệ thuật tuồng… Những chuyện thật chuyên sâu, vậy mà được thể hiện qua văn phong hồi ký rõ ràng, giản dị. Đồng thời, đặt những vấn đề này trong dòng mạch của cả một quá trình nghiên cứu, tác giả còn giúp ta nhận ra được những bước đường phát triển của nền sân khấu học truyền thống Việt Nam.
* Xuân thất thập và chuyện nghề của một nghệ sĩ
Sinh ra bên dòng sông Lại rồi lớn lên cùng câu hát bài chòi. Mười mấy tuổi, Nguyễn Kiểm đã theo gánh hát, trải đời mình trên những tấm chiếu sân đình. Năm 1952 vào Đoàn Văn công Liên khu V, đến năm 1955 tập kết ra Bắc. Sau đó là 20 năm sống và làm việc trong lòng miền Bắc, cũng là 20 năm ông ghi tên tuổi vào lòng khán giả với những vai diễn ấn tượng: Tương Tử (vở Thoại Khanh - Châu Tuấn), Già Liêu (vở Tiếng sấm Tây Nguyên), Chi trưởng (vở Đội kịch Chim chèo bẻo)… Đất nước thống nhất, ông về quê hương và xây dựng Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình, vừa quản lý, vừa tham gia sáng tác kịch bản và đạo diễn…
Dõi theo những chặng đường của một đời nghệ sĩ qua hồi ký Xuân thất thập (Nxb. Sân khấu - 2004), ta được trở về, với thuở ban đầu của sân khấu bài chòi với tiếng hô bài chòi ở các làng quê những ngày xuân về, đến khi bài chòi phát triển thành những chuyện kể trên sân khấu trải chiếu; tiếp đó, được nâng cao để thành vở diễn có kịch bản với Thoại Khanh - Châu Tuấn…; hay những bước phát triển của sân khấu ca kịch bài chòi Bình Định qua những giai đoạn, trên từng vở diễn. Và nữa, cái cách truyền câu hát bài chòi của những nghệ nhân dân gian xưa, đến chương trình đào tạo diễn viên ngành ca kịch bài chòi nay… Cứ thế, chuyện nghề lồng trong chuyện đời, đi vào lòng người ngọt ngào, đầy sức thẩm thấu. Nó khiến ta phải dừng lại cùng sẻ chia với tác giả những băn khoăn, trăn trở trước mỗi khúc quanh, mỗi bước đi, có khi là sự tìm tòi của sân khấu ca kịch bài chòi. Xem tập hồi ký, vậy là ta cũng như đang được chứng kiến, dẫu chưa thể toàn vẹn, những bước đi của một ngành sân khấu truyền thống. Người trong nghề, do vậy, hẳn cũng có thể rút tỉa thêm nhiều điều qua tập sách này.
Không thể thiếu, trong tập hồi ký, là kỷ niệm mà người viết muốn sẻ chia cùng bạn đọc. Là vinh dự đầu tiên khi ông được diễn cho Bác Hồ xem và được Bác mở cho tầm nhìn trong nghệ thuật biểu diễn; hay rất đỗi riêng tư như kỷ niệm của tác giả với một người nữ diễn viên Đoàn kịch Công an Vũ trang năm 1967…
Hai tập hồi ký của hai người thầy trong hai ngành kịch hát truyền thống dân tộc đã gặp nhau trong cùng một tấm lòng tâm huyết với nghệ thuật truyền thống dân tộc. Họ đã mang lấy nghiệp vào thân và nay sẽ lại tiếp tục ấp ủ cho những dự định mới trên con đường đầy nhọc nhằn và vinh quang của sáng tạo nghệ thuật.
|