Cánh diều vàng 2005: nhiều cải tiến trong cơ cấu giải
10:1', 17/3/ 2006 (GMT+7)

Tối ngày 18-3 tới đây, sẽ diễn ra lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng 2005 - giải thưởng nghề nghiệp danh giá nhất của điện ảnh Việt Nam (VTV3 truyền hình trực tiếp). Năm nay, sẽ có một số cải tiến trong cơ cấu giải và thành phần ban giám khảo nhằm nâng cao hơn nữa ý nghĩa của giải thưởng này.

 

Cảnh trong phim Dưới cờ đại nghĩa, phim truyền hình dài tập của Hãng TFS.

 

* 105 phim tranh giải

Sẽ có 105 phim tranh giải Cánh diều vàng 2005 ở 6 thể loại. Trong đó, có 12 phim truyện nhựa. Hãng phim Truyện Việt Nam dự thi nhiều nhất với 5 phim gồm Giải phóng Sài Gòn, Đường thư, Năm ngày trong đời một vị tướng, Đi trong giấc ngủ, Có một chuyến đi; Hãng phim Truyện 1 có 4 phim: Sống trong sợ hãi, Cầu Ông Tượng, Hải quỳ, Chuyện của Pao. Riêng Hãng phim Giải Phóng năm nay chỉ có một phim dự thi là Gió thiên đường. Đặc biệt, còn có hai hãng phim tư nhân gửi phim dự thi Hãng phim Thiên Ngân với Hai trong một và Công ty Cổ phần Đầu tư Giải trí Phước Sang với Đẻ mướn.

Theo PGS.TS Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Cánh diều vàng ngày càng phải tập trung nhiều hơn vào trình độ nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu thể hiện nghệ thuật bao hàm cả hiệu quả tìm tòi, sáng tạo, thể hiện ngôn ngữ điện ảnh. Bên cạnh đó, Cánh diều vàng cũng sẽ quan tâm hơn đến tác động xã hội rộng rãi của tác phẩm.

* Cơ cấu giải thưởng: sẽ thay đổi

Điểm mới nhất trong cơ cấu giải thưởng năm nay là việc số lượng giải tuy tăng lên nhưng mỗi thể loại chỉ có duy nhất một giải thưởng là Cánh diều vàng. Nếu có sự tranh cãi giữa các tác phẩm được đánh giá ngang nhau, Ban Giám khảo sẽ tiếp tục thảo luận công khai, sau đó là bỏ phiếu kín để chọn ra 1 tác phẩm duy nhất đoạt giải.

 

Cảnh trong phim Gió thiên đường của Hãng phim Giải phóng.

 

Một điểm mới nữa là nếu như ở Cánh diều vàng những năm trước, chỉ có một giải đạo diễn xuất sắc dành cho phim truyện nhựa, vốn được coi là thể loại "vua" của điện ảnh, thì năm nay, ở các thể loại khác như phim hoạt hình, phim tài liệu khoa học, phim truyền hình... đều được trao giải cho đạo diễn xuất sắc nhất. Riêng với phim truyện nhựa, các giải thưởng xuất sắc dành cho biên kịch, quay phim, diễn viên nam, nữ chính và phụ, âm nhạc, họa sĩ, âm thanh... đã xuất hiện nhiều ứng cử viên sáng giá.

Thành phần Ban Giám khảo Cánh diều vàng năm nay, đặc biệt là Ban giám khảo thể loại phim truyện nhựa và phim truyền hình - những thể loại vốn thu hút sự quan tâm lớn của dư luận - sẽ được trẻ hóa hoàn toàn. Giám khảo sẽ là những người còn đang sung sức, hoạt động tích cực trong lĩnh vực điện ảnh.

Đặc biệt, năm nay, có một giải thưởng mới ra đời là giải Báo chí dành cho phim hay nhất trong năm và chỉ dành cho phim truyện nhựa. Thành viên Ban giám khảo giải thưởng này gồm khoảng gần 30 người gồm 20 phóng viên, nhà báo viết về điện ảnh và truyền hình của các tờ báo lớn trong cả nước và các nhà phê bình tên tuổi của  điện ảnh Việt Nam. Ban tổ chức cũng rất hy vọng giải thưởng này sẽ trở thành giải thưởng chính thức trong cơ cấu giải thưởng của hội hằng năm, gây được tiếng vang trong lòng công chúng.

  • Thạch Trung (tổng hợp)

Các phim tranh giải cánh diều vàng 2005

- Phim truyện nhựa: 12 phim.

- Phim truyện truyền hình dài tập: 8 phim

- Phim tài liệu (nhựa và video): 55 phim.

- Phim hoạt hình: 9 phim.

- Công trình nghiên cứu: 9 tác phẩm.

Danh sách phim truyện nhựa

1. Giải phóng Sài Gòn (đạo diễn Long Vân - Hãng phim Truyện Việt Nam)

2. Đường thư (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - Hãng phim Truyện Việt Nam)

3. Năm ngày trong đời vị tướng (đạo diễn Bùi Cường - Hãng phim Truyện Việt Nam)

4. Có một chuyến đi (đạo diễn Vũ Châu - Hãng phim Truyện Việt Nam)

5. Đi trong giấc ngủ (đạo diễn Phạm Lộc - Hãng phim Truyện Việt Nam)

6. Gió thiên đường (đạo diễn Lâm Lê Dũng - Hãng phim Giải phóng)

7. Cầu Ông Tượng (đạo diễn Phi Tiến Sơn - Hãng phim Truyện 1)

8. Hải quỳ (đạo diễn Nguyễn Thế Vĩnh - Hãng phim Truyện 1)

9. Chuyện của Pao (đạo diễn Nguyễn Quang Hải - Hãng phim Truyện 1)

10. Sống trong sợ hãi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - Hãng phim Truyện 1)

11. Hai trong một (đạo diễn Đào Duy Phúc - Hãng phim Thiên Ngân)

12. Đẻ mướn (đạo diễn Lê Bảo Trung - Công ty Cổ phần Đầu tư  Giải trí Phước Sang)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chung một tấm lòng với sân khấu truyền thống  (17/03/2006)
Có một thành Chămpa bị quên lãng  (14/03/2006)
Sẽ được quản lý chặt hơn  (14/03/2006)
Lục Tiểu Phụng  (13/03/2006)
Cồng chiêng - công nhận cũng là nhắc nhở  (13/03/2006)
Còn bao trăn trở   (10/03/2006)
Tượng đài Quang Trung dưới góc nhìn của các chuyên gia   (10/03/2006)
Ai giữ di sản cho mình ?  (09/03/2006)
Người đánh mất ước mơ  (09/03/2006)
Gánh nặng di sản  (07/03/2006)
Sức bật mới của những cây bút nữ  (07/03/2006)
Tượng đài Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung có chất lượng nghệ thuật tốt   (06/03/2006)
Sử thi Tây nguyên - viên ngọc quý  (03/03/2006)
Hình tượng người phụ nữ trong tuồng  (03/03/2006)
Vô đề  (03/03/2006)