Thế là chiếc xe ngựa có tên "Mê Ly" không còn lăn bánh ngao du sơn thuỷ, không còn xê dịch cho thỏa chí tang bồng được nữa rồi. "Chiếc xe" ấy dừng lại ở tuổi 97, lúc 20h16’ ngày 16.3.2006. Thế là giới hội họa Việt Nam đã vĩnh viễn chia xa một người anh cả lớn tuổi nhất: Họa sỹ Hoàng Lập Ngôn.
|
Lão HS Hoàng Lập Ngôn những ngày cuối cùng ở Đà Lạt. Ảnh: KD |
Buổi chiều Đà Lạt, người ta thường thấy một cụ già bạc phơ râu tóc chầm chậm đạp xe một vòng quanh phố rồi sau đó ghé vào quán bia hơi ven đường. Chiều Sài Gòn tương tự, vẫn ông cụ ấy nhàn nhã tảng bộ quanh những con phố rồi tạt vào quán cóc ven đường nhâm nhi cốc bia. Và với Hà Nội cũng thế, có những con phố nhỏ khi chiều sang bỗng hiu hắt buồn bởi người ta không nhìn thấy vại bia Trúc Bạch trên tay ông cụ bên vỉa hè. Hoàng Lập Ngôn đấy! Lão họa sỹ tuổi trên 90, già nhất trong làng hội họa Việt Nam đấy!
Yên đến vô cùng
Ở Đà Lạt, thỉnh thoảng gặp nhau, một già một trẻ, nhưng trong câu chuyện không có sự mở đầu và cũng chưa hề kết thúc ấy (vì tôi còn nợ cụ mấy bức ảnh và những bài viết), tôi nhận ra lão họa sỹ họ Hoàng vẫn còn xuân lắm: Rượu không uống được mấy, nhưng còn "sắc là khí trời, không yêu là chấm hết cầm - kỳ - thi - họa" như lời cụ nói.
Lần gặp gần đây nhất, lão họa sỹ Hoàng Ngôn vẫn còn "khoe" với tôi mấy bài thơ tình vừa viết xong. Cụ bảo: "Người ta gọi tôi là Hoàng Lập Dị. Không sao cả. Trong nghề, tôi là cái anh "tinh tướng họa" nên không phải ai cũng "ưa" được. Còn trong đời thường, đấy, mình cứ lang thang và … yêu như thế này thì "nó" "hục hặc" với mình là phải thôi. Nhưng, "Sắc là khí trời.." mà…!". Vừa nói, ông vừa cười hóm hỉnh, và xướng: "Xưng danh: Lập Ngôn đây dám là tôi/Mê Ly xe vẽ cảnh, người tướng tinh/Hồi xuân duyên bén thơ tình/Tình non, tình nước, tình mình, tình ta"!
Xứng danh tang bồng
Nổi hứng tang bồng ngay từ năm 1940, lúc con gái đầu lòng chỉ vài tháng tuổi, và đất nước còn chiến tranh loạn lạc, chàng họa sỹ họ Hoàng ấy đã làm một cái việc mà lúc ấy không mấy người nghĩ ra (có nghĩ ra cũng chẳng dám làm): Từ Hà Nội, đóng một chiếc xe ngựa, chất cả gia đình lên đó, làm cuộc "rong chơi" từ Bắc vào Nam ròng rã suốt ba năm. Ông đặt tên chiếc xe lăn Mê Ly, tên con gái đầu lòng (Hoàng Hồng Mê Ly). "Nhà lăn xe vẽ Mê Ly" có tên từ đó, và ông cũng nổi danh từ đó. Cả nhà ông rong ruổi trên chiếc xe ròng rã ba năm trời từ Bắc vào Nam, đi đến đâu vẽ đến đó, có cả diễn kịch nữa (những vở kịch ngắn do ông sáng tác), và "Nhà lăn xe vẽ Mê Ly" chỉ chịu dừng lại ở Huế bởi chiến sự không cho phép ông tiếp tục cuộc hành trình. Còn trước và sau đó, lý lịch họa sỹ họ Hoàng có thể được nói gọn: Sinh ra ở làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Giang (Đa Ngưu là ngôi làng nổi tiếng với nghề buôn thuốc bắc). Đến năm 7 tuổi, ông được đưa về Hà Nội, ở trọ trong nhà họ Dương (Dương Quảng Hàm, Dương Bá Trạc…).
Năm 1938, ông cùng 8 người khác đậu tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngay sau khi ra trường, năm 1939 ông "bay" sang Lào lang thang vẽ. Năm 1940 về Việt Nam lấy vợ rồi làm cuộc rong ruổi với "Nhà lăn xe vẽ Mê Ly". Sau đó ông sang Pháp… Ở Pháp, họa sỹ Hoàng Lập Ngôn có diễm phúc được gặp Bác Hồ…
Chuyến rong ruổi từ Bắc vào Nam vừa đi, vừa vẽ, vừa diễn kịch ngày đó là dấu son trong cuộc đời họa sỹ Hoàng Lập Ngôn. Kể từ đó, trên mỗi tác phẩm, ngoài chữ ký "Lập Ngôn", ông còn "ký" thêm hình vẽ bánh xe ngựa phía bên trái. Cùng với chuyến đi để đời ấy, họa sỹ Hoàng Lập Ngôn còn nổi tiếng nhờ những bức chân dung với quan niệm "tinh tướng họa" - một lối vẽ mới, ảnh hưởng trường phái ấn tượng của Pháp, nhưng đồng thời là cách vẽ khai thác triệt để tính cách nhân vật, ít chú trọng đến hình thức bên ngoài.
Vẽ chân dung cụ Hồ 1 phút
Năm 1945, bức chân dung vẽ Bác Hồ của Hoàng Lập Ngôn đã gây ấn tượng mạnh trong giới hội họa bởi công thức "bảy chấm định vị" do ông khám phá ra.
Từ công thức "bảy chấm định vị", họa sỹ Hoàng Lập Ngôn có thể vẽ được chân dung Bác Hồ chỉ trong vòng chưa đến một phút; và đặc biệt là vẫn toát lên được tất cả thần thái trên gương mặt Bác. Với "bảy chấm định vị", họa sỹ Hoàng Lập Ngôn từ trước đến nay đã vẽ không biết là bao nhiêu bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để tặng mọi người. Có thể nói, ông là họa sỹ của chân dung: Ngoài công thức "bảy chấm định vị" vẽ chân dung Bác Hồ, lão họa sỹ Hoàng Lập Ngôn còn nổi tiếng với trên 300 bức chân dung vẽ bạn bè, người thân, các văn nghệ sỹ, các nhà khoa học.. như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái… Và đặc biệt, đáng kể là hai bức chân dung: Chân dung sơn dầu đầu tay "Ngây thơ" của ông hiện vẫn còn được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; và "Chân dung Bác Hồ" vẽ năm 2001 (3m x 1,2m) được trưng bày tại Trểin lãm họa sỹ cao tuổi do Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức và sau đó được Hội Liên hiệp VHNT VN trao tặng bằng khen.
Còn nhớ hôm gặp ông lần cuối cùng, lão họa sỹ có tiết lộ rằng ông đang hoàn chỉnh thiên hồi ký dày khoảng 3.500 trang chia thành 10 tập và một tập "ký sự văn chương" những gần 600 bài. Vậy mà, chiếc xe vẽ Mê Ly đã dừng lại khá đột ngột, mặc dầu cuộc "rong chơi" dài những 97 năm là không ngắn. Nhưng vẫn cứ phải nghĩ: Không biết những trang bản thảo ấy rồi sẽ như thế nào? Và đặc biệt, trên con đường mỹ thuật "tinh tướng họa" có mấy người đi theo dấu chân ông để vẽ cái "tinh" của "tướng"?
|