Nghệ thuật biểu diễn, nhất là ngành sân khấu, đang trong giai đoạn khủng hoảng. Xã hội hóa được xem là "liều thuốc" để cứu sân khấu. Nhưng sau 7 năm kể từ khi có chủ trường này của Chính phủ, trừ một số đơn vị sân khấu ở thành phố Hồ Chí Minh, còn các địa phương khác vẫn án binh bất động...
|
Cảnh trong vở "Huyền thoại về tiếng hát" của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định. Ảnh: V.T
|
Theo số liệu của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thông tin), thì cả nước hiện có tới 130 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được Nhà nước bao cấp, gần 100 đoàn của các ban nhóm tư nhân và 34.622 đội văn nghệ với khoảng 5.200 nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp. Mỗi năm trung bình có hơn 2.400 cuộc liên hoan, hội diễn chuyên và không chuyên được tổ chức. Số lượng như vậy là không nhỏ nhưng nghệ thuật biểu diễn lại đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng trầm trọng.
Biểu hiện rõ nhất của sự khủng hoảng đó là tình trạng thiếu đạo diễn có nghề, hụt hẫng về thế hệ, chất lượng đào tạo diễn viên, trình độ diễn xuất, sự thiếu vắng kịch bản hay, cho đến những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách như chế độ đãi ngộ, hình thức phong danh hiệu, việc tổ chức hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc…
Xã hội hóa được khẳng định sẽ là giải pháp để cứu sân khấu thoát khỏi tình trạng xuống cấp như hiện nay. Vậy nhưng, chủ trương xã hội hóa đã được khẳng định trong Nghị định 90 của Chính phủ từ năm 1999, nhưng từ đó đến nay, lại chưa ban hành văn bản hướng dẫn nội dung, quy trình, phương pháp triển khai cụ thể, nhất là cơ chế chính sách làm điều kiện tiên quyết cho việc triển khai xã hội hóa một cách khoa học, chắc chắn và hợp lý. Ngay những người trong nghề cũng chưa ai hiểu cụ thể xã hội hóa nghệ thuật là như thế nào. Đại bộ phận đều cho rằng, trước đây Nhà nước chi kinh phí từ A đến Z thì nay các đoàn chuyển sang tự hoạt động.
Có người đã so sánh các đoàn nghệ thuật hiện nay như một gia đình đông con. Trước khi cho các con ra ở riêng, ít nhất bố mẹ cũng cho con một trình độ học vấn, nghề nghiệp, hay ít nhất một chút đồ gia dụng và mấy tháng lương ăn, kịp chờ đến khi con tự làm ra sản phẩm để sống. Nghĩa là, để xã hội hóa các đoàn nghệ thuật biểu diễn, cơ quan quản lý cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, đi kèm với cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng các nhà hát, đặc biệt là đào tạo nghệ sĩ.
Tại Hội thảo khoa học Giải pháp phát triển nghệ thuật biểu diễn diễn ra trong hai ngày 6 và 7-3, đạo diễn Trần Ngọc Giàu (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: không nên khiên cưỡng khi thực hiện chủ trương xã hội hóa, bởi việc thực hiện phương thức hoạt động này xuất phát từ chính đòi hỏi thực tế của đời sống, nếu đời sống có nhu cầu, tất sẽ phát sinh các hình thức hoạt động thích hợp. Đạo diễn này cũng lưu ý đến tính hai mặt của phương thức xã hội hóa, mà sân khấu thành phố Hồ Chí Minh đang trải nghiệm. Bên cạnh những mặt thành tựu, sân khấu ngày càng bị nghiệp dư hóa khi tiến vào cơ chế thị trường. Chính vì vậy, không nên thả nổi hoàn toàn các hình thức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, mà vẫn cần có sự định hướng hiệu quả của các cơ quan quản lý.
Và như trong phát biểu tổng kết hội thảo trên, NSND Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, cho rằng: Nghệ thuật cần phải xã hội hóa. Nhưng để phát triển nghệ thuật, thì đó chỉ là một trong những giải pháp, chứ không phải là giải pháp duy nhất, tối ưu. Rõ ràng là để thực hiện thành công xã hội hóa, phải tiến hành từng bước, từng giai đoạn và điều cốt yếu, vốn vẫn làm cho việc xã hội hóa lúng túng lâu nay, là phải xây dựng được hệ thống chính sách cụ thể, thích hợp.
Sắp xếp các đơn vị nghệ thuật và chuyển đổi phương thức hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ là một hướng đi đúng trên con đường xã hội hóa sân khấu. Đây cũng là điều đã được khẳng định trong đề án "Quy hoạch và phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa năm 2010" của Bộ Văn hóa- Thông tin. Ngoài ra, Bộ Văn hóa - Thông tin sẽ chú trọng đầu tư cho sáng tác, đào tạo, đầu tư cho công tác lý luận phê bình và xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy nghệ thuật phát triển.
|