Ngày 20-2 âm lịch vừa qua, (19-3), người dân trên đảo Lý Sơn tổ chức “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Nghi lễ này đã có từ ba trăm năm trước và bị mai một từ hơn nửa thế kỷ qua, nay mới khôi phục lại. Đây là một cách tri ân những người lính đã bỏ mình giữa biển cả để trấn giữ vùng lãnh hải của tổ quốc từ hàng trăm năm trước.
|
Một buổi tế lễ. Ảnh: Trần Đăng
|
Nơi ra đời của hải đội Hoàng Sa
Đến nay người ta vẫn chưa biết chính xác hải đội Hoàng Sa ra đời từ năm nào nhưng các thư tịch triều Nguyễn đều đề cập đến đội hải quân này như là một phần trong chiến lược kiểm soát vùng biển ngay từ khi Chúa Nguyễn vào trấn nhậm vùng đất phía Nam (cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII). Lê Quý Đôn viết: “Họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, tháng hai hàng năm nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu tư, ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy… Đến tháng 8, đội quân này về Phú Xuân, cống nộp những sản vật lấy được trên đảo cho vua…”. Thực ra với phương tiện thô sơ bằng thuyền câu như thế, số người trở về hầu như rất hiếm: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”. Câu ca này đã phản ảnh phần nào chuyện “một đi không trở lại” của những người lính thuở ấy.
Làng An Vĩnh được Lê Quý Đôn đề cập trên đây thuộc xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Mãi đến sau này, khi các tộc họ của làng Anh Vĩnh ra đảo Lý Sơn lập nghiệp thì việc lấy người để ra Hoàng Sa hàng năm được tổ chức tại đảo Lý Sơn. Dấu vết còn lại của đội quân này là một số di tích liên quan đến các cuộc tế lễ như Âm Linh Tự, đình Lý Hải, nhất là khu mộ gió-nơi chôn cất những người lính hy sinh ngoài Hoàng Sa nhưng không lấy được xác. Bên dưới các ngôi mộ này là những hình nhân bằng đất sét.
“Thế lính” và “tế lính”
Vào khoảng cuối tháng hai âm lịch, khi những đợt gió mùa đông bắc thưa dần thì cũng là lúc 70 trai tráng thuộc hai làng An Vĩnh và An Hải của đảo Lý Sơn xuống thuyền ra Hoàng Sa. Hành trang mà họ mang theo, ngoài lương thực đủ ăn trong 6 tháng, còn có một đôi chiếu dùng để quấn xác lại nếu chẳng may tử nạn, 7 đòn tre và 7 sợi dây để nẹp và bó quanh thi thể cùng chiếc thẻ bài bằng tre có khắc tên họ, bản quán với hy vọng nếu xác trôi dạt vào đất liền thì người dân sẽ biết danh tính để nhắn về cho gia đình. Sự rủi ro quá lớn như thế nên trước khi đội quân nọ ra khơi, người dân Lý Sơn tổ chức “lễ khao lề thế lính”. Họ rước thầy pháp về trừ tà, làm các hình nhân và thuyền bằng bè chuối. Người ta quan niệm các hình nhân và những chiếc thuyền giả này sẽ thế mạng cho người ra khơi . Gọi “thế lính” là vậy. Cũng là một cách tự trấn an bằng một niềm tin ma mị thế thôi. Còn “tế lính” là lễ do từng gia đình các tộc họ trên đảo tiến hành. Đó cũng là một cách tưởng vọng đối với những người đã ngã xuống trong lúc làm nhiệm vụ. Dù là “tế” hay “thế” thì tất cả các buổi lễ đều diễn ra hết sức trang nghiêm và thiêng liêng, một sự tri ân hết sức thành kính đối với các thế hệ đã bỏ mình vì nước.
Tỉnh Quảng Ngãi có ý tưởng biến hòn đảo xinh đẹp này thành điểm du lịch một khi Khu Kinh tế Dung Quất phát triển. Và, “lễ khao lề” này không chỉ dừng lại ở sự tri ân người đã khuất mà còn là nơi giới thiệu cho du khách biết được một phần lịch sử giữ nước của người Việt Nam nữa.
|