Trước đây, các làng dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định đều có những tên gọi riêng như làng Suối Mây, làng Hòn Mẻ của người Chăm H’roi huyện Vân Canh; làng Kon Truch, làng Tà Điệk của người Bana Kriêm huyện Vĩnh Thạnh; làng Nước Roang, làng Tổng Đến của người H’re huyện An Lão. Mỗi tên làng đều mang một ý nghĩa về đặc điểm địa lý tự nhiên của làng như ngọn núi, con sông, cái suối… về người có công khai lập làng, về già làng có nhiều cống hiến trong quá trình lập làng, về một sự kiện nào đó có ý nghĩa sâu sắc đối với làng…
Tên làng còn mang cả đặc trưng về kinh tế, về truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh bất khuất của làng suốt diễn trình lịch sử, thậm chí cũng mang cả đặc trưng về con người. Nhắc đến làng Kon Tơ Lơk ở Vĩnh Thạnh, người ta nhớ đến cuộc khởi nghĩa Tơ Lơk Tơ Lek; hay nói đến làng Suối Mây ở huyện Vân Canh, người ta nghĩ ngay đây là làng Chăm bên cạnh dòng suối thơ mộng chảy về sông Hà Thanh… Tên làng rất đỗi thân quen và đi vào máu thịt của mỗi người con của làng. Mỗi khi nhắc đến tên làng mình, bà con cảm thấy hãnh diện, tự hào biết bao…
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, để tiện việc giao lưu và giữ bí mật, rất nhiều bản làng dân tộc đã được gọi tên bằng ký hiệu như M1, M2, O1, O2… Hoặc để tiện lợi hơn, thay vì tên làng có từ xưa được đổi gọi là làng 1, làng 2… Và đến một lúc nào đó, như anh Sang, Trưởng làng L7 (Tà Điệk): Thế hệ mai sau, đến một lúc nào đó, dân làng không cón biết tên gọi truyền thống của làng mình. Điều đó đồng nghĩa với sự lãng quên một phần lịch sử truyền thống của bản làng.
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975 những tên gọi mới của làng trở thành tên gọi trong giao dịch hành chính và từ đó đến nay không mấy ai nghĩ đến việc trả lại tên cho làng. Mấy năm trước, nhà thơ - nhà sưu tầm - khảo cứu văn học dân gian Hà Giao đã từng đặt ra vấn đề này trong một bài viết đăng trên báo Bình Định nhưng rồi việc này chưa được quan tâm đến nơi đến chốn.
|