Bên lề Hội thảo "Kiến trúc và quy hoạch đô thị biển" chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, về một số vấn đề hiện đang đặt ra với các đô thị biển, trong đó có Quy Nhơn.
|
Mênh mang đầm Thị Nại. Ảnh TL
|
* Hai trong nhiều vấn đề được bàn thảo nhiều tại cuộc hội thảo này là xây dựng đường sát mép biển, các khách sạn trên bãi biển... Đây cũng là những vấn đề "nóng" của Quy Nhơn hiện nay. Quan điểm của ông về các vấn đề này như thế nào?
- Đường ven biển là một trong những giải pháp về tổ chức giao thông, bảo vệ cảnh quan của đô thị biển. Nhưng chắc là không phải đô thị nào cũng xây dựng đường kéo dài dọc ven biển mà phải tùy chỗ, tùy nhu cầu. Có người cho rằng phải xây dựng con đường, để mở toang ra để mọi người được nhìn thấy biển. Nhưng phải thấy rằng bờ biển là một tài nguyên, mà tài nguyên thì phải được khai thác, khai thác là để "nuôi" lại đô thị. Và như vậy nghĩa là phải xem những chỗ nào cần khai thác, cần dành cho những dự án đầu tư có hiệu quả, để tạo ra cho bờ biển đó những sắc thái đặc biệt và cũng là tạo nên tính đa dạng cho bờ biển.
Ví dụ như hiện nay, muốn có một khách sạn chất lượng cao loại năm sao thì phải có bãi biển phía sau, chứ không thể có đường ô tô cắt ngang. Đường ven biển phải đi một hướng khác, như Đà Nẵng từng giải quyết với khu Furama chẳng hạn. Trên thế giới nếu điểm đó đã quy hoạch dành cho du lịch thì không bao giờ có đường giao thông cắt ngang trước mặt.
Tại hội thảo lần này, cũng đã tranh luận về vị trí xây dựng Khách sạn Hoàng Anh Quy Nhơn. Theo tôi, Khách sạn Hoàng Anh Quy Nhơn có thể tồn tại ở vị trí như thế, thậm chí còn dành cho nó một quỹ đất dày hơn để mật độ tốt hơn và giải quyết kiến trúc tốt hơn.
Nói như vậy là để thấy rằng đường ven biển không phải là một nguyên tắc ở đâu cũng làm mà phải tùy thuộc từng vị trí. Tại sao người ta phải xây dựng đường vành đai sát biển? Phải nói thật rằng đây là một giải pháp mang tính hành chính trước mắt vì chúng ta không muốn để dân lấn ra biển. Nhưng làm vậy hóa ra lại không có lợi vì sẽ không khai thác được lợi thế biển cho đầu tư, cho những dự án lớn. Hội thảo này đã khuyến cáo, rằng khi khai thác bờ biển, phải tính đến đối tượng nào? dùng làm gì? thì hệ thống giao thông, đường ven biển đó ở đâu và như thế nào? Nói chung là phải tùy mục đích, chứ không thể máy móc, cứng nhắc. Tại hội thảo, cũng đề cập đến trường hợp làm đường ven biển chiếm hết cả mặt cát, rồi cuối cùng lại đề nghị đổ cát ra phía ngoài. Giải pháp đó cực kỳ không hợp lý.
* Hiện nay, Bình Định đang chủ trương mở rộng không gian đô thị Quy Nhơn ra hướng Bắc, sang Nhơn Hội. Khi đó, Quy Nhơn sẽ không chỉ là một đô thị biển mà còn ôm trọn vào trong mình đầm Thị Nại. Đây là một nét đặc thù mà không phải đô thị nào cũng có được. Nhưng phải làm gì để phát huy nét đặc trưng này, thưa KTS?
- Mọi đô thị muốn phát triển đều phải dựa trên điều kiện thiên nhiên và điều kiện cảnh quan. Quy Nhơn là một thành phố bị núi chắn ở phía Nam, bị chia cắt bởi những ngọn núi. Quỹ đất của Quy Nhơn vậy là không nhiều. Nhưng cũng do vậy nên Quy Nhơn có nét cá tính là có núi chen với đô thị và nếu biết làm thì chính hạn chế này sẽ giúp Quy Nhơn có một cảnh quan đẹp, đa dạng. Ngoài ra, đầm Thị Nại cũng là một tài sản quý của Quy Nhơn mà hiếm có thành phố nào có được. Đầm Thị Nại không chỉ là một tài nguyên để phát triển thương cảng, mà còn là tài nguyên của cảnh quan, môi trường. Nếu hỏng đầm Thị Nại thì coi như là hỏng Quy Nhơn. Phát triển Quy Nhơn sang phía bên kia đầm Thị Nại sẽ tạo ra một quỹ đất phong phú. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm ra một hình thái đô thị để thích ứng với nó. Và điều này thì cần cân nhắc.
Ở đây có một vấn đề là ở phần phía Nam của đầm Thị Nại, nếu chúng ta biết tận dụng và phát triển du lịch sinh thái thì hiệu quả có khi còn cao hơn là san lấp để làm nhà ở. Trong quy hoạch, chúng ta không nên can thiệp bằng những đường nét cứng như trong đồ án, mà phải tạo ra những đường nét thích ứng hơn với cảnh quan. Nếu biết khai thác thì vẫn có thể giữ được đặc trưng cảnh quan đó mà vẫn kiếm ra tiền. Đừng vội san lấp, chia lô xây nhà mà chưa chắc đã giàu có hơn. Còn nếu hiện nay chúng ta chưa thể tìm ra được giải pháp hữu hiệu thì hãy để dành đó, cho con cháu thông minh hơn, hiểu biết hơn sẽ làm.
* Xin cảm ơn KTS.
|