GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính:
Quy Nhơn đã có dấu hiệu của một đô thị có thương hiệu
8:2', 30/3/ 2006 (GMT+7)

31 năm sau ngày giải phóng, Quy Nhơn hôm nay đang nỗ lực xây dựng để trở thành một đô thị hiện đại. Nhưng làm thế nào để Quy Nhơn trở thành một đô thị có thương hiệu, có nét riêng? P.V Báo Bình Định đã phỏng vấn GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, về vấn đề này.

 

                Một góc TP Quy Nhơn. Ảnh: Phạm Văn Chai

 

* "Một đô thị nghỉ mát, du lịch nghỉ dưỡng thì không thể không có thương hiệu" - KTS từng khẳng định như vậy. Vậy trong quan niệm của KTS, như thế nào là một đô thị có thương hiệu?

- Thương hiệu đô thị là những đặc điểm nổi trội của diện mạo đô thị, được định hình từ bản thân đô thị trong quá trình phát triển. Đó cũng là hình ảnh về đô thị đã được ta ghi lại trong bộ nhớ. Điều đó cho thấy, thương hiệu đô thị là một sản phẩm mang tính văn hóa: văn hóa đô thị, văn hóa xây dựng; tích tụ, thành hình trong quá trình phát triển của đô thị. Sản phẩm đó, gồm rất nhiều phương diện, trong đó có sự tham gia của nhiều nhân tố như thời gian, cộng đồng, nhà quản lý… Và khi nào đô thị có thương hiệu thì mới có khả năng cạnh tranh. Hãy tưởng tượng với một loạt đô thị bên đường, nếu không tạo lập được nét riêng thì thuần túy vẫn chỉ là đô thị tỉnh lẻ.

Hiện nay, trong các đô thị biển, theo tôi, mới chỉ Nha Trang là đô thị có thương hiệu. Khi người Pháp xây dựng Nha Trang là đã "cấp" cho thành phố này chức năng nghỉ mát, nghỉ dưỡng. Nha Trang cùng với Đà Lạt đã là những đô thị có thương hiệu về kiến trúc, trong khi Huế là một đô thị di sản. Còn Đà Nẵng, tuy thời gian qua phát triển mạnh, trở thành một hiện tượng với việc hạ tầng đi trước một bước so với việc xây dựng các công trình kiến trúc, nhưng sự phát triển đó chưa tạo nên một diện mạo riêng cho Đà Nẵng mà chỉ như một thành phố lớn đang trên đà phát triển. Quy Nhơn hiện đang dần lộ rõ diện mạo, hình ảnh của mình, nhưng muốn tiến tới thương hiệu thì phải tiếp tục giải mã tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và khéo léo khai thác nó.

* KTS có thể nói rõ hơn, theo KTS, làm thế nào để Quy Nhơn trở thành đô thị có thương hiệu?

- Để xây dựng Quy Nhơn thành một đô thị có thương hiệu thì vấn đề này cần được đặt ra trong suốt cả quá trình phát triển của thành phố. Hãy nhìn một chút về quá khứ, trước ngày tiêu thổ kháng chiến, Quy Nhơn tuy cũng chỉ là một đô thị tỉnh lỵ, nhưng đã ít nhiều có dấu hiệu của một đô thị có thương hiệu. Nhưng thương hiệu đó chưa định hình như là hình ảnh về kiến trúc, cảnh quan, lối sống đô thị… Hiện nay, Quy Nhơn đang trong quá trình hiện đại hóa, chuyển từ một đô thị thuần túy tỉnh lỵ sang một đô thị hiện đại hóa, thì đây là khởi điểm để đặt vấn đề xây dựng thương hiệu.

Với những gì mà Quy Nhơn làm được trong 10 năm trở lại đây, tôi thấy Quy Nhơn có dấu hiệu trở thành đô thị có thương hiệu. Tôi từng nhiều năm "làm tháp" (trùng tu tháp Chăm - PV) ở Bình Định nên tôi biết. Hồi đó, chúng tôi rất ngại nghỉ ở Quy Nhơn. Thành phố rất buồn, quay lưng ra biển... Nhưng nay thì tình hình đã khác…

Đây là tín hiệu mừng vì như bạn thấy, vẫn rất ít đô thị biển Việt Nam xây dựng được thương hiệu. Con đường đi của Quy Nhơn hiện nay dù chưa được nhận thức đầy đủ nhưng đang theo chiều hướng định hình dần hình ảnh của mình. Thành phố đang phát triển không gian hướng ra biển, với cảnh quan đa dạng: đầm, núi, biển… Việc Quy Nhơn phát triển không gian trên tài nguyên cảnh quan của mình chính là dấu hiệu đầu tiên để tạo lập thương hiệu.

Thứ hai là nhân tố kiến trúc. Những không gian, công trình kiến trúc mới, đặc biệt là dải kết nối biển và thành phố khá thống nhất. Thành phố lại được điểm xuyết bởi những công trình kiến trúc quay ra biển.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng để tạo lập được thương hiệu, quy hoạch của thành phố phải hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên hơn nữa. Phải nhận thức được rằng, định hướng phát triển không gian đô thị sang Nhơn Hội là một thời cơ lớn nhưng nếu chúng ta làm không tốt thì cũng là một nguy cơ. Nên nhớ, đầm Thị Nại không phải là zero. Cần hạn chế thấp nhất sự can thiệp của con người vào cảnh quan đầm Thị Nại nếu không sẽ đi ngược lại xu hướng sinh thái hóa.

Đồng thời, thành phố phải có những công trình kiến trúc tạo thành điểm nhấn, điểm nhìn, những trục đường, một phối cảnh có duyên. Điều này thì Quy Nhơn vẫn thiếu. Nghĩa là vẫn thiếu một nét duyên đô thị. Chỉ khi nào tất cả những yếu tố trên gắn kết trong một tổng thể chung thì Quy Nhơn mới ghi vào bộ nhớ con người, trở thành một đô thị biển có thương hiệu.

* Quy Nhơn, Bình Định và cả miền Trung, không chỉ có núi, biển, mà còn có di sản. Là người làm "nghề di sản" (KTS Hoàng Đạo Kính nguyên là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin, hiện nay ông là Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia), ông đánh giá thế nào về vai trò của di sản trong việc tạo lập thương hiệu cho đô thị ?

- Bình Định đậm đặc di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Theo tôi, nếu Khánh Hòa đẹp về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan phong phú vào loại bậc nhất, thì Bình Định mạnh về tài nguyên di sản. Thứ nhất là di sản khảo cổ học tiền sử rồi văn hóa Champa. Thứ hai là di tích Quang Trung. Thứ ba là đặc trưng cộng đồng dân cư ở Bình Định khá rõ nét. Sự gắn bó, tự hào của người Bình Định về quê hương là rất rõ, rất hay và không phải nơi nào cũng có được. Tôi nghĩ rằng những nhân tố cấu thành di sản, bản sắc văn hóa này là tài nguyên tiềm năng để Bình Định không những có thể phát triển về công nghiệp, cảng thị, mà cả du lịch sinh thái, du lịch nhân văn.

* Xin cảm ơn KTS.

  • Lê Viết Thọ (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khoảng lặng trái tim của Phan Văn Thuần  (28/03/2006)
"Đầm Thị Nại là một tài sản quý của Quy Nhơn"  (24/03/2006)
Phát hiện 4 cặp phù điêu sư tử trên thân tháp Bình Lâm  (24/03/2006)
Thành lập Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Liên hoan thế giới võ thuật cổ truyền Việt Nam  (23/03/2006)
Trả lại tên cho làng  (22/03/2006)
Một cách tri ân những người giữ biển  (22/03/2006)
Xã hội hóa sân khấu: Sau 7 năm vẫn chỉ là chủ trương ?  (21/03/2006)
Xe ngựa mê ly ra đi mãi mãi  (20/03/2006)
Lão tướng Mịch Quang  (20/03/2006)
Một vài nhận xét ban đầu  (17/03/2006)
Cánh diều vàng 2005: nhiều cải tiến trong cơ cấu giải  (17/03/2006)
Chung một tấm lòng với sân khấu truyền thống  (17/03/2006)
Có một thành Chămpa bị quên lãng  (14/03/2006)
Sẽ được quản lý chặt hơn  (14/03/2006)
Lục Tiểu Phụng  (13/03/2006)