Bài chòi vốn là điệu dân ca quen thuộc của quê hương Bình Định. Bài chòi từng ru những người Bình Định từ những ngày thơ ấu. Và rồi trong những ngày chống Mỹ cứu nước, bài chòi cũng nằm trong hành trang lên đường chiến đấu những người nghệ sĩ - chiến sĩ của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bình Định.
|
Một ca cảnh diễn trên nền nhà dân, tại xã Hoài Châu, gần chốt địch ở Đồi Mười. Ảnh: TL
|
Những nghệ sĩ ấy, trong các tiết mục độc tấu nhỏ, đã dùng điệu bài chòi để ghi lại những ý nghĩ và tình cảm tốt đẹp của mình về quê hương, đất nước và con người Bình Định. Những câu bài chòi như Quê tôi sông núi điệp trùng/Biển dài sông rộng ruộng đồng phì nhiêu/Lụa Phú Phong dáng đẹp yêu kiều/Dừa Tam Quan ngọt nước càng yêu quê nhà/Đề Gi muối trắng chở ra/Cá cơm An Dũ đậm đà mắm ngon... (Bình Định quê tôi - Hoàng Lê) làm dấy lên trong lòng người tình yêu quê hương. Còn Bình An uất hận (Hoàng Ngọc Ẩn), Mối thù Tân Giản (vô danh) thì khơi dậy lòng căm thù quân xâm lược và lòng yêu quê hương xứ sở, yêu những người con ưu tú của nhân dân. Điều thú vị là những tiết mục độc tấu bài chòi này được sáng tác nhanh, có khi còn gắn với những sự kiện vừa diễn ra, nên dễ đi vào và có sức lay động lòng người mạnh mẽ.
Cùng với hành trình "cùng tiếng hát băng qua lửa đạn" của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bình Định, những tiết mục ấy qua tiếng hát của Hoàng Ngọc Ẩn, Mai Thanh Hồi, Xuân Mai... đã thực sự trở thành vũ khí. Đặc biệt là từ năm 1970 trở đi, Đoàn liên tục len lỏi vào vùng địch kêu gọi nhân dân phá khu dồn, trở về làng cũ, tố cáo tội ác của địch. Mỗi chuyến biểu diễn có thể được xem như một trận đánh, được tổ chức chặt chẽ giữa đoàn công tác với du kích địa phương, cơ sở hợp pháp, từ việc bố trí điểm diễn, rồi đường đi lối về, cả vị trí tập kết quân…
Bọn địch sợ vì các vở kịch, các bài hát như Người con gái An Nhơn, Mối thù Tân Giản, Gương sáng Cao Vinh (Quang Luận), Người Hoài Nhơn (Bình Thanh)… đã tưới dòng nước trong vào trong lòng binh sĩ địch để thức tỉnh lương tâm họ và góp phần làm tan rã hàng ngũ địch. Đồng chí Đinh Bá Lộc - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, từng kể câu chuyện về những lính Bảo an ngụy được cảm hóa bởi câu hát bài chòi mà trở về theo cách mạng. Đó là khi đoàn về diễn ở thôn Đồng Dụ (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn). Đêm đầu, một số lính Bảo an ở đồn Đồng Phó được dân câu móc đã cải trang đến xem. Đêm thứ hai, họ mang quà là đường, sữa, thuốc lá vào tặng Đoàn. Cũng trong đêm đó, số lính Bảo an này mang súng ra vùng giải phóng nộp cho cách mạng. Tin tới tai bọn chỉ huy, chúng điều cả tiểu đoàn đến bao vây, lùng sục, quyết bắt cho được văn công cộng sản, xem thế nào mà làm binh sĩ chúng rã ngũ.
Những tiết mục độc tấu bài chòi này sau đó đã được Văn nghệ Giải phóng Bình Định in thành tập, lấy tên là Bình Định quê tôi. Một số bài như Bình Định quê tôi, Bình An uất hận cũng đã được các nghệ sĩ trẻ hôm nay của Đoàn Ca kịch Bài chòi biểu diễn lại trong các chương trình khác nhau. Dẫu vậy, tôi vẫn ước mong một ngày, những tiết mục ghi dấu những tháng năm hào hùng của đất và người Bình Định trong chiến tranh này sẽ được biểu diễn và thu âm lại trọn vẹn vào một đĩa CD. Đó là kỷ vật, cũng là món quà ý nghĩa tặng cho du khách khi một lần ghé thăm và cảm mến với điệu bài chòi mang nặng tâm hồn, cốt cách con người Bình Định.
|