Kỷ niệm 5 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1-4-2001 – 1-4-2006)
Nhớ Trịnh Công Sơn giữa đất Quy Nhơn
14:41', 31/3/ 2006 (GMT+7)

Tháng tư này, Trịnh Công Sơn trở về với "Cát bụi" tròn 5 năm. Khoảng thời gian chưa phải là dài để người yêu nhạc nguôi ngoai nỗi đau mất anh. Sinh năm 1939, tại Buôn Mê Thuột, nhưng cuộc đời của anh hầu hết gắn bó với Huế và Sài Gòn, say mê âm nhạc từ nhỏ, với bản "Ướt mi" - sáng tác đầu tay của anh, sau đó là những tình khúc buồn ra đời ở lứa tuổi 17, 18. Nhưng tài năng của anh chín rộ từ cảnh đất nước chiến tranh, bước chân của anh hòa cùng với bước chân của thế hệ trẻ ở các đô thị miền Nam vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Trịnh Công Sơn thao thức với "Kinh Việt Nam" và những "Ca khúc da vàng" - dĩ nhiên anh tham gia ở đây với vai trò là người nghệ sĩ. Anh có mặt trong "những đêm không ngủ", trong những ngày "hát cho dân tôi nghe". Tiếng đàn và lời ca của anh vang lên trên giảng đường đại học Văn khoa, ký túc xá Nam Giao (Huế) những năm 1966-1967, với những ca khúc "Người con gái Việt Nam", "Đồng dao hòa bình", "Nối vòng tay lớn"…

 

                                 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 

Song lòng anh vẫn sáng lên một niềm tin ở tương lai, rồi đây đất nước sẽ thanh bình và quê hương sẽ tươi đẹp: "Mầm hòa bình nở trên đời dân khốn khó. Cùng đứng lên ta đi dựng căn nhà tự do". Nghe nhạc anh hay đọc thơ anh, ta nghe những lời mộc mạc như cây thơm, như quả dại; phóng khoáng như nắng gió; nhẹ nhàng như mây trôi; êm ái như làn hơi hay lời tâm tình của người con gái, và cũng như chính cuộc đời anh vậy! "Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng… Em là tôi tôi cũng là em."

Tôi có những người thầy là những người lính bước qua bom đạn chiến tranh, rồi trở thành giảng viên đại học, yêu và hiểu khá về dòng nhạc phản chiến của anh. Sau mỗi tiết dạy, các thầy thường ra quán cà phê, gõ phách bằng những ngón tay gầy theo giai điệu của "Một cõi đi về": "Mây che trên đầu và nắng trên vai, đôi chân ta đi sông còn ở lại. Con tim yêu thương vô tình chợt gọi, lại thấy trong ta hiện bóng con người…". Mỗi lần nghe như vậy, tôi như nhận ra mối giao cảm giữa Trịnh và Quy Nhơn, giữa Trịnh và trường Sư phạm Quy Nhơn (nay là Đại học Quy Nhơn). Ở nơi ấy có mái trường ngày xưa anh từng học, có con đường mà anh vẫn lang thang, có góc phố thân quen hay quán cà phê tri kỷ, nơi anh đã gặp và trao những hương tình nồng say trên những khuôn nhạc với những người bạn, người em và cũng là người tình "Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hàng liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya…".

Trịnh Công Sơn quan niệm, cuộc đời là quán trọ và Quy Nhơn cũng là một quán trọ như bao lữ quán khác trên bước đường lãng du của mình "Tôi nay làm quán trọ để em ghé bên đường…" "Tôi nay ở trọ trần gian - trăm năm về chốn xa xăm cuối đời…". Nhưng những người mến mộ anh phải cảm ơn quán trọ bên "Biển nhớ" này, vì đó là nguồn cảm hứng cho bao ca khúc bất tử. Vang đâu đây, nơi sóng biển Quy Nhơn vẫn dạt dào, con đường nhỏ vẫn lao xao hàng cây, lá rụng, những gác trọ vẫn đơn sơ trống quạnh với bóng ai đó vẫn ôm đàn cất lên những giai điệu nồng ấm, da diết yêu thương.

Tháng tư này, người ta lại nhớ đến anh, Quy Nhơn lại nhớ đến anh, mái trường xưa cũng nhớ đến anh.

  • Hải Hoàng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu bài chòi trở thành vũ khí  (31/03/2006)
Kết thúc đợt lưu diễn ở các huyện phía bắc tỉnh  (30/03/2006)
Quy Nhơn đã có dấu hiệu của một đô thị có thương hiệu  (30/03/2006)
Khoảng lặng trái tim của Phan Văn Thuần  (28/03/2006)
"Đầm Thị Nại là một tài sản quý của Quy Nhơn"  (24/03/2006)
Phát hiện 4 cặp phù điêu sư tử trên thân tháp Bình Lâm  (24/03/2006)
Thành lập Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Liên hoan thế giới võ thuật cổ truyền Việt Nam  (23/03/2006)
Trả lại tên cho làng  (22/03/2006)
Một cách tri ân những người giữ biển  (22/03/2006)
Xã hội hóa sân khấu: Sau 7 năm vẫn chỉ là chủ trương ?  (21/03/2006)
Xe ngựa mê ly ra đi mãi mãi  (20/03/2006)
Lão tướng Mịch Quang  (20/03/2006)
Một vài nhận xét ban đầu  (17/03/2006)
Cánh diều vàng 2005: nhiều cải tiến trong cơ cấu giải  (17/03/2006)
Chung một tấm lòng với sân khấu truyền thống  (17/03/2006)