NSND Đặng Hùng:
"Sáng tạo nghệ thuật phải gắn liền với cội nguồn và bản sắc văn hóa dân tộc"
16:5', 3/4/ 2006 (GMT+7)

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Bình Định, NSND Đặng Hùng bước vào nghệ thuật bằng nghề diễn viên múa trước khi trở thành nhà lí luận, biên đạo múa hàng đầu Việt Nam. Là chuyên gia phục chế những bức tranh dân gian bằng ngôn ngữ múa, gần 20 năm, ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để "hồi sinh" các điệu múa Chăm vốn chỉ được người đời nay hình dung qua những bức tuợng đá cổ…

- Trước khi lên tàu tập kết ra Bắc, ông đã là người Bình Định như thế nào?

 

Múa "Khát vọng" - một trong những tiết mục múa chăm hay nhất của NSND Đặng Hùng - Huy chương vàng toàn quốc năm 1985

 

+ Tôi sinh ra tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Cha mẹ tôi làm nghề may và buôn bán nhỏ, có tới tám đứa con nên đời sống khá chật vật. Học hết lớp bốn, tôi phải nghỉ ở nhà giúp mẹ buôn bán hàng xáo, lên rừng lấy củi, đi xe bò, khuân vác ở bến xe. Ban đêm thì đi học võ, tôi học võ ta lẫn đấu bốc (boxing). Năm 16 tuổi, tôi đã bắt đầu thượng đài đánh cặp ăn tiền cùng võ sư Kim Sơn (người sau này đã mở lò võ rất nổi tiếng ở Qui Nhơn).

Việc gắn bó với nghề múa có lẽ là do duyên phận. Năm 1954 đình chiến, Đoàn văn công Liên khu 5 tuyển diễn viên múa đưa ra Bắc học. Tôi vốn đi du kích thời chín năm chống Pháp, sợ ở lại bị địch bắt bớ, cha tôi khuyên nên đi dự tuyển văn công để nếu đậu được ra Bắc học hành. Nghe lời cha, tôi cũng chỉ tính xuống dự tuyển chơi ai ngờ trúng tuyển thiệt. Tôi vẫn còn mãi ấn tượng về ngày ra đi, trời mưa tầm tã, khi tôi đã đi được nửa chiếc cầu phao Bồng Sơn để sang sông thì cha tôi chạy theo đưa cho cái áo tơi và bảo: "Con đeo cái tơi vào chứ không mưa ướt". Nhà nghèo, tôi đã đi tập kết cùng với cái tơi tràn đầy tình thương của người cha mà đâu có ngờ rằng, cuộc chia ly kéo dài đến mấy chục năm trời…

- Ông là một trong những người tham gia lớp múa đầu tiên của Việt Nam do chuyên gia Triều Tiên giảng dạy, sau đó, ông lại được tiếp tục cử đi tu nghiệp về múa ở nhiều nước. Những năm tháng du học đó đã ảnh hưởng như thế nào đến việc định hình phong cách múa của bản thân ông?

Lúc mới ra Bắc, tôi được phân về làm diễn viên của Đoàn văn công Liên khu 5. Thời gian này, tôi đã được các nghệ nhân tuồng bậc thầy trong đoàn chỉ dạy cặn kẽ về nghệ thuật múa tuồng. Năm 1958, khi được cử đi học lớp múa đầu tiên  của Việt Nam do chuyên gia người Triều Tiên Chu Huệ Đức trực tiếp giảng dạy, bên cạnh việc tiếp thu rất tốt, tôi còn truyền dạy lại nghệ thuật múa cổ điển rút từ tuồng cổ cho lớp học này. Năm 1962, tôi tốt nghiệp lớp đại học về biên đạo múa của tổng cục chính trị, cũng do chuyên gia người Triều Tiên giảng dạy. Sau đó, tôi được cử đi tu nghiệp về múa dân gian ở Trung Quốc (1964) và múa hiện đại ở Bulgari (1981). Dù được đào tạo chính quy ở nước ngoài nhưng sáng tạo nghệ thuật của tôi hoàn toàn gắn liền với cội nguồn, với bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi đã hình thành được một phong cách múa đa dạng cho mình trên cơ sở chắt lọc cái mới, cái lạ của người để kết hợp với tinh hoa văn hóa của ta.

- Được biết, trên cơ sở múa tuồng, ông đã dựng nên tác phẩm "Tuần đuốc" và "Con ngựa bất kham" vang danh thế giới. Ông có thể cho biết đôi nét về hai vở múa này?

NSND Đặng Hùng

Cuộc đời tôi có hai việc mà tôi cảm thấy thỏa mãn nhất. Đó là xây dựng hệ thống múa cổ điển từ cơ sở tuồng cổ và nghiên cứu khai thác nền văn hóa Chăm. Tôi dựng vở "Tuần đuốc" khi vừa tốt nghiệp lớp biên đạo múa quân đội, trên cơ sở câu chuyện "Mạnh Lương bắt ngựa" của tuồng. Vở "Tuần đuốc" đã đem đến cho tôi tấm huy chương Vàng đầu tiên tại Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới năm 1962 (tại thủ đô Helsinki, Phần Lan) và đoạt luôn tấm huy chương Vàng Hội diễn văn nghệ toàn quốc cũng trong năm này. Riêng đối với "Con ngựa bất kham"  trong Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới năm 1968 (ở Sofia, Bulgari), lại là một dấu ấn đáng nhớ trong giai đoạn làm diễn viên của tôi. Liên hoan có 143 nuớc tham dự, Đoàn văn công quân giải phóng miền Nam do nhạc sĩ Xuân Hồng dẫn đầu. Tôi được gọi tham dự khi thời gian chỉ còn ba ngày nữa là khai mạc, trong khi tác phẩm lại chưa có sẵn. Tôi suy tính mãi. Chợt trong đầu gợi mở một ý đồ muốn thông qua tác phẩm để khẳng định con người có thể chinh phục được tất cả. Soạn hành trang lên máy bay, tôi tiếp tục suy nghĩ về bố cục tác phẩm. Vừa xuống máy bay, nghỉ ngơi được vài tiếng đồng hồ, tôi vào tập ngay. Sau đó, "Con ngựa bất kham" đăng kí thi hệ solo, tức múa một người. Năm ấy tôi tròn ba mươi hai tuổi, sức lực dồi dào, nên sử dụng kĩ thuật kĩ xảo tuồng rất điêu luyện. Hôm phát thưởng, thật bất ngờ, ban tổ chức công bố "Con ngựa bất kham" đạt huy chương Vàng. Bạn bè các nước đến công kênh tôi reo hò mừng rỡ. Lúc đó họ mê Việt Nam lắm. Tôi đang mặc trong mình bộ quân phục của giải phóng quân miền Nam, thật sung sướng tự hào.

- Ông đến với những điệu múa Chăm từ khi nào, những ngày đầu bước chân vào nghiên cứu văn hóa Chăm, ông có gặp phải khó khăn gì không?

Tôi đến với văn hóa Chăm khi được phân công về xây dựng lại đoàn văn công Chăm Thuận Hải sau giải phóng. Nhưng thực ra múa Chăm đã manh nha trong tôi từ khi còn ở Hà Nội, lúc đó tôi đã dựng vở múa Chăm đầu tiên mang tên "Phiên chợ Chăm Pa" (1969). Trên cơ sở tái tạo lại những phiên chợ của người Chăm trên đất Bình Định, hồi nhỏ tôi hay đi xem những phiên chợ người Chăm. Khi về Thuận Hải, bước đầu xâm nhập vào đời sống văn hóa của đồng bào Chăm ở đây thật không dễ, bởi họ vẫn còn nhiều e dè và giữ khoảng cách với ngươì Kinh mình. Tôi cố gắng len lỏi vào trong đồng bào người Chăm bằng cách cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ. Dần dần quen thuộc như người nhà, được họ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để nghiên cứu văn hóa Chăm. 

 

Tiết mục múa "Tuần đuốc" 1962 do NSND Đặng Hùng (người nằm dưới) và nghệ sĩ Phó Anh Nghiêm biểu diễn

 

- Công việc "khai quật" văn hóa Chăm của ông đã được tiến hành cụ thể ra sao?

NSND Đặng Hùng sinh năm 1936, hiện là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM. Hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật múa, ông đã có được cả trăm huy chương vàng và bạc qua các hội diễn trong nước và quốc tế. Năm 1998, ông được nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng nhất bởi những đóng góp cho nghệ thuật múa. Ông còn đúc kết tài liệu, nghiên cứu, xuất bản hai cuốn sách có giá trị: "Bước đầu tìm hiểu múa cung đình Chăm" (1998) và "Phương pháp sáng tác múa" (2001) và tham gia hướng dẫn cho lớp đại học, trung cấp biên đạo múa.

Những pho tượng Chăm vốn nằm yên gần muời hai thế kỷ. Để làm nó sống lại, tôi phải ngược trở về tìm hiểu lịch sử dân tộc Chăm. Tôi đã có mặt ở Mỹ Sơn, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Châu Đốc, Tây Ninh…để nghiên cứu các tượng, các tháp, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Chăm cũng như những dấu vết liên quan đến múa cung đình Chăm…Vừa làm vừa thể nghiệm vừa đúc kết qua chặng đuờng mười bảy năm, tôi đã giải mã được sự bí ẩn về những điệu múa cung đình tưởng chừng như đã mất, phả vào đó một sức sống mới, chuyển động mới để hồi sinh. Lúc bây giờ, các đoàn văn công Chăm luôn mời tôi về dàn dựng múa Chăm. Nhiều người còn gắn cho tôi những biệt danh thân thương như "thần Chăm", "người đã thức tỉnh các pho tượng Chăm"…

- Từng nhiều lần về tham gia làm tổng đạo diễn dàn dựng các chương trình lớn ở quê hương: Lễ hội Quy Nhơn 396 năm, Lễ hội đón thiên niên kỉ mới, Lễ hội kỉ niệm 210 năm và 215 năm Đống Đa – Tây Sơn, ông có nhận xét như thế nào về trình độ diễn viên múa của Bình Định hiện nay?

Theo tôi, Bình Định là nơi có phong trào văn nghệ quần chúng, múa quần chúng tốt. Bình Định đã có được một lực lượng diễn viên và biên đạo múa  được đào tạo bài bản và có trình độ vượt trội so với một số địa phương khác. Thật đáng tiếc kể từ khi tách tỉnh, đoàn văn công chuyên nghiệp của tỉnh không còn tồn tại. Chính vì vậy, một số diễn viên múa tài năng không còn môi trường thuận lợi để bộc lộ được năng lực của mình thông qua việc phô diễn những kỹ năng, kĩ xảo cao nhất dẫn đến việc phát triển nghệ thuật múa ở Bình Định còn nhiều hạn chế… Tôi nghĩ muốn khôi phục nghệ thuật múa ở Bình Định, việc cần làm nhất là phải thành lập lại một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Đoàn nghệ thuật này không nhất thiết phải giống các địa phương khác, chẳng hạn có thể rút từ vũ đạo của tuồng cổ để thành lập hẳn một đoàn nghệ thuật mang đặc trưng riêng của Bình Định. Các diễn viên của đoàn phải được đào tạo từ nhỏ, khi xuất hiện sẽ chuyên trình diễn những động tác múa cổ điển rút từ tuồng cổ. Tôi tin rằng nếu được quan tâm đúng mức, múa cổ điển ở Bình Định sẽ phát huy được tiềm năng to lớn của mình, trở thành một loai hình nghệ thuật độc đáo  của quê hương mà không địa phương nào trong cả nước có thể theo kịp.

  • Hoài Thu (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ Trịnh Công Sơn giữa đất Quy Nhơn  (31/03/2006)
Câu bài chòi trở thành vũ khí  (31/03/2006)
Kết thúc đợt lưu diễn ở các huyện phía bắc tỉnh  (30/03/2006)
Quy Nhơn đã có dấu hiệu của một đô thị có thương hiệu  (30/03/2006)
Khoảng lặng trái tim của Phan Văn Thuần  (28/03/2006)
"Đầm Thị Nại là một tài sản quý của Quy Nhơn"  (24/03/2006)
Phát hiện 4 cặp phù điêu sư tử trên thân tháp Bình Lâm  (24/03/2006)
Thành lập Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Liên hoan thế giới võ thuật cổ truyền Việt Nam  (23/03/2006)
Trả lại tên cho làng  (22/03/2006)
Một cách tri ân những người giữ biển  (22/03/2006)
Xã hội hóa sân khấu: Sau 7 năm vẫn chỉ là chủ trương ?  (21/03/2006)
Xe ngựa mê ly ra đi mãi mãi  (20/03/2006)
Lão tướng Mịch Quang  (20/03/2006)
Một vài nhận xét ban đầu  (17/03/2006)
Cánh diều vàng 2005: nhiều cải tiến trong cơ cấu giải  (17/03/2006)