Vùng đất nam Tây Nguyên của các dân tộc thiểu số bản địa với đại diện là người Mạ còn là địa vực cư trú của một số tộc người thiểu số duyên hải với đại diện là người Churu - nhóm người “ly khai” cộng đồng Chăm để tiến về phía núi. Qua quá trình cộng cư, nền văn hóa của hai nhóm dân này đã diễn ra hiện tượng “đóng băng trên biên” tất yếu, nhưng đồng thời “tính bảo thủ ngoài biên giới” cũng được thể hiện khá rõ nét. Trong đó, văn hóa cồng chiêng là một ví dụ.
|
Trình diễn trong đêm đón bằng công nhận danh hiệu “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được tổ chức tại Pleiku cuối tháng 3.2006, người Churu Lâm Đồng cũng chỉ “ra mắt” nét đặc sắc của chiêng ba, trong khi chiêng năm thì vẫn đang còn “ẩn” ở buôn làng.
|
Xét về lịch sử, “Churu” là một khái niệm của người vùng cao nam Tây Nguyên dùng để chỉ một bộ phận người Chăm ly khai tiến về phía núi - “Churu” có nghĩa là “chiếm đất”. Cho đến lúc này, bộ phận người Chăm “ly khai” nọ đã trở thành một tộc người thiểu số có địa bàn cư trú lân cận và trùng khớp với cộng đồng người Mạ, người Cơho nam Tây Nguyên. Và ở đó, các yếu tố về văn hóa, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng, của hai cộng đồng người thuộc hai ngữ hệ Môn Khơme và Mã Lai Đa Đảo đã phát triển theo quy luật của nó, và hiện tượng tất yếu diễn ra như trên đã nói là: “tính bảo thủ ngoài biên giới” và hiện tượng “đóng băng trên biên”.
Trong hồ sơ “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được Hội đồng quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam hoàn tất trình lên UNESCO hồi cuối năm 2004, cồng chiêng Churu nam Tây Nguyên là một bộ phận cấu thành (cùng với cồng chiêng Mạ của nam Tây Nguyên và cồng chiêng của các dân tộc thiểu số bắc Tây Nguyên). Tất nhiên UNESCO đã xét và công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại; nhưng theo tôi (người viết bài này), nếu các nhà văn hóa thực hiện hồ sơ đề nghị chu đáo hơn khi ghi nhận về văn hóa cồng chiêng Churu nam Tây Nguyên thì tin chắc rằng tính thuyết phục của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ cao hơn.
Theo phần hồ sơ văn hóa cồng chiêng Mạ và Churu mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, các nhà làm văn hóa đã bỏ qua “ đặc tính bảo thủ ngoài biên giới” của văn hóa cồng chiêng Churu trong mối quan hệ văn hóa cồng chiêng nam Tây Nguyên; đồng thời chưa làm rõ những giá trị của hiện tượng “đóng băng trên biên” trong mối quan hệ văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số thuộc hai ngữ hệ Mã Lai Đa Đảo (đại diện là Churu) và Môn Khơme (Mạ).
Ở cộng đồng người Churu, cồng chiêng được chia thành 3 loại chủ yếu: sạr rngăm (chiêng sáu), sạr atâu (chiêng ba) và sạr dâu (chiêng hai). Trong các nhóm tộc người thuộc hai ngữ hệ Môn Khơ me và Mã Lai Đa Đảo ở nam Tây Nguyên, các nhà làm văn hóa địa phương và trung ương đã chọn hai sắc dân Mạ (Môn Khơme) và Churu (Mã Lai Đa Đảo) để lập hồ sơ văn hóa cồng chiêng trình UNESCO là một cách chọn đúng. Nhưng, khi cụ thể những giá trị cồng chiêng của nhóm dân Churu trong hồ sơ thì họ đã bỏ qua những giá trị căn bản nhất: tính bảo thủ ngoài biên giới và hiện tượng đóng băng trên biên.
Trong việc lập hồ sơ cồng chiêng Churu, các nhà làm văn hóa chỉ chủ yếu khẳng định giá trị của bộ chiêng ba - sạr atâu (chiêng dành cho người chết), gần như chưa lưu tâm đến bộ chiêng sáu (sạr rngăm). Trong khi đó, theo tôi, cũng như trong tầm văn hóa của người Churu chính bộ sạr rngăm mới là nét độc đáo nhất của cộng đồng người Churu.
|
Cộng đồng người Churu trong lễ hội đón bằng di sản thế giới tại đường phố Pleiku ngày 26.3.2006.
|
Bởi lẽ, ngay tại cộng đồng người Chăm (nguồn gốc của người Churu), bộ chiêng sáu chiếc hầu như không được lưu hành. Trong khi đó, quá trình di cư về phía núi và sống cùng với cộng đồng nguời Cơho và người Mạ bản địa, bộ phận người Chăm di cư nay là người Churu đã tiếp nhận bộ chiêng 6 chiếc và đặt cho nó tên gọi mới là “sạr rngăm”. Với người Mạ và người Cơho bản địa, linh hồn văn hóa cồng chiêng là bộ chiêng sáu chiếc có tên gọi “ching droòng”. Với người Mạ và Cơho, ching droòng (cùng với nhiều nhạc cụ khác) có nét độc đáo và rất đặc trưng là cao độ của chiếc chiêng không nằm trong hệ thống bình quân luật của âm nhạc phương Tây.
Trong khi đó, người Churu tuy đã tiếp nhận bộ chiêng sáu chiếc nhưng hoàn toàn không tiếp nhận “nốt có cao độ không nằm trong hệ thống bình quân luật” của người Mạ và người Cơho. Và với bộ sạr rngăm, người Churu chỉ dùng để diễn tấu những bài bản gần gũi với giàn chiêng arạp - chiêng gốc của người Chăm, tộc người gốc của người Churu. Như đã trình bày ở trên, ta đã thấy tính bảo thủ ngoài biên giới. Đồng thời, bộ chiêng gồm sáu chiếc với hai tên gọi (ching droòng và sạr rngăm) của tộc người Mạ và tộc người Churu cũng chính là hiện tượng “đóng băng trên biên” trong quá trình cộng cư giữa các dân tộc này.
Giao lưu, tiếp nhận và sử dụng các giá trị văn hóa của nhau nhưng vẫn "bảo thủ" (hay nói để dễ thông cảm hơn là tiếp nhận cái mới những vẫn giữ gìn tinh hoa của mình). Tiếp nhận có mức độ, xác lập những đường biên để nhận diện Churu - Cơho - Mạ và không xóa nhòa những đặc trưng ấy cũng là một cách giữ gìn sự đa dạng bản sắc văn hóa. Hai đặc trưng này không phải dân tộc nào, tộc người nào cũng đủ bản lĩnh làm được.
Một nét độc đáo về mối quan hệ văn hóa cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc thiểu số nam Tây Nguyên đã bị bỏ qua trong quá trình lập hồ sơ trình UNESCO như trên vừa phân tích, kể ra cũng thật đáng tiếc. UNESCO đã công nhận không có nghĩa chúng ta bằng lòng với việc một phần giá trị quý báu của văn hóa cồng chiêng bị để ngoài các hồ sơ bảo tồn bảo tàng. Người viết cũng mong được lắng nghe các ý kiến trao đổi thêm.
|