Trịnh Công Sơn với Quy Nhơn
14:32', 4/4/ 2006 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1.4.2001 - 1.4.2006), Báo Bình Định khởi đăng tư liệu về quãng thời gian 2 năm Trịnh Công Sơn theo học tại Trường Sư phạm Quy Nhơn (1962-1964). Những tư liệu này được chúng tôi tổng hợp từ các bài viết đã công bố của Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường… cộng với hồi ức của những người có dịp quen biết Trịnh Công Sơn hiện còn sống ở Quy Nhơn…

Kỳ I: Bước lãng du của một "tâm hồn cô độc"

Năm 1962, Trịnh Công Sơn vào Quy Nhơn, theo học Trường Sư phạm Quy Nhơn, khóa đầu tiên. Trong số khoảng 300 giáo sinh đậu vào khóa này, khoảng 60% là người Huế, còn lại rải rác các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum... Đa số giáo sinh lúc ấy đều là con nhà nghèo, không đủ khả năng vào Sài Gòn hoặc ra Huế theo học Đại học. Họ cố thi vào sư phạm để chắc chắn trong hai năm sẽ có công ăn việc làm nuôi bản thân và giúp gia đình.

 

     Trịnh Công Sơn thời kỳ ở Quy Nhơn. Ảnh: Tư liệu N.Đ.X

 

Trịnh Công Sơn cũng vậy. Gia cảnh lúc ấy của gia đình ông khá khó khăn. Cha mất sớm. Một mình người mẹ không đủ sức cáng đáng cả gia đình. Gia đình ông phải sang căn nhà ở Ngã Giữa (đường Phan Bội Châu, thành phố Huế) và thuê một căn hộ nhỏ trước nhà thờ Phủ Cam để ở. Đồng thời, bản thân Trịnh Công Sơn lại thường xuyên bị đe dọa "động viên". Vào Quy Nhơn học, với Trịnh Công Sơn như một giải pháp để vừa tránh chuyện đi lính, vừa lo kiếm sống cho bản thân.

Vào Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn cùng hai người bạn khác cũng từ Huế vào là Trương Văn Thanh và Hồ Quang Hải thuê chung một phòng trọ ở số 70 đường Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn). Ở chung một thời gian, Trịnh Công Sơn dọn sang ở nhà một người bà con gần rạp Kim Khánh.

Hai năm ở Quy Nhơn là quãng thời gian Trịnh Công Sơn sáng tác nhiều. Ngồi uống rượu, hút thuốc bên bờ biển, anh dùng que diêm chấm mực kẻ khuôn nhạc trong vỏ bao thuốc lá và viết nhạc. Viết xong bài nào lại đưa cho Ban Văn nghệ trong trường xướng âm, hát ngay bài đó.

Theo nhận xét của nhà thơ Lê Văn Ngăn, một người bạn quen biết Trịnh Công Sơn, thì: cái "tật" của Trịnh Công Sơn là thích tìm cái riêng mình, cái tĩnh lặng trong cái ồn ào. Ông hay ghé quán cafe để lặng lẽ trầm tư bên ly cafe đen, bao thuốc lá. Và có lẽ, chính từ những phút giây như vậy, vang vọng vào hồn ông thành những giai điệu, ca từ. Quán cafe ông hay ghé đến nhất là Tuyết Trắng, nằm bên hông Hội trường Quy Nhơn hiện nay. Trịnh Công Sơn thường ngồi nhìn ra cửa sổ. Ở đó, khi ấy chỉ có bãi hoang đầy cát và những mái nhà phía xa. Hay thỉnh thoảng, ông lại lang thang trên đường phố Quy Nhơn một mình, rồi một mình đánh billard trên đường Võ Tánh (đường Lê Hồng Phong hiện nay). Ngày đến Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn tuy đã viết một số bài hát nhưng những bài hát này chưa phổ biến nhiều và tác giả của nó hãy còn là một giáo sinh như bao giáo sinh Huế khác. Có khác chăng chỉ là niềm mê say với những thanh âm. Ngày đó, các nhạc sĩ ở Quy Nhơn thi thoảng vẫn tổ chức những chương trình văn nghệ. Trịnh Công Sơn thường tới dự. Một lần, sau khi nghe những bài hát của các bậc đàn anh, Trịnh Công Sơn xin phép được hát một bài của mình. Các đàn anh chuẩn bị tâm thế để góp ý cho cậu giáo sinh mới viết ca khúc này. Không ngờ, khi nghe hát xong Ướt mi, họ ngồi lặng đi, có người từ đó về sau không "dám" viết tình ca nữa.

(Còn nữa)

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thông báo cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc cuộc sống"  (04/04/2006)
Bàn thêm về giá trị văn hóa cồng chiêng: Đừng bỏ quên giá trị độc đáo này  (04/04/2006)
Hội VH-NT tỉnh: Tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật - 2006  (04/04/2006)
Phạm Văn Ký - một số phận văn chương "mất nơi ở"   (02/04/2006)
"Sáng tạo nghệ thuật phải gắn liền với cội nguồn và bản sắc văn hóa dân tộc"   (03/04/2006)
Nhớ Trịnh Công Sơn giữa đất Quy Nhơn  (31/03/2006)
Câu bài chòi trở thành vũ khí  (31/03/2006)
Kết thúc đợt lưu diễn ở các huyện phía bắc tỉnh  (30/03/2006)
Quy Nhơn đã có dấu hiệu của một đô thị có thương hiệu  (30/03/2006)
Khoảng lặng trái tim của Phan Văn Thuần  (28/03/2006)
"Đầm Thị Nại là một tài sản quý của Quy Nhơn"  (24/03/2006)
Phát hiện 4 cặp phù điêu sư tử trên thân tháp Bình Lâm  (24/03/2006)
Thành lập Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Liên hoan thế giới võ thuật cổ truyền Việt Nam  (23/03/2006)
Trả lại tên cho làng  (22/03/2006)
Một cách tri ân những người giữ biển  (22/03/2006)