Trịnh Công Sơn với Quy Nhơn
Kỳ II: Sơn đại ca: biệt danh và một tình bạn
7:29', 11/4/ 2006 (GMT+7)

Trong câu chuyện người Quy Nhơn về Trịnh Công Sơn, vẫn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc biệt danh Sơn đại ca của ông. Câu chuyện do nhà thơ Lê Văn Ngăn kể lại với chúng tôi. Rằng hồi đó, Trịnh Công Sơn thường ra ngồi trầm tư ở quán Tuyết trắng. Một đại ca của Quy Nhơn khi ấy là Thành đầu bò thấy ngứa con mắt, nên sai đàn em tới lột kính Trịnh Công Sơn. Hôm sau, khi biết người đó chính là tác giả của ca khúc Diễm xưa mà mình vẫn ái mộ, Thành đầu bò bèn mời Trịnh Công Sơn ra quán cafe, kêu một ly đen, một gói Bastos xanh mời Trịnh Công Sơn và trước sự chứng kiến của đàn em, Thành đầu bò tuyên bố rất phục tác giả bài hát Diễm xưa và thấy hổ thẹn vì cử chỉ vô lễ hôm qua. Thành đầu bò trịnh trọng tuyên bố: Từ nay Trịnh Công Sơn là Đại ca Sơn của Thành đầu bò.

 

Trịnh Công Sơn cùng các bạn giáo sinh sư phạm Quy Nhơn. Ảnh NĐX sưu tầm

 

Lần tìm mãi, qua ba, bốn người trung gian, tôi mới tìm được địa chỉ chính xác của Thành đầu bò. Tiệm sửa xe máy nhỏ nằm đầu đường Nguyễn Thái Học, một người đàn ông trên dưới 60 đang mải miết… bóc vỏ bắp để nấu chè. Đó chính là Thành đầu bò năm xưa.

Thành đầu bò, có biệt danh như vậy bởi một thời, ông từng là tay đưa bóng bằng đầu khá điêu luyện trong bóng đá phong trào ở Bình Định trước năm 1975. Lê Văn Thành - đó mới chính là tên thật của ông. Nghe tôi hỏi lại chuyện xưa, ông chỉ cười: cũng là sự tam sao thất bản do truyền tụng. Chuyện ông quen và chơi với Trịnh Công Sơn là có thật. Nhưng hồi đó, Trịnh Công Sơn mới vào Quy Nhơn, cũng chỉ là một giáo sinh chưa mấy tên tuổi, nên chuyện ông ái mộ Trịnh Công Sơn từ trước là không có. Còn nguồn gốc câu chuyện lại khác. Chẳng là hồi ấy, con trai Bình Định rất ghét nam giáo sinh Huế bởi một số giáo sinh Huế vẫn cứ tự đắc rằng mình vào đây là đem văn minh đến cho Quy Nhơn. Thành đầu bò khi đó đang học trường Cường Để, cũng là một trong những tay "chơi bời" có tiếng ở Quy Nhơn, đã cùng một số anh em khác, một buổi tối, tổ chức phục kích để khiêu khích và đánh nhau với giáo sinh Huế. Sau đó, Trịnh Công Sơn tìm gặp Thành đầu bò và giải thích phải trái. Rằng trong số những giáo sinh Huế thì cũng có người này người nọ, không phải ai cũng nói như vậy cả. Lý lẽ xác đáng, cách nói chững chạc của Trịnh Công Sơn đã thuyết phục được nhóm của Thành đầu bò, chấm dứt mối hiềm khích giữa giáo sinh Huế với thanh niên Quy Nhơn.

Cũng từ đó, những ngày rỗi, Thành đầu bò thường cùng bạn bè tụ tập nơi Ngã tư "quốc tế" (ngã tư Trần Hưng Đạo - Mai Xuân Thưởng hiện nay), gần phòng trọ của Trịnh Công Sơn và mời Trịnh Công Sơn đi uống cafe, đánh billard.

Sau này, khi Trịnh Công Sơn ghé về Quy Nhơn, vẫn có ý tìm người bạn cũ, nhưng không ai biết địa chỉ. Một lần khác, Trịnh Công Sơn tình cờ gặp lại Thành đầu bò nơi góc đường gần bến xe Quy Nhơn cũ trên đường Trần Hưng Đạo. Thời gian đã qua, ông Thành không muốn nhắc nhiều đến những chuyện cũ, bởi ông ngại cái tiếng thấy người sang… "Người nhạc sĩ ấy phong trần lắm. Mình thì ham chơi quá nên cũng ít thân, nhưng thâm tâm mình rất mê những bài hát và quý tính cách con người của anh Sơn"- ông Thành nói.

  • Lê Viết Thọ

Kỳ III: Lãng du cùng Tiếng hát Dã Tràng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiến hành khai quật khảo cổ học tại di tích Tháp Cánh Tiên  (07/04/2006)
"Biển nhớ" tên anh gọi về  (06/04/2006)
Trịnh Công Sơn với Quy Nhơn  (04/04/2006)
Thông báo cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc cuộc sống"  (04/04/2006)
Bàn thêm về giá trị văn hóa cồng chiêng: Đừng bỏ quên giá trị độc đáo này  (04/04/2006)
Hội VH-NT tỉnh: Tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật - 2006  (04/04/2006)
Phạm Văn Ký - một số phận văn chương "mất nơi ở"   (02/04/2006)
"Sáng tạo nghệ thuật phải gắn liền với cội nguồn và bản sắc văn hóa dân tộc"   (03/04/2006)
Nhớ Trịnh Công Sơn giữa đất Quy Nhơn  (31/03/2006)
Câu bài chòi trở thành vũ khí  (31/03/2006)
Kết thúc đợt lưu diễn ở các huyện phía bắc tỉnh  (30/03/2006)
Quy Nhơn đã có dấu hiệu của một đô thị có thương hiệu  (30/03/2006)
Khoảng lặng trái tim của Phan Văn Thuần  (28/03/2006)
"Đầm Thị Nại là một tài sản quý của Quy Nhơn"  (24/03/2006)
Phát hiện 4 cặp phù điêu sư tử trên thân tháp Bình Lâm  (24/03/2006)