Ba mươi năm trước, sau khi đọc Trầm Hương Các, do nhận ra điều gì đó làm cho cụ Đào khác với các tác giả đương đại, tôi đã mạnh dạn viết một bài báo để góp phần tôn vinh một tài năng dám "mượn chuyện xưa nói chuyện nay" một cách ngọt ngào. Rồi quên đi.
Nay, thật là bất ngờ, bài báo lại được sử dụng vào công trình nghiên cứu của một người giữ chân "tư văn" của "làng tuồng" là Vũ Ngọc Liễn.
Vào cái tuổi 80 yên tâm đợi chết này, được đọc "Đào Tấn, tuồng hát bội", tôi thấy máu trong người chảy mạnh hơn mọi ngày, bởi thông qua tiểu sử cụ Đào, tôi cảm nhận ra một nhân cách nghệ sĩ, sống trong vòng cương tỏa của lễ nghi phong kiến, vẫn tỏ ra một con người mang tư tưởng "vì dân" khác thường.
1.
Thi đỗ từ lúc còn trẻ, với hành trang tư tưởng rút gọn lại 4 chữ "trí quân - trạch dân" (tôn cao địa vị vua, nhuần tưới đời sống trăm họ), cụ hăm hở bước vào con đường làm quan. Nhưng...
số phận đưa đẩy cụ đến chức hiệu thư, luôn hầu cận vua Tự Đức. Ở Huế 6 năm, cụ soạn được 80 hồi tuồng hát bội.
Nếu trừ những ngày đi chầu, dâng biểu mừng thọ đức Từ, mừng vua, mừng hậu, mừng phi, mừng thái tử, mừng năm mới... cùng là theo hầu kiệu thánh đi ăn giỗ, đi tế trời đất, tế triệu tổ nhà Nguyễn... thì có lẽ chỉ trên dưới 20 ngày, ông đã viết xong 1 vở. Thế giới sân khấu thường nhắc đến Lope de Véga (1562 - 1635) ở Tây Ban Nha là người "mắn đẻ": trung bình mỗi tuần viết xong 1 vở. So với tác giả đó, cụ Đào chưa "ghê", song cũng cần nhận ra điều này: viết kịch đã khó, viết kịch hát khó hơn rất nhiều lần, bởi lời trò phải viết bằng thơ tượng ý, tượng thanh, tượng hình, lại phải đối từng chữ: vừa theo ý nghĩa, vừa theo luật trống mái âm dương. 80 hồi tuồng thật đáng kể.
Ở Việt nam, đã có mấy người viết được như vậy (kể cả người ăn lương chỉ chuyên viết).
2.
Các sự biến trong kịch được miêu tả dưới ngòi bút tả thực, đó là cuộc đời "đang diễn ra như thế" là chủ yếu, còn các sự biến ở tuồng hầu như được miêu tả dưới ngòi bút gợi ý, đó là cuộc đời "cần phải như thế"... Như hồi I "Gián thập điều" (trong tuồng Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan), thái sư Văn Trọng dám kể tội vua cho chính vua nghe, nhằm nhấn mạnh một ý: đã gọi là lương thần thì "uy vũ bất năng khuất", phải vì dân vì nước, thấy vua sai phải can gián, can gián mà vua không nghe thì phải lấy cái chết mà can!
Cái chết của kẻ trung thần xưa kia mới cao quý làm sao! Không thể dùng vàng ngọc, lụa là, sắc đẹp mua chuộc hoặc quyến rũ được.
Sáu năm viết xong tám chục hồi tuồng, diễn đủ tám mươi đêm.
Ai đó nói: cụ Đào ăn lương để viết tuồng nên yên tâm sáng tạo! Không hẳn như thế. Ngày nay, thiếu gì tác giả ăn lương sáng tác mà quanh năm chỉ chăm chắm đi "dự hội thảo, đọc tham luận" những bài nhạt nhẽo, vô bổ để lấy phong bì!
Ở đây, rõ ràng là có vấn đề nhân cách. Cụ Đào chẳng những làm tròn phận sự hiệu thư mà còn luôn luôn sáng tạo, góp vào kho tàng kịch bản tuồng hát bội một khối lượng thật đáng kính nể. Do tự trọng và giữ gìn nhân cách, cụ vừa không phụ lòng những người tri kỷ lại vừa không phụ chính bản thân mình.
Philippe Papin, tác giả cuốn Danh mục các cộng đồng làng xã ở Bắc kỳ, cho biết Tự Đức là ông vua rất cực đoan và độc đoán khá tiêu biểu của phong kiến Việt Nam, cho rằng chữ "thiên" (trời) là chữ tiền định, chỉ dành để nói riêng về vua, nào là thiên tử, thiên mệnh, thiên oai, thiên ân... và ra lệnh cho khắp các tỉnh thần phải thay chữ "thiên" trong tất cả các tên làng, tên đất..., do đó, Thiên Mụ đổi thành Linh Mụ, Thiên Mỗ thành Đại Mỗ, Thiên Quan thành Nho Quan, Thiên Bản thành Vụ Bản, Thiên Sách thành Nam Sách... Cả nước kiêng đụng đến vua và mọi công việc của vua.
Ấy vậy mà dưới cái oai thời đó, cụ Đào cứ thủng thẳng viết về các ông vua hư (trong tuồng) cho ông vua thật (ngoài đời) xem, coi như một mảnh gương nhân sự, không e dè, không kiêng nể, không sợ hãi chút nào. Ông vua hách dịch, độc tôn vẫn phải chấp nhận và theo truyền ngôn, ở trong thự Thanh Bình khi diễn viên tuồng hát bội đóng vai vua trên sân khấu chỉ cần phải ngồi chếch sang một bên (không được chiếu tướng vua thật) mà thôi.
3.
Không thể cho Tự Đức là vua mê tuồng nên chấp nhận cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của cụ Đào. Ngày nay, thiếu gì các vị lãnh đạo yêu tuồng - chèo, luôn luôn triệu các đoàn kịch hát vào phục vụ các cuộc hội họp, nhưng liệu có tác giả nào dám đưa lên sân khấu một ông bí thư hay một ông chủ tịch hư hỏng vào tuồng tích để ông bí thư, ông chủ tịch thật (ngoài đời) xem không, dù chỉ là nhân vật trong tuồng không cao hơn cấp xã.
Chúng ta vẫn thường tự hào là dân chủ hơn phong kiến vạn lần, nhưng riêng ở lĩnh vực này chúng ta non gan hơn cụ Đào nhiều.
Bởi cụ là một con người đại đởm, hùng tài, là một nhà văn hết sức có trách nhiệm với dân, với nước, đã cầm bút lên thì không nghĩ đến bản thân.
Ở đây là vấn đề nhân cách nghệ sĩ. Một nhân cách có trách nhiệm lớn trước lịch sử, trước hiện tại và trước cả tương lai, không chịu sống hèn trước cường quyền, ác bá.
Vũ Ngọc Liễn kể rằng vụ đánh úp thành Nghệ An năm 1901, các thân hào Nghệ Tĩnh bị thất bại, cụ Đào đã che chở cho cụ Phan Bội Châu khỏi bị bắt. Sự thật, cụ không chỉ che chở riêng họ Phan.
Ngày 5 tháng 11 năm 1985, sau Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp đợt IV, chúng tôi được Sở Văn hóa thông tin Nghệ Tĩnh đưa đi tham quan di tích làng Sen, được biết trong vụ án "chống phá đế quốc nhân ngày quốc khánh Pháp 14-7-1901", tên cử nhân Nguyễn Điểm đã chỉ điểm cho mật thám bắt hơn 20 người. Cụ Đào đã không sợ nguy hiểm, đứng ra che chở cho tất cả số người đó, bao gồm cả các văn thân trí thức nổi tiếng như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Hải... Tôi đã xem lại Phan Bội Châu niên biểu (Nhà xuất bản Văn - Sử - Địa, Hà Nội, 1957, trang 34), sự kiện đó là hoàn toàn chính xác. Xin góp thêm với Vũ Ngọc Liễn.
Nói thêm điều này để càng thấy ở cụ Đào, bên sức nóng cháy của con tim, ta còn thấy khí uất lớn lao của gan mật, được phơi bày giữa móng hùm, nanh sói, là to tát đến chừng nào.
Ngoài ra, những chuyện khác chung quanh Học Bộ Đình và rạp diễn thì cây bút khoa học họ Vũ đã nói nhiều rồi. Cụ Đào không mong chút gì cho riêng cụ ngoài ước muốn:
Núi mai rồi giữ xương mai nhé
Ước mộng hồn ta là đóa mai!
Như vậy, hơn 100 năm đã qua đi, về nhân cách nghệ sĩ, đã mấy ai sánh ngang được cụ Đào?
4.
Về đề tài và cốt truyện tuồng hát bội, cụ Đào, do hạn chế về cách nhìn, đã không vượt qua được các bậc tiền bối. Vẫn là những chuyện ở tận đẩu tận đâu, trong khi ở nước mình, từ Đinh đến Nguyễn, đặc biệt đến thời cụ Đào, chí ít cũng 1.000 năm, thủ đô bao lần giặc chiếm, bên cạnh những chiến công lừng lẫy, không thiếu kẻ đầu hàng; bên cạnh cuộc sống yên bình, không thiếu lúc kỷ cương triều đình suy vi, đổ nát, có vua cướp vợ kép hát, có "xỉ vương", lại có cả chuyện ăn thịt sống kẻ quyền gian chỉ vì căm giận tên thủ ác. Cũng có cả bậc trung thần, do không cứu được chúa, đã tự chôn mình để tỏ rõ lòng trung.
Biết bao xung đột lịch sử gây cấn làm đề tài cho tuồng hát bội mà các cụ xưa không đưa vào sân khấu, chưa ai giải thích được.
Tuy vậy, về thao tác nghiệp vụ, trong một chừng mực nhất định, chúng ta có thể nhận ra điều này: cụ Đào không theo khuôn thước sáng tạo xưa cũ: "Vua băng, nịnh thoán, bà thứ mắc nạn, ông trạng bị vây..." mà mỗi vở của cụ lại được khai thác ở một hoàn cảnh mới, một tình thế mới, trong đó, mỗi nhân vật, mỗi con người đều phải dứt khoát tự thực hiện mình (điều này xin các bạn tự kiểm chứng khi đọc tập Đào tấn - Tuồng hát bộ, ở đó, Vũ Ngọc Liễn đã nói kỹ và nói rất hay).
Tôi chỉ muốn nói rằng: cụ Đào tuy có hạn chế về một mặt nào đó, song cụ hoàn toàn không sách vở. Mỗi kịch bản của cụ đều được xây dựng trên cơ sở xung đột giữa hôn quân bạo chúa với trung thần nghĩa sĩ, hoặc xung đột về tư tưởng giữa bạn bè - anh em với nhau, rất gần với lý thuyết biên kịch châu Âu từ thời Ariotote, Répine, D’Aubignac, Boileau, Lessing, Hégel... Nếu cụ chưa hề biết lý thuyết của các nhà lý luận ấy thì đích thực cụ là bậc tiền khu mở đường cho thực tiễn lý thuyết biên kịch của tuồng hát bội Việt Nam.
Cám ơn Vũ Ngọc Liễn đã đem đến cho tôi ánh lửa sân khấu tuồng hát bội cuối thế kỷ XIX bằng những tác phẩm của cụ Đào và những lý giải của Vũ Ngọc Liễn.
|