Một trong những đặc điểm dễ thấy của nhà lá mái là hầu hết vật liệu làm nhà đều bằng gỗ. Thuở nhỏ, tôi được may mắn sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà như vậy ở vùng ven thành Hoàng Đế, cạnh Văn Miếu xưa.
Ký ức về ngôi nhà thì rất nhiều, từ cột kèo xiên trính, cửa bàn pha, cho đến cái bậc cửa cao ngang ống quyển hay chiếc võng gai kẽo kẹt suốt bao hè… Nhưng trong đó, có một thứ mà cha tôi lúc còn sống vẫn thường hay nhắc đến, đó là chiếc phản gỗ.
Chiếc phản gỗ bóng nâu - một trong những vật thiêng của ngôi nhà thì lại chằng chịt vết mực. Nó vừa là bàn trà cho cha tôi đãi khách, vừa là bàn học, vừa là chỗ nằm theo tôi suốt những tháng năm tuổi nhỏ. Đêm đêm tôi vẫn thường đặt chiếc ghế đẩu nằm ngang, lấy phản làm bàn học. Mỏi thì trèo lên phản nằm đọc sách, có lần ngủ quên, quờ tay ngã chiếc đèn dầu, may mà không bị cháy.
Chiếc phản nằm ở chái Tây, nhìn ra cửa sổ có vườn mít, xoài với triền đá ong đầy cây hoa dại, ríu rít tiếng chim những trưa hè và lóng lánh sáng những đêm trăng. Khi tôi lớn lên, đã thấy nó nằm ở đó, dày gần hai mươi phân với hai tấm rộng, đủ trải một chiếc chiếu thừa ở phần đầu hơn một gang tay. Nghe cha tôi kể, ông nội tôi đã “này” được nó từ cây xoài tượng to nhất ở khu Văn Miếu - nơi ông đã làm Tự thừa suốt mấy mươi năm.
Cây xoài ấy bao nhiêu tuổi, không ai biết được. Chỉ thấy thân to lắm, bốn năm người ôm không xuể. Ngọn thì cao ngất. Đứng dưới gốc nhìn trật ót cũng không thấy được. Cha tôi kể, ông vẫn thường trèo lên cành xoài, đoạn mọc chĩa về phía trước sân Văn Miếu những đêm trăng để xem làng tế lễ...
Thời kháng chiến chống Pháp, Văn Miếu bị san phẳng, nhưng cây xoài thì vẫn còn đó, dẫu lớp vỏ xù xì đã lỗ chỗ thêm nhiều vết đạn. Chỉ sau này, nó mới chết dần. Nhựa chảy ra, khô đi trên từng ngọn nhánh. Khi nó trút hết nhúm lá cuối cùng, ông tôi vẫn chưa cho đẵn gốc. Chỉ đến lúc làng quyết định bán nó cho phường xẻ gỗ thì ông mới chịu buông xuôi. Nghĩ công ông chăm bẵm, người ta mới để rẻ hai tấm phản đặt ở chái Tây bây giờ, cho tôi làm bàn học.
Ngày tôi vào đại học rồi ra trường, vào thành phố, tấm phản vẫn nằm ở chái Tây. Nhưng đến khi cha tôi không còn nữa thì nó đã trở thành tấm kệ để nong nia cho mẹ tôi làm nón. Không người nằm, nó được chuyển xuống nhà dưới, dành chỗ cho khoảng không gian chái Tây rộng rãi hơn.
Những hôm giỗ nội, những ngày giỗ cha, rồi chạp mả, lễ tết, tôi lại về quê, lau chùi phản gỗ, nghe ngậm ngùi một nỗi nhớ quê. Thương phản gỗ, thương nội tôi, cha tôi; thương đời cây, đời người lầm lũi nắng mưa, nghe vân vi xào xạc những thăng trầm…
|