Những vòng khoen lá tre
14:15', 14/4/ 2006 (GMT+7)

Buổi chiều vừa tắt nắng trên phố, tiếng Trang gọi qua máy điện thoại: “Em đã về đến quê ba ngày nay rồi, trời nóng hầm hập ấy, đang ngồi dưới lũy tre kề ao súng tím gần rộc rau muống”. Rồi tiếng Trang chen lẫn nụ cười: “Mà anh nhớ gì không ? Đã từng hứa gì không ?”. Tôi ngơ ngác trong trời chiều nhập nhoạng để lục tung ký ức, xoay về năm tháng trước đây, năm tháng mà thời gian dần bào mòn của cuộc sống bộn bề khi đã rời vùng đất cũ. Chịu, chẳng nhớ gì cả ngoài những quang cảnh đồng không se sắt, đình chùa, ngõ nhỏ quanh co và có một vòng cung lũy tre xanh ngút ngát, những khoảnh ao rau muống chen trong hoa súng tím nở rộ vào hè; tiếng cuốc kêu khắc khoải trong những chiều đông lạnh giá sương sa tận ngoài Trung, miền đất ấy, giờ này, khô rốc và nóng lắm trên từng thửa ruộng, bãi bồi chang chang gió cát.

 

Tiếng Trang vang thật nhẹ nhưng hơi trách móc: “Anh đã từng hứa với em sẽ làm thật nhiều vòng khoen lá tre và cả sau này…”. Tôi chợt thảng thốt kéo khoảng nhớ lại gần, bừng lên từ tâm khảm là đoạn phim quay ngược trôi chầm chậm thời dĩ vàng. Ừ, đúng rồi, những vòng khoen nhỏ xinh bằng những đọt non lá tre đặt trong lòng chiếc bông hoa gạo nở xòe đỏ thắm từ những ngày ấy. Chao, lâu quá, bao mùa hoa gạo dần tàn phai và những chiếc lá từ lộc tre non chìm dần vào miền quên lãng; huống chi những chiếc khoen một thời ngu ngơ trốn mẹ ban trưa yên tĩnh để rủ nhau đi hái, rút nhẹ từng lộc non có màu xanh lá mạ làm trò chơi. Đã từng rách cả vạt áo, từng bị gai tre cào đến rướm máu, từng bị lũ kiến nâu làm tổ bằng những mảng phân trâu khô trên những nhánh tre túa ra đốt đỏ cả mình, từng nắm tay Trang chạy ra đồng còn trơ gốc rạ vì gặp phải tổ ong đất ùa ra bu kín. Nhưng những vòng khoen lá tre cứ làm mê mẩn vào những trưa hè oi ả, bởi nó là trò chơi vợ chồng, là các đám cưới rình rang có kiệu tre lọng chuối, có đám rước dâu từ đầu làng đến sân đình, có tiệc cưới với những quả ổi căng mọng, trái bình bát đỏ thẫm, chùm dủ dẻ vàng hay trò Sơn Tinh - Thủy Tinh dạm vợ với cả chục vòng khoen lá tre đặt trong bẹ cau khô chen cùng những trái thị chín thơm lừng để rồng rắn trên đường làng mà hò hét ỏm tỏi. Lúc ấy tôi như một gã hoàng tử bé có cô công chúa nhỏ là Trang thắt bím tóc đuôi gà lẽo đẽo theo sau. Tôi nói vội vàng: “Ừ, đã nhớ, những vòng khoen lá, nhưng…”- Trang ngắt lời trong máy: “Không nhưng nhị gì cả, anh không về em sẽ ngồi mãi, rồi khóc, rồi ngồi mãi để kiến tha đi !”, thêm dòng tin nhắn vội vàng: “Anh chưa lần nào không giữ lời hứa. Thời đó…”.

Có một thời, lũ trẻ làng vào những buổi trưa hè gió lộng, túm tụm ngồi dưới lũy tre xào xạc khi tranh nhau tìm hái đọt non lá tre, loại lá cuộn tròn như cuốn chiếu dần nở bung trong nắng ban mai. Lúc ấy, tôi còn mũi dãi thò lò, đầu trân chân đất với chiếc quần cộc tứ mùa. Trang, cô bé nhà kề bên rộc rau muống có hàng sầu đông hoa tím, thắt bím tóc đuôi gà, tay chân khẳng khiu đầy cáu bẩn và hay khóc nhè. Cả hai đi dọc theo bờ ranh của ruộng lúa, dọc theo từng mương nước nhỏ vàng bệch màu phèn và dọc theo bờ cong lũy tre làng, tay khẽ níu từng nhánh tre lúc Trang mở to mắt, tay lách tránh những chiếc gai nhọn và thận trọng rút từng cọng non chưa bung xòe thành chiếc lá mà vẫn đang cuốn tròn, ở đó sẽ có hai đầu, vừa nhọn và vừa có lỗ nhỏ, để khi uốn cong thì xỏ được vào thành một vòng khoen lá. Tôi cũng từng mở to mắt, háo hức nhìn những tổ chim dồng dộc trên cao. Những chiếc tổ đong đưa theo gió mang hình chiếc bít tất được đan cài bằng những sợi cỏ vàng, rơm vàng khéo léo và bền vững. Mái nhà ấy dù mưa giông chớp giật, dù bão bùng quăng quật đến đâu, nó vẫn an nhiên tồn tại ríu rít tiếng chim, nhất là mỗi buổi chiều vàng vào vụ gặt, bầy chim có chiếc đầu vàng mắt đen kia xao xác đi về râm ran trên từng đọt cao giống như bao gia đình trong xóm nhỏ này mỗi một hoàng hôn.

Khi đã nắm đủ mỗi đứa một vòng tay khép lại, cả hai háo hức quay về tìm bóng mát để ngồi làm khoen tai, nhẫn, vòng tay và cả vòng cổ đặt trong những bông gạo rơi rụng khắp nơi trong sân đình đem về. Trong lòng đóa bông gạo đỏ thắm ấy, những vòng khoen lá xanh dìu dịu màu mạ non dần vun đầy và có cả những khoen mang sắc xanh rực rỡ. Mà lạ, những vòng khoen lá đã theo suốt cả thời thơ ấu nơi làng quê có một xóm nhỏ mang vòng cung lũy tre làng xào xạc gió, có lạch nước nhỏ chảy tứ mùa vào các ao đào sẵn, có sẵn chiếc cần vọt ì ọp lúc vào mùa gieo sạ và trơ trọi lúc mùa đông heo heo từng đợt mưa phùn gió bấc, chỉ có cánh chuồn đỏ bầu bạn cùng vạt cỏ dại, có thêm bầy cúm núm kêu khắc khoải trong những lùm tre đang ủ rũ cong mình theo mỗi đợt mưa. Và có cả trò chơi không bao giờ chán dưới nắng hè chao chao từng cơn gió nam cồ, nam mái, nam non hanh hao. Tôi từng đeo khoen tai, đeo nhẫn và nối từng cọng lá tre ấy thành một vòng cổ xinh xắn cho Trang một thời thơ ấu, tập cho em làm đẹp cuộc đời. Tôi cảm nhận cả hơi thở nhè nhẹ, cả những vệt mồ hôi lấm tấm hiện trên cánh mũi phập phồng của Trang, cùng đôi mắt đen tròn cứ ngơ ngác nhìn khuôn mặt gã bạn trai, là tôi đang lóng ngóng với bàn tay đen nhẻm đất cát khi cánh mũi hai đứa cứ phập phồng rìn rịn những hột mồ hôi nhỏ.

Lúc đi học trường làng, có lần ghé chợ phiên nằm lẻ loi trên triền dốc vắng mọc đầy gai bàn chải với những túp lều lá nhỏ, họp mỗi tháng hai lần, tôi vào khu hàng xén tìm chọn trong rổ tre chiếc nhẫn màu đỏ bằng nhựa trong suốt để thay chiếc nhẫn lá tre lúc Trang đứng đợi bên ngoài. Và Trang đã cầm lấy, nhẹ cười bỏ vào túi áo. Tôi bảo, sau này lớn lên, nhất định sẽ tìm, sẽ mua cho Trang chiếc nhẫn khác đẹp gấp trăm ngàn lần chiếc nhẫn nhựa nơi chợ quê buồn hiu hắt này để làm kỷ niệm. Trang lại cười, ngoéo tay gật đầu bảo: Anh hứa chắc đấy ! Tôi cười gật đầu lần nữa: Ừ, hứa chắc !

Ba năm sau, lũy tre làng trong một cơn mưa phùn chao nghiêng sau bao tháng nắng hạn, nó bừng nở những nụ hoa tre trắng xóa, những phấn hoa rơi xuống thành từng thảm trắng đẹp dìu dịu xao xác dưới cơn gió mùa lần lượt đổ đến. Lúc này, Trang theo gia đình đi Nam, đâu biết rằng, sau mùa hoa là hàng loạt thân tre gãy gục, úa tàn cành lá, giống như con người mỗi khi về già sẽ chết đi và trò chơi một thời với những chiếc khoen lá tre đã không còn cho một lớp trẻ khác. Mãi đến khi tôi rời làng lên phố đi học. Lũy tre non mới bắt đầu một cuộc sống kế tiếp, người trong làng đã ngăn những đứa trẻ không được ngắt lộc non để cho lũy tre đâm chồi nảy lộc hồi sinh trở lại như bao đời. Tôi đã quay lưng ra đi và luôn mong sao ngày về sẽ có một vòng cung lũy tre làng như thuở nào.

Tôi đã gặp Trang nơi phố bên bờ biển biếc. Bây giờ em đã lớn, trưởng thành, đẹp xinh hiền dịu hơn trước gấp nhiều lần và bồi hồi trong những kỷ niệm cũ, rưng rưng nước mắt khi nhắc một thời nơi làng quê đầy gió cát. Dưới những tán cây lao xao gió, những con đường sáng màu ánh điện cùng xe cộ ồn ào qua lại, cả hai lại thả bộ tay trong tay và ngồi bên triền cát trắng. Biển xanh, xanh đến lạ kỳ, những câu chuyện đã được chắp nối trong sóng biển rì rào xa xa như chưa hề có một cuộc chia ly mà chỉ có hẹn ngày về như những vòng khoen lá tre vẫn còn hiện hữu trước mặt, cho dù tôi chưa kịp tặng em chiếc nhẫn từng hứa ngày trước, bởi cả tôi và em chưa chọn được ngón tay nào để nhẹ đặt và khép vào cho trăm năm thì em đã vội ra đi về miền đất khác mà chẳng kịp cùng tôi về vùng đất cũ. Chiến tranh qua đi, vết thương bừng tứa máu, rồi thời gian nó khép miệng tạo một vết sẹo trong đời. Tổ chim dồng dộc lơ lửng trên bầu trời cao với loài chim đầu đội chóp vàng ríu ran tứ mùa nơi quê cũ hẳn rằng vẫn còn, nhưng giờ đây từ một vùng miền xa lạ khác, lại có loài chim yến muốn tạo một tổ ấm phải cần vùng đất bao dung trong miền xanh thẫm với khoảng không bao la chập chùng sóng vỗ, cất tiếng kêu vang vọng đến thống thiết, đến nhỏ máu tinh khôi mới tạo dựng tổ ấm mới và tôi đã từng đi qua bao miền đất lạ, qua bao cánh đồng, bao miền biển, bao vòng cung lũy tre từ Nam chí Bắc. Ban đầu còn thảng thốt trong một khoảng nhớ vùng quê cũ, ngày tuổi nhỏ, ngày có Trang cùng những vòng khoen lá, những tổ chim êm ấm trên cao, những con đường rợp mát tán cây nơi thành phố nhỏ một thời Trang ở, nơi luôn rì rào tiếng sóng vỗ về ngày đêm trên bờ cát trắng, mà tay trong tay để cảm thấy không gì ngăn cách nổi như thượng đế đã tạo riêng cho hai người hưởng niềm hạnh phúc, rồi thời gian chìm dần vào miền quên lãng.

Ngày mai chuyến bay lúc năm giờ sáng đã được chuẩn bị. Và tôi, phải có mặt trong chuyến đi không thể trì hoãn, lại không thể về phía nơi Trang đang đợi mà đi về một vùng đất khác với nhịp điệu phố phường lấp lánh ánh điện, tràn ngập sự náo nhiệt như thành phố của Trang đang ở với mái ấm hạnh phúc bền vững. Đành vậy, từ trên tầng không tĩnh lặng với mây trôi bồng bềnh, chấp chới những hình ảnh cuộn trôi để dần tan biến, tôi sẽ hoài vọng một góc quê nhà dấu yêu có Trang đang đợi, có những vòng khoen lá tre đặt trong đóa hoa gạo đỏ lung linh cùng sắc nắng của một thời. Lúc này, tôi vẫn trôi về hoài niệm. Ở nơi ấy, từng có một cô bé và một chú nhóc tay nắm tay đang nhẹ bước, mắt chăm chú nhìn những vòm lá tre lung linh từng hạt nắng của những ngày thơ ấu tận một làng quê êm ả. Và tôi vẫn nhớ, còn nợ Trang chiếc nhẫn của cuộc đời, chiếc nhẫn của hạnh phúc trăm năm đi qua và còn đọng trong tâm hồn chiếc tổ chim dồng dộc treo trên những đọt tre như một mái ấm tràn đầy yêu thương dù không còn hiện hữu khi thời gian mãi trôi chẳng có một khoảng ngừng…

  • Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đời phản   (14/04/2006)
Đời sống âm nhạc Bình Định: Vẫn còn trầm lặng  (13/04/2006)
Đồi 10 được xếp hạng di tích Quốc gia  (12/04/2006)
Đôi điều cảm nhận về một nhân cách nghệ sĩ  (11/04/2006)
Sân chơi cho những cây bút trẻ  (11/04/2006)
Trò chuyện với tác giả ca khúc Màu cờ sắc áo  (11/04/2006)
Xã Nhơn Hội: Ngư dân tổ chức Lễ hội cầu ngư  (11/04/2006)
Kỳ II: Sơn đại ca: biệt danh và một tình bạn  (11/04/2006)
Tiến hành khai quật khảo cổ học tại di tích Tháp Cánh Tiên  (07/04/2006)
"Biển nhớ" tên anh gọi về  (06/04/2006)
Trịnh Công Sơn với Quy Nhơn  (04/04/2006)
Thông báo cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc cuộc sống"  (04/04/2006)
Bàn thêm về giá trị văn hóa cồng chiêng: Đừng bỏ quên giá trị độc đáo này  (04/04/2006)
Hội VH-NT tỉnh: Tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật - 2006  (04/04/2006)
Phạm Văn Ký - một số phận văn chương "mất nơi ở"   (02/04/2006)