Giữ gìn tiếng nói, chữ viết Bana Kriêm Vĩnh Thạnh
9:37', 18/4/ 2006 (GMT+7)

Chữ viết của người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh đang có nguy cơ bị lãng quên. Chỉ một vài người già là còn viết được chữ mẹ đẻ của mình. Lớp trẻ hôm nay, ít ai viết được một cách thành thạo và chính xác. Có người nói được, nghe vẫn hiểu, nhưng khi viết lại không được. Trong cùng một huyện, nhưng có khi các làng khác nhau lại có tiếng nói khác nhau, không thống nhất trong cách phát âm và chữ viết.

 

        Hội thảo Tiếng nói, chữ viết Bana Kriêm Vĩnh Thạnh.

 

Trước tình hình đó, huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với Viện Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức Dự án xây dựng chữ viết của người Bana Kriêm nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh. Sau khi hoàn thành dự án, tiếng Bana sẽ được đưa vào giảng dạy rộng rãi cho cán bộ, đảng viên trong huyện để làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng Bana Kriêm Vĩnh Thạnh.

Sau thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, TS Tạ Văn Thông - Viện Ngôn ngữ học Việt Nam và các cộng sự của mình đã xây dựng được bảng chữ cái, dấu, ngữ vựng, cách phát âm và cách viết chữ Bana Kriêm. Để hoàn chỉnh bản thảo trước khi in thành sách, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Sở Khoa học - Công nghệ Bình Định và huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về vấn đề này.

Tại hội thảo, nhiều già làng am hiểu về chữ viết Bana và một số người đã từng nghiên cứu chữ viết này ở địa phương đã rất vui mừng trước việc triển khai dự án này. Tuy nhiên, họ tỏ ra rất băn khoăn vì tiếng nói, chữ viết của những người biên soạn đưa ra lại không giống với tiếng nói, chữ viết ở địa phương có từ bao đời nay.

Có nhiều phụ âm đã bị thay đổi, thay thế vào đó là những dấu phẩy, khi nói dễ hiểu sai nghĩa mà lại chẳng có nghĩa gì. Ông Đinh Phil (làng Klot Pok, thị trấn Vĩnh Thạnh) cho biết: "Chữ Bana từ trước nay đâu có dấu phẩy, vậy mà trong bản thảo này lại có. Khi nào dùng dấu phẩy ở hoàn cảnh nào tôi cũng không hiểu. Ví dụ như người Bana ở Vĩnh Thạnh viết anar (có nghĩa là ngày) còn trong bản thảo này lại viết ‘năr (ngày). Còn những từ có phụ âm o đã thay thế bằng phụ âm u. Ví dụ như từ pieo (thêm) lại thay thế bằng piêu, từ soang (múa) thay bằng suang, còn từ kơtao (mía) thì ở đây lại viết kơtau thì tôi thấy chữ này chẳng có nghĩa gì cả". Ông Đinh Phil còn cho biết thêm: rất nhiều từ trong bản thảo này đã thay đổi rất nhiều so với cách viết quen thuộc của người Bana Vĩnh Thạnh dùng lâu nay. "Nếu đưa giảng dạy như thế này thì cũng phải biên soạn lại thôi. Chứ nó đâu có giống cái chữ của mình" - ông Phil nói.     

Được biết, trước đây huyện Vĩnh Thạnh đã có lần mượn giáo trình chữ Bana ở Gia Lai để về dạy nhưng không thành công, bởi chữ viết Bana ở Gia Lai khác rất nhiều so với chữ viết Bana ở Vĩnh Thạnh. Hẳn mỗi địa phương, do điều kiện sống khác nhau nên người dân ở đó có cách phát âm, cách viết khác nhau, phù hợp với cách sống, cách nghĩ ở vùng đó.

Trước tình hình đó, cuộc hội thảo đã thống nhất cần phải tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện công trình trước khi đem ra xuất bản. Bên cạnh đó, những người biên soạn cũng cần tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán địa phương để sử dụng từ đúng với mỗi hoàn cảnh cụ thể.

  • Long Vũ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội giỗ tổ nghề đúc và các bậc tiền hiền  (17/04/2006)
Những vòng khoen lá tre   (14/04/2006)
Đời phản   (14/04/2006)
Đời sống âm nhạc Bình Định: Vẫn còn trầm lặng  (13/04/2006)
Đồi 10 được xếp hạng di tích Quốc gia  (12/04/2006)
Đôi điều cảm nhận về một nhân cách nghệ sĩ  (11/04/2006)
Sân chơi cho những cây bút trẻ  (11/04/2006)
Trò chuyện với tác giả ca khúc Màu cờ sắc áo  (11/04/2006)
Xã Nhơn Hội: Ngư dân tổ chức Lễ hội cầu ngư  (11/04/2006)
Kỳ II: Sơn đại ca: biệt danh và một tình bạn  (11/04/2006)
Tiến hành khai quật khảo cổ học tại di tích Tháp Cánh Tiên  (07/04/2006)
"Biển nhớ" tên anh gọi về  (06/04/2006)
Trịnh Công Sơn với Quy Nhơn  (04/04/2006)
Thông báo cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc cuộc sống"  (04/04/2006)
Bàn thêm về giá trị văn hóa cồng chiêng: Đừng bỏ quên giá trị độc đáo này  (04/04/2006)