Bút danh "thật" hơn tên thật
9:55', 24/4/ 2006 (GMT+7)

Những lần gặp nhà văn Bão Vũ, nhà văn Vũ Bão thường đùa trêu: "Tớ không phải tên Vũ Bão mà lấy là Vũ Bão. Còn cậu là Vũ Bão thật lại phải đổi tên. Đúng là đời nay, người ngay sợ... kẻ gian".

Vũ Bão là bút danh của một nhà văn khá thành công trong thể loại truyện hài, mặc dù ngay từ thuở lọt lòng, ông đã được cụ nội đặt cho cái tên rất ngay ngắn, nghiêm trang là... Phạm Thế Hệ.

 

Nhà văn Vũ Bão (bên trái) và người bạn trước ngã ba Nguyễn Thái Học - Vũ Bão, TP Quy Nhơn.

 

Phạm Thế Hệ thuộc lớp người trưởng thành khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go nhất. Sẵn hào khí tuổi trẻ trong mình, nên khi nhìn sang các bạn viết cùng trang lứa, ông không khỏi cảm thấy bị "mê hoặc" bởi các bút danh tuy chỉ được ghép bằng những chữ nôm thôi, song ý nghĩa thì đậm tinh thần lạc quan Cách mạng. Ấy là Thép Mới, là Tre Xanh, là Lửa Hồng, là... Vốn sẵn định kiến với cái tên mang dấu ấn Hán ngữ của mình, chẳng khó khăn gì mà cây bút trẻ không xoay xỏa cho mình một bút danh. Và thế là cái tên Vũ Bão chính thức "trình làng" từ đây.

Nhưng rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang, không ai khác mà chính cụ thân sinh ra Vũ Bão đã "mở mắt" cho ông thấy, ông đã "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa", bởi chữ "bão" tiếng vậy nhưng lại là chữ Hán. Nó có nghĩa là "no" (trong câu "thực vô cầu bão", nghĩa là ăn chẳng cầu no), chứ không chỉ đơn giản như ông nghĩ "bão" là "gió bão". Tuy nhiên, khi "ngộ" ra điều này thì cuốn tiểu thuyết Sắp cưới của Vũ Bão đang bị xem là "có vấn đề", bị báo chí lên tiếng chỉ trích (sau Đổi mới, cuốn tiểu thuyết đã được NXB Phụ nữ tái bản với số lượng lớn). Trong tình cảnh ấy, nếu ông chọn cho mình một cái bút danh khác e bạn bè thân hữu hiểu lầm là tác giả có ý "bỏ của chạy lấy người". Bởi vậy ông đành cắn răng giữ lại cái bút danh này.

Nhà văn Vũ Bão tâm sự, càng cứng tuổi, ông càng nhận chân ra một điều: Cái tên Phạm Thế Hệ thoạt nghe có vẻ... ngang tàng, song kỳ thực cái tên Vũ Bão còn... ngang tàng hơn. Điều này làm ông có lúc cảm thấy ân hận, hối tiếc phút "hăng tiết vịt" của mình. Bây giờ, đi đâu nghe người ta giới thiệu tên mình là Vũ Bão, ông không khỏi có cảm giác sượng sùng, ngài ngại, vì cái tên nghe thì "hùng dũng" vậy, song bên ngoài thì lại là một ông già vóc dáng thấp bé nhẹ cân, bước chân tập tà tập tễnh, nói chung là "rất núng thế". Ông không muốn mọi người bất ngờ về "nghịch cảnh" ấy.

Xung quanh bút danh Vũ Bão cũng lắm chuyện hài. Gần đây nhất là chuyện một ông kiến trúc sư tên khai sinh là Vũ Bão, nhưng vì nổi máu viết văn và thấy trước mình đã có "sư huynh" Vũ Bão án ngữ rồi, nên để khỏi phiền toái đã đổi tên mình thành Bão Vũ. Hiện tác giả Bão Vũ cũng đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những lần hai ông gặp nhau, Vũ Bão thường đùa trêu: "Tớ không phải tên Vũ Bão mà lấy là Vũ Bão. Còn cậu là Vũ Bão thật lại phải đổi tên. Đúng là đời nay, người ngay sợ... kẻ gian".

Hiện tại, ở thành phố Quy Nhơn có một đường phố mang tên Vũ Bão. Tất nhiên không phải là để... ghi danh ông. Theo ông tìm hiểu thì phố mang tên một liệt sĩ thiếu niên thời chống Mỹ. Người này trong một lần đưa cán bộ qua sông đã bị giặc bắn chết. Chuyện hai năm rõ mười là thế song thỉnh thoảng vẫn có bạn bè văn nghệ đùa trêu ông về chi tiết trùng tên này.

Thậm chí, trong một lần ghé qua Quy Nhơn, Vũ Bão đã được một người bạn có nhà ở phố Vũ Bão mời tới chơi và bố trí chụp ảnh ông đang điềm nhiên đứng hút thuốc ngay dưới tấm biển ghi tên phố Vũ Bão. Trong một chương trình truyền hình, Vũ Bão đã hóm hỉnh phát biểu, đại ý: Thường thì người chết sau 10 năm mới được đặt tên phố. Căn cứ theo cái biển tên phố này thì tôi đã... chết được 10 năm. Bởi vậy với tôi bây giờ, sống chết không quan trọng nữa.

Cũng theo Vũ Bão thì mặc dù tên thật của ông là Phạm Thế Hệ, còn Vũ Bão là bút danh, song so sánh hai cái tên trên, nhiều người lại cho rằng cái tên Vũ Bão nghe có vẻ "thật" hơn. Nghĩa là chính cái tên Phạm Thế Hệ dễ làm người đời lầm tưởng đó là... bút danh.

. Theo Công An Nhân Dân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Triển khai xây thêm một số hạng mục tại Bảo tàng Quang Trung   (21/04/2006)
Có một “Thiếu lâm tự” của Bình Định xưa   (21/04/2006)
Bình Định - một vùng núi sông lung linh huyền thoại   (21/04/2006)
Ca sĩ hát quán café: Hạnh phúc khi được đồng cảm  (20/04/2006)
Kỳ III: Lãng du cùng Tiếng hát dã tràng   (18/04/2006)
Giữ gìn tiếng nói, chữ viết Bana Kriêm Vĩnh Thạnh  (18/04/2006)
Lễ hội giỗ tổ nghề đúc và các bậc tiền hiền  (17/04/2006)
Những vòng khoen lá tre   (14/04/2006)
Đời phản   (14/04/2006)
Đời sống âm nhạc Bình Định: Vẫn còn trầm lặng  (13/04/2006)
Đồi 10 được xếp hạng di tích Quốc gia  (12/04/2006)
Đôi điều cảm nhận về một nhân cách nghệ sĩ  (11/04/2006)
Sân chơi cho những cây bút trẻ  (11/04/2006)
Trò chuyện với tác giả ca khúc Màu cờ sắc áo  (11/04/2006)
Xã Nhơn Hội: Ngư dân tổ chức Lễ hội cầu ngư  (11/04/2006)