|
Bìa tập thơ "Thương lượng với thời gian". |
Tên tập thơ là "Thương lượng với thời gian"(*), nhưng thực ra, thương lượng với cái vô hình ấy cũng chính là thương lượng với thơ vậy. Thời gian là điều luôn ám ảnh với người làm thơ. Ám ảnh đến sợ. Không phải nhà thơ sợ chết mà sợ cho thơ mình không đủ năng lượng để có thể tiếp tục thở hơi thở của đời sống, tiếp tục tồn tại. Hữu Thỉnh cũng vậy, ông "sợ" đến mức phải viết "lời chú" ở cuối sách!
Điều dễ nhận ra là có một dòng chảy gần như xuyên suốt tập thơ, đó là sự tiếc nuối thời gian đã mất, hay đúng hơn là sự tự ý thức về cái hữu hạn của chính mình: "Trẻ trung thế chỗ em rồi/Thắm tươi thế chỗ thắm tươi thuở nào". (Đi chợ Vĩnh Yên). Một thế hệ mới, trẻ trung hơn, năng động hơn, thắm tươi hơn sẽ "thế chỗ" sự già cũ của ngày hôm qua, ấy là chuyện hiển nhiên của quy luật đào thải. Nhưng với một người làm thơ có quá nhiều công danh, quá nhiều sự nổi tiếng như Hữu Thỉnh mà ý thức được điều đó thì là hơi lạ. Có thể hiểu, tự ý thức là một cách để tồn tại vậy. Trình làng một tập thơ mới, khi mà tác giả của nó đã từng "đạt đỉnh", đấy cũng là một cách kiểm tra nhiên liệu con tàu thơ của mình sẽ còn đi được đến những đâu.
Xem thời gian như một đối tác của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh đã phải thương lượng với nó, dù chắc chắn rằng, không phải ông thương lượng để ký một bản hợp đồng nào dính dáng đến tiền bạc, ngoài thơ. Mải mê với công việc, mà ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam này thì lắm việc, nhiều khi chợt giật mình: "Đời nhanh quá vui buồn chưa kịp cũ". (Thưa thầy). Vẫn cái cách tư duy rất… Hữu Thỉnh. Vẫn theo cái mạch "chớp nhì nhằng lô cốt méo bên sông" như ngày nào, nhưng bây giờ, cái nhìn của nhà thơ đã có thể xuyên qua một lớp vỏ ngôn ngữ trụi trần để đến với một thế giới khác. Ở đó, Hữu Thỉnh gửi gắm cả một đời chiêm nghiệm của mình: "Đi qua nhiều mũ áo/Để tìm một bàn tay". Ở đó có sự tắc nghẹn với bao nỗi khổ tâm: "Ta im lặng vì quá nhiều mây trắng" (Nghẹn). Không phải cái im lặng của một con hổ chờ mồi mà cái im lặng của sự bất lực: "Ăn nói khó hơn, yêu ghét khó hơn (…) Va quệt và xây xát/ Nhân tình lầm lũi đi" (Thấy). Đó là quãng thời gian không phải sau chiến tranh, con người vừa thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của đạn bom chết chóc nên ùa vỡ mừng vui, sống tử tế với nhau hơn, nhân hậu với nhau hơn, mà là quãng thời gian của mấy mươi năm vật lộn với gian khó, trong đó có biết bao sự "phản thùng, thớ lợ", biết bao cặn lắng của những oan khuất: "Một lời như thể lưỡi cưa/ Khi nghĩ lại bao thân cây đã đổ" (Một lời). Nhiều khi bức bối ngột ngạt đến khó thở: "Bão trời ta coi khinh/ Bão người không chịu nổi" (Một thoáng làm người). Bi quan chăng? Chắc chắn là không! Bật ra được những câu thơ như thế là Hữu Thỉnh đã gặp được "một bàn tay", chưa chắc đã ấm áp nhưng đủ tin cậy để có thể nắm chặt hơn mà không sợ "phản thùng": "Mặc ai xô dạt mỗi ngày/ Múc đau lòng giếng vẫn đầy sao hôm" (Những người đi lại phía tôi). Nói ra được điều đó, nghĩa là Hữu Thỉnh vẫn còn tin vào thời gian đang ủng hộ ông, không phải để làm quan mà để tiếp tục làm thơ. Nhà thơ cứ dùng dằng nửa đi nửa ở, cá rô ông cũng tiếc, cá diếc ông cũng ưng: "Hôm qua thì tiếc. Mai thì sợ" (Năm đi). Nên luôn luôn phỏng vấn: "Thời gian/ Ông là ai?" (Thời gian). Rồi ám ảnh: "Sau mỗi lần chạm cốc/ Biết đời còn mấy ai" (Năm tháng trên vai). Nhưng không sao, Hữu Thỉnh có cách đi của mình, không phải "ôm súng bò lên với trái tim tình nguyện" như dạo nào mà : "Tôi cố lách qua cặn lắng đời mình/ Dưới đáy cốc của hy vọng" (Cặn lắng).
Trong thế hệ thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh là nhà thơ tạo được một giọng riêng. Cho đến tập thơ này, dù có riết róng hơn hay quặn thắt hơn, ông vẫn giữ được cái giọng riêng ấy. Thơ ông được neo lại trong lòng người đọc nhiều chục năm qua là nhờ ở cái cách tư duy không lẫn với ai này. Nói ra cái điều ai cũng nghĩ, ai cũng biết nhưng không phải ai cũng viết thành thơ như Hữu Thỉnh được. Ông không có lối lập tứ thông minh như một vài nhà thơ cùng thế hệ, song sự thông minh ở nhà thơ này nằm ở chỗ khác. "Cây đổ về nơi không có vết rìu". Mượn điều dĩ nhiên để nói tới một chuyện khác. Đọc xong câu thơ, không còn thấy "rìu" với "cây" nữa rồi. Ở tập thơ này, đôi lúc thấy Hữu Thỉnh như tiếc cho những đứa con tinh thần của mình bị bỏ rơi bèn "gom" lại (phần III) rồi cho đứng chung trong tập, trong khi phần I mới là những bài "ác chiến" của ông. Có vẻ như đôi khi ông muốn bứt ra, muốn "tự làm mới" mình nhưng thường thì thất bại ở những bài thơ như thế. "Bất hạnh" là một ví dụ.
Đừng sốt ruột làm gì với đám "hip hop". Đã thương lượng được với thời gian bằng tập thơ này cũng có nghĩa là Hữu Thỉnh đã thương lượng được với thơ rồi. Như thấy nhà thơ đang đứng nơi sân ga: "Vé trên tay thanh thản bước lên tàu" (Sang thế kỷ). Vậy là, con tàu thơ vẫn còn đón ông. Đấy là một may mắn với người làm thơ vậy.
(*) Thương lượng với thời gian - NXB Hội Nhà văn 2005 |