Trịnh Công Sơn với Quy Nhơn
Kỳ IV: Thời kỳ Biển nhớ và những bóng hồng
16:10', 28/4/ 2006 (GMT+7)

Năm 1964, Ngô Kha từng viết về Trịnh: "Trịnh kín đáo và lại có một đời sống nội tâm khá đặc biệt. Hắn làm nhạc, thích sống ở biển và thích ngồi hàng đêm ở bar. Hắn quan niệm tình yêu là những chuyến tốc hành mà sau đó người lữ hành cảm thấy thêm một lần mệt mỏi. Hắn hiện giờ ở Quy Nhơn - thành phố màu xanh của biển và núi. Trịnh cho rằng hắn đến Quy Nhơn là để tìm một ít không khí êm dịu cho một tâm trạng gần như bế tắc. Hắn thích cô đơn. Trong nhạc sáng tác hắn mang vào một ít chất thơ. Hắn hay nói: "Mượn thêm ở thơ một ít chất cô độc" (Chiến tranh bước nhanh hơn khốn nạn thật).

 

              Trịnh Công Sơn - người hát tình ca. Ảnh: S.T

 

Thế rồi, những tháng ngày ở Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn đã tìm thấy lại nắng hồng và không khí êm dịu cho cuộc đời. Ở đây, Trịnh Công Sơn đã có những người bạn cùng đam mê âm nhạc để sẻ chia buồn vui và nhất là có những bóng hồng để thương yêu.

Thời kỳ này, Trịnh Công Sơn đang thương thầm nhớ trộm cô nữ sinh B.Kh., người Nha Trang. B.Kh. có dáng người nhỏ nhắn, tròn, nước da ngăm đen dễ thương. Kh. thường đánh tóc rối thành một búi ngược ra sau đỉnh đầu, mang guốc cao gót, chân đi như sáo. B.Kh. không đẹp nhưng có duyên và nằm trong ban hợp ca của trường. Mối tình của Trịnh Công Sơn với B.Kh. đã đem lại cho Trịnh Công Sơn một tình khúc tuyệt vời Biển nhớ. Đó là vào mùa hè năm 1963, Trịnh Công Sơn không về Huế, còn B.Kh. thì phải về Nha Trang với gia đình. Đêm trước ngày tiễn B.Kh. về Nha Trang, Trịnh đã sáng tác Biển nhớ với ca từ da diết: Ngày mai em đi/ biển nhớ tên em gọi về...

Ngoài B.Kh., ngày ở Trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn còn có cảm tình với P.T.T., người hát nhạc Trịnh đạt nhất Quy Nhơn khi ấy. Chính T. là người đầu tiên hát bài Chiều một mình qua phố trên Đài Phát thanh Quy Nhơn. Một bóng hồng khác là L.T.N.T., người bạn cũng đến từ Huế. Trong các buổi trình diễn văn nghệ, Trịnh Công Sơn đã dành Lời mẹ ru cho N.T. hát. Về sau, khi cả hai được bổ lên dạy học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), N.T. lại có dịp được hát những bài mới của Trịnh Công Sơn.

Có lẽ bởi vậy mà thời kỳ Quy Nhơn là giai đoạn Trịnh Công Sơn sáng tác nhiều. Những ca khúc như Biển nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Nắng thủy tinh, Ông tiên vui, Ông mặt trời, Tiếng hát dã tràng… đều ra đời thời kỳ này. Có lẽ, chính niềm tin vào sự cứu chuộc của tình yêu đã giúp cho Trịnh Công Sơn vượt qua được những bi quan về thân phận người, để những ca khúc mang thêm gam màu tươi sáng và tràn ngập tin yêu Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm/ Rồi có hôm nào thu bay lên hay với nhìn cuộc đời bằng góc nhìn thơ trẻ như Ông Tiên vui, ông có cái râu dài/ Đêm ông về nằm yên trên đỉnh mây….

Sau này, trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn, ta còn gặp lại "hình bóng của những cô gái thùy mị, dịu dàng, ý thức rằng hai bàn tay ngà ngọc của họ dùng để đỡ đầu cho niềm tuyệt vọng của linh hồn anh" (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Và chính Trịnh Công Sơn cũng đã từng khẳng định: "Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời".

Đồng thời, cũng phải thấy rằng, thời kỳ Quy Nhơn đã phân định rõ hai nội dung trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn "Đằng này là nỗi cô đơn của phận người, và đằng khác là những tình khúc. Cho đến ngày cuối của cuộc đời, Trịnh Công Sơn vẫn trung thành với hai chủ đề ấy" như Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng viết.

  • Lê Viết Thọ  (tổng hợp)

Kỳ V: Quy Nhơn - ngày trở lại

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghe Hữu Thỉnh thương lượng với thơ  (24/04/2006)
Bút danh "thật" hơn tên thật  (24/04/2006)
Triển khai xây thêm một số hạng mục tại Bảo tàng Quang Trung   (21/04/2006)
Có một “Thiếu lâm tự” của Bình Định xưa   (21/04/2006)
Bình Định - một vùng núi sông lung linh huyền thoại   (21/04/2006)
Ca sĩ hát quán café: Hạnh phúc khi được đồng cảm  (20/04/2006)
Kỳ III: Lãng du cùng Tiếng hát dã tràng   (18/04/2006)
Giữ gìn tiếng nói, chữ viết Bana Kriêm Vĩnh Thạnh  (18/04/2006)
Lễ hội giỗ tổ nghề đúc và các bậc tiền hiền  (17/04/2006)
Những vòng khoen lá tre   (14/04/2006)
Đời phản   (14/04/2006)
Đời sống âm nhạc Bình Định: Vẫn còn trầm lặng  (13/04/2006)
Đồi 10 được xếp hạng di tích Quốc gia  (12/04/2006)
Đôi điều cảm nhận về một nhân cách nghệ sĩ  (11/04/2006)
Sân chơi cho những cây bút trẻ  (11/04/2006)