Festival Đống Đa - Tây Sơn 2007: Sẽ đậm chất Bình Định
10:11', 26/4/ 2006 (GMT+7)

Theo dự thảo kế hoạch tổng thể do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh chuẩn bị, Festival Đống Đa - Tây Sơn 2007 sẽ được tổ chức quy mô hoành tráng, đậm chất Bình Định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn những ý kiến khác nhau về thời điểm tổ chức và tên gọi festival...

* Quy mô hoành tráng

Yêu cầu đặt ra với Festival lần này là cần được đầu tư, tổ chức quy mô, hoành tráng, đậm đà bản sắc, thể hiện được truyền thống thượng võ và những nét đặc trưng của Bình Định. Festival chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, khai thác các không gian, địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống tiêu biểu của Bình Định. Qua đó, hướng đến việc đưa festival thành một lễ hội truyền thống mang thương hiệu văn hóa du lịch Bình Định.

 

Festival Đống Đa - Tây Sơn 2007 dự kiến sẽ huy động cả voi để tạo ấn tượng. Trong ảnh: Hình ảnh Quang Trung cưỡi voi vào thành Thăng Long được tái hiện tại Lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa. Ảnh: Ngọc Diên

Festival tuy là lễ hội của tỉnh, nhưng các nội dung, hình thức hoạt động phải mang tầm cỡ quốc gia. Các hoạt động của festival được tổ chức ở nhiều điểm nhưng điểm chính là tại trung tâm thành phố Quy Nhơn, Bảo tàng Quang Trung - nơi diễn ra các hoạt động mang tính tập trung nhiều loại hình, liên tục trong suốt thời gian diễn ra festival. Điểm phụ bao gồm các điểm du lịch trọng yếu, các di tích, danh thắng tiêu biểu thuộc các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn - nơi diễn ra các hoạt động hưởng ứng, phục vụ yêu cầu quảng bá giới thiệu văn hóa du lịch của tỉnh. Các hoạt động được sắp xếp hợp lý, tạo điều kiện cho du khách được tham dự nhiều hoạt động diễn ra tại nhiều điểm. Trong đó, lễ khai mạc và bế mạc đều diễn ra tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Lễ khai mạc, bế mạc sẽ đầu tư về kịch bản, nội dung tạo được ấn tượng tốt, mạnh mẽ cả về nội dung lẫn nghệ thuật thể hiện, có truyền hình trực tiếp. Tác giả kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, viết lời bình cho lễ khai mạc và bế mạc theo dự kiến sẽ mời các nhà biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ tên tuổi trong nước tham gia.

Mở đầu festival là lễ dâng hương - dâng hoa tưởng niệm tại Bảo tàng Quang Trung. Chương trình nghệ thuật tổng hợp lễ khai mạc (ngày đầu tiên của festival) có sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, có sự tham gia của các ngôi sao ca nhạc trong nước.

Hoạt động trọng tâm của ngày thứ hai festival là Liên hoan Tuồng Đào Tấn và Liên hoan và thi đấu võ thuật Bình Định. Liên hoan Tuồng Đào Tấn sẽ mời Nhà hát Tuồng Trung ương và các đoàn đại diện cho các phong cách khác nhau biểu diễn tuồng Đào Tấn. Sau khi trải qua vòng loại, các đoàn sẽ tham gia biểu diễn trên sân khấu tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Mỗi đoàn biểu diễn tuồng Đào Tấn, nhưng theo phong cách riêng với một kịch bản hoàn chỉnh. Riêng Liên hoan và thi đấu võ thuật Bình Định dự kiến tổ chức tại SVĐ Quy Nhơn, có sự tham gia của các CLB võ thuật, võ đường thuộc phái võ Bình Định. Lễ bế mạc (ngày thứ ba festival) sẽ có bắn pháo hoa.

 

Trống trận Tây Sơn được sử dụng trong lễ khai mạc giúp cho Festival thêm đậm chất Bình Định. Ảnh: Đ.P

* Đậm chất Bình Định

Các hoạt động chính tạo cho festival tính quy mô hoành tráng. Tất nhiên, trong các hoạt động này, "chất Bình Định" vẫn được nhấn mạnh. Chẳng hạn, việc sử dụng trống trận Tây Sơn, hát bội và võ Bình Định trong lễ khai mạc; việc tổ chức Liên hoan Võ thuật, Liên hoan Tuồng Đào Tấn sẽ góp phần tạo nên nét Bình Định của festival.

Tuy nhiên, tạo nên chất Bình Định đậm đặc nhất trong festival có lẽ nằm trong các chương trình hưởng ứng diễn ra dọc suốt ba ngày tổ chức festival. Đó là hội làng nghề truyền thống và chương trình ẩm thực. Quy trình sản xuất sản phẩm các làng nghề như rượu Bàu Đá, gốm Nhơn Hậu, rèn Phương Danh, đúc đồng Bằng Châu, nón Gò Găng, bún song thằng... được thể hiện dưới bàn tay các nghệ nhân tiêu biểu. Thú vị nhất là sau khi tận mắt xem quy trình sản xuất rượu Bàu Đá xong, tạt bước qua khu ẩm thực, ta lại được thưởng thức những món ăn truyền thống Bình Định như chim mía, bún tôm, chình mun Châu Trúc, nem chợ Huyện, bún cá Quy Nhơn...

Bên cạnh đó, còn phải kể đến Liên hoan Võ thuật Cổ truyền Bình Định tổ chức tại huyện Tây Sơn. Khác với Liên hoan và thi đấu võ thuật trong chương trình chính, Liên hoan Võ thuật Cổ truyền giới thiệu sâu về truyền thống võ Bình Định bằng việc biểu diễn các bài quyền, roi, thập bát ban binh khí, quy tụ các võ sư thuộc các làng võ trong tỉnh. Theo chúng tôi, đây sẽ là hoạt động có sức thu hút du khách. Ngoài ra, còn có đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại, biểu diễn bài chòi (dự kiến tại An Nhơn), biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước tại một số tụ điểm chính. Theo dự kiến, ngoài Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Trung ương, Đoàn Xiếc Hà Nội, Đoàn Ca múa Bông Sen (thành phố Hồ Chí Minh), Đoàn Nghệ thuật Chăm (Ninh Thuận)... sẽ mời thêm một số đoàn nghệ thuật ở một số nước trong khu vực tham gia.

Ngoài ra, việc tổ chức các tour du lịch tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các tour du lịch biển... cũng sẽ góp phần giúp du khách có dịp tìm hiểu thêm về đất nước, con người và truyền thống văn hóa Bình Định

 

Chỉnh trang các di tích lịch sử - văn hóa là việc cần làm ngay để chuẩn bị Festival Đống Đa - Tây Sơn 2007. Ảnh: V.T

* Thời gian tổ chức: cần cân nhắc

Một trong những điểm còn băn khoăn hiện nay là thời gian tổ chức festival. Nếu tổ chức festival trùng với thời gian tổ chức Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn hàng năm thì festival sẽ có điểm nhấn, giúp festival mang đậm chất Bình Định và quy tụ lòng người nhiều hơn. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan chiều ngày 20-4, ông Văn Trọng Hùng - Giám đốc Sở VHTT tỉnh, cho rằng: tổ chức festival vào thời điểm này sẽ gặp khó khăn. Trước hết, đây là thời điểm nghỉ Tết nên khó huy động nhân lực. Hơn nữa, quãng thời gian dành cho tập luyện sẽ rơi vào mùa mưa. Đây cũng là thời điểm các đoàn nghệ thuật trong nước bận rộn với các chương trình Tết nên sẽ khó mời họ tham gia festival. Tổ chức festival vào dịp 31-3 (ngày Giải phóng tỉnh Bình Định) sẽ thuận lợi hơn cả về huy động nhân lực lẫn tổ chức các tour du lịch biển đảo. Hơn nữa, tổ chức vào dịp này, chúng ta có thêm thời gian cho khâu chuẩn bị (8 tháng), nhất là trong chỉnh trang bộ mặt đô thị. "Sở VHTT tỉnh sẽ trình cả hai phương án thời gian tổ chức để lãnh đạo tỉnh quyết định"- ông Hùng khẳng định.

  • Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Đào khảo sát dấu tích Cảng thị Nước Mặn  (25/04/2006)
Kỳ IV: Thời kỳ Biển nhớ và những bóng hồng  (25/04/2006)
Nghe Hữu Thỉnh thương lượng với thơ  (24/04/2006)
Bút danh "thật" hơn tên thật  (24/04/2006)
Triển khai xây thêm một số hạng mục tại Bảo tàng Quang Trung   (21/04/2006)
Có một “Thiếu lâm tự” của Bình Định xưa   (21/04/2006)
Bình Định - một vùng núi sông lung linh huyền thoại   (21/04/2006)
Ca sĩ hát quán café: Hạnh phúc khi được đồng cảm  (20/04/2006)
Kỳ III: Lãng du cùng Tiếng hát dã tràng   (18/04/2006)
Giữ gìn tiếng nói, chữ viết Bana Kriêm Vĩnh Thạnh  (18/04/2006)
Lễ hội giỗ tổ nghề đúc và các bậc tiền hiền  (17/04/2006)
Những vòng khoen lá tre   (14/04/2006)
Đời phản   (14/04/2006)
Đời sống âm nhạc Bình Định: Vẫn còn trầm lặng  (13/04/2006)
Đồi 10 được xếp hạng di tích Quốc gia  (12/04/2006)