Truyện ngắn của Huỳnh Thúc Giáp
1.
Tôi khoác ba lô lên đến xã vùng cao Sơn Vĩnh khi trời đã xẩm tối. Chiều vùng cao khá lạnh dù đã sang hè. Gió đại ngàn thổi ù ù khiến những đám hoa dại nở dọc bên đường lên trụ sở ủy ban xã nghiêng ngả, rối tung. Biết tôi lần đầu tiên lên Sơn Vĩnh công tác và có thể sẽ ở lại vài ba ngày, Bá Thạch, chủ tịch xã, là người Bana, sau cái bắt tay thật chặt đã giới thiệu tôi với "một ông người Kinh có cái mặt buồn rất hiếu khách". Lời giới thiệu lạ lùng đó khiến tôi trở thành khách của anh ta ngay.
Quả nhiên, Bình, tên người đàn ông "có cái mặt buồn rất hiếu khách", có gương mặt nhàu nhĩ như thể anh ta phải chịu đựng và gặm nhấm một nỗi đau khủng khiếp nào đó. Bình hơn tôi khoảng chục tuổi, làm văn thư ủy ban xã. Thấy tôi ngạc nhiên khi biết anh là người Kinh duy nhất ở xã vùng cao này, Bình cười buồn, nói: "Mình đến và ở lại Sơn Vĩnh này đã vừa chẵn hai mươi năm". Rồi anh im lặng. Tôi cũng im lặng, lắng nghe tiếng gió đại ngàn đuổi nhau trên những tán lá rừng, xô vào những vách đá hùng vĩ và linh cảm rằng, trước sau gì anh cũng chia sẻ với tôi về nỗi buồn đau mà anh đang gánh chịu.
2.
Đêm đó, sau khi vít cong vài cần rượu, bên bếp lửa tí tách, Bình kể, kể rất dài về nguyên do anh đến Sơn Vĩnh và ở lại để trở thành người Sơn Vĩnh thứ thiệt. Câu chuyện của anh buồn quá, thỉnh thoảng anh xuống giọng thì thầm như kể cho chính anh nghe, lại cộng với men rượu tưng tưng nên tôi không nhớ hết các chi tiết, chỉ đại khái chắp nối lại rằng, hai mươi năm trước, Bình là công nhân đến Sơn Vĩnh để tham gia thi công một cây cầu nhỏ. Cầu xây chưa xong thì anh đã phải lòng một cô sơn nữ người Bana mồ côi cả cha lẫn mẹ tên là Lan. Hai người yêu nhau và Lan đã có bầu. Rồi cầu xây xong, Bình phải theo đơn vị trở về xuôi với lời hứa sẽ sớm trở lại để cưới Lan.
Công việc dưới xuôi bận rộn, mãi gần nửa năm sau Bình mới trở lại Sơn Vĩnh thì Lan, do sợ làng phạt vì sinh con mà không có cha, đã bồng con xuống đồng bằng tìm Bình. Được tin này, Bình chết lặng. Anh vội quay về xuôi để tìm Lan nhưng tìm suốt cả năm trời vẫn không có kết quả. Mẹ con Lan bặt vô âm tín. Bình lại ngược lên Sơn Vĩnh với hy vọng Lan sẽ quay trở lại. Anh chờ. Chiều nào cũng ra đầu cầu ngóng chờ với hy vọng Lan sẽ địu con trở lại Sơn Vĩnh, cứ sợ nếu anh về xuôi mà Lan đột ngột trở lại không gặp được anh thì cô sẽ lại bỏ đi nên anh cứ lần lữa, nấn ná, chờ đợi như thế. Anh không tin là Lan đã tự tử hoặc qua đời vì một tai nạn bất chợt nào đó. Rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, hai mươi năm đã trôi qua lúc nào chẳng biết. Từ một chàng trai tóc xanh, Bình đã trở thành một ông già đầu bạc dù anh mới qua tuổi bốn mươi một chút.
Thấy "thằng người Kinh" chung tình, giữ trọn lời hứa, dân làng đã thương tình dựng nhà cho anh, rồi tiến cử anh vào làm văn thư xã. Bình trở thành người Sơn Vĩnh thứ thiệt lúc nào chẳng hay. Anh cứ ở vậy, một mình, dù trong làng cũng có nhiều cô sơn nữ khác rất "ưng cái bụng" với anh.
Mấy ngày sau, xong việc, tôi chia tay anh. Bình nói, nghèn nghẹn: "Chú làm báo, đi nhiều, có gặp Lan của tôi thì nhắn giúp tôi nhé." Tôi nhận lời. Và dù anh không nhờ, tôi cũng đã hứa với mình rằng tôi sẽ cố gắng tìm Lan cho anh.
Tôi cũng đã viết câu chuyện cảm động của anh lên báo, trong mục hôn nhân gia đình, với hy vọng Lan hoặc ai đó đọc được sẽ thông tin cho Lan giúp anh, người đàn ông chung tình khốn khổ, nhưng câu chuyện về người đàn ông chung tình của tôi cũng chẳng nhận được một chút hồi âm. Trong những chuyến công tác tại các địa phương, tôi cũng đã cố công nghe ngóng, tìm kiếm cô Lan nhưng vô vọng lại hoàn vô vọng.
3.
Cuối năm 2005, tôi có chuyến công tác ở vùng biển Phụng Mỹ để viết về điển hình làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở vùng biển này. Hội phụ nữ xã giới thiệu tôi đến gặp một điển hình là chị Đinh Thị Lan. Chị là người gương mẫu nhất trong công tác kế hoạch hóa gia đình bởi chỉ sinh một cháu gái rồi thôi, dù tâm lý người dân ở vùng biển là thích sinh nhiều con trai.
Không may khi tôi đến nhà, chị Lan đã xuống bến cá để chờ thuyền về, chỉ còn chồng chị ở nhà. Đó là một người đàn ông có gương mặt phúc hậu, tên Hưng. Khi biết mục đích chuyến công tác của tôi, anh Hưng xởi lởi mời tôi vào nhà ngồi đợi chị Lan vì "đến trưa bả mới về". Chuyện trò qua lại dăm câu, nhân tiện tôi phỏng vấn luôn anh Hưng vì anh đã "phối hợp" tốt với vợ trong việc thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình. Nghe tôi hỏi, anh Hưng đang vui bỗng trở nên xa xăm. Lát sau, chậm rãi, anh nói: "Thiệt tình với chú, tui không còn có khả năng sinh con từ lâu. Bom đạn và chất độc của giặc đã cướp đi quyền làm cha của tui. Con Biển là con riêng của bả."
Tôi lặng ngắt. Có lẽ bí mật này anh chỉ nói riêng với tôi. Thật tình lúc đó, tôi rất bối rối và không thể hỏi thêm gì, không biết nói câu gì để chia sẻ với anh. Còn Hưng, như đã được khơi dòng tâm sự, anh kể: Cách đây chừng hơn hai chục năm, anh bắt gặp một phụ nữ trẻ bồng con hỏi đường rồi xin quá giang. Hỏi người phụ nữ trẻ ấy về đâu, cô ta nói không biết, chỉ nói rằng cô ta đi tìm chồng và đứa con gái nhỏ trên tay sắp chết vì đói, vì khát. Thương tình, anh đưa mẹ con cô ấy về nhà và hứa sẽ đi tìm chồng giúp cô ta. Nhưng tìm đâu cho thấy giữa biển người mênh mông? Và rồi cái người phụ nữ xin quá giang một đoạn đường kia đã quá giang luôn vào cuộc đời của anh. Thấm thoát đã hơn hai mươi năm rồi.
Hai mươi năm… Người phụ nữ trẻ bồng con đi tìm chồng… Câu chuyện anh Hưng kể lẫn tiếng sóng biển ầm ì, lẫn mùi gió biển mặn mòi và tanh nồng mà tôi lại thấy như có tiếng gió gầm rú từ đại ngàn Sơn Vĩnh ập về, thấy những bông hoa dại ngã rạp xác xơ trong gió rừng. Tôi nhớ đến anh Bình. Lại nhớ đến tên người đàn bà là Đinh Thị Lan. Chính chị Lan đây rồi, chị Lan của anh Bình đây rồi. Tôi không kìm được, hỏi ngay: "Bà xã anh là người Bana phải không?". Hưng chưa kịp trả lời thì có tiếng một phụ nữ vọng lên từ ngoài cửa: "Phải, tui là người Bana." Chị Lan bước vào trong sự quan sát của tôi. Qua lời kể của anh Bình, tôi linh cảm được đây chính là cô sơn nữ Lan của vùng cao Sơn Vĩnh hai mươi năm về trước.
Và đến lượt tôi, hết sức kìm nén và tế nhị, tôi kể về chuyện một người đàn ông tên Bình chung tình và đau khổ, trách mình và trách trời, mòn mỏi và hy vọng chờ người vợ sắp cưới ở nơi non cao núi thẳm suốt hai mươi năm ròng. Kể xong, tôi rưng rưng. Anh Hưng cũng rưng rưng. Còn chị Lan thì khóc ngất.
Khi cơn xúc động cùng lắng lại, chị Lan nói: "Câu chuyện của anh làm tui cảm động quá. Nhưng tui không phải là người Sơn Vĩnh. Tui là người ở vùng Trà Sơn, cách Sơn Vĩnh tới mấy trăm cây số lận."
Câu nói ráo hoảnh của chị làm tôi chưng hửng. Lẽ nào lại có sự trùng hợp đến như vậy, lẽ nào lại có hai cô Lan cùng bồng con đi tìm chồng của hai mươi năm về trước?
4.
Sau chuyến công tác về Phụng Mỹ ít lâu, tôi dự định sẽ trở lại Sơn Vĩnh để kể cho anh Bình nghe câu chuyện về chị Lan và anh Hưng, để chia sẻ với anh về những linh cảm, hy vọng rồi thất vọng của tôi khi chị Lan nói rằng chị không phải ở Sơn Vĩnh mà là ở Trà Sơn. Nhưng chưa kịp đi thì bất ngờ tôi nhận được hai lá thư. Lá thư đầu tiên là của chị Lan, lá thư thứ hai là của anh Hưng. Thư chị Lan viết, nét chữ nguệch ngoạc và đôi chỗ bị nhòe, chứng tỏ chị đã rất xúc động khi cầm bút viết thư cho tôi:
"Tui khóc suốt mấy ngày rồi mới viết thư cho chú. Tui phải giấu ổng để viết thư cho chú. Tui xin lỗi chú, tui chính là Lan ở Sơn Vĩnh. Tui không ngờ anh Bình lại quay trở lại tìm tui, tui có tội với ảnh quá. Ngày đó vì quá bồng bột và cũng vì sợ làng phạt vạ, tui đã bồng con Biển đi tìm ảnh nhưng không biết tìm đâu. Rồi tui hận ảnh, cho rằng ảnh đã lừa dối tui. Trong cảnh cùng đường ấy, tui đã được anh Hưng cưu mang. Ảnh coi con Biển như con đẻ. Con Biển cũng sắp lấy chồng rồi chú à. Ảnh quá tốt đối với mẹ con tui nên tui không thể nào làm ảnh đau khổ. Tui nói dối không phải ở Sơn Vĩnh là vì lý do vậy đó. Bây giờ tui phải làm sao, tui muốn về Sơn Vĩnh gặp anh Bình để tạ tội với ảnh nhưng lại sợ mắc tội với anh Hưng. Tui phải làm sao bây giờ hả chú? Chú cho tui một lời khuyên. Tui mong chờ thư chú."
Còn thư của anh Hưng cũng khá dài:
"Tui viết thư này mong được chú chia sẻ và giúp tui. Sau khi chú đi, tui thấy bả thầm khóc suốt mấy ngày, rồi ra ngơ vào ngẩn. Bả giấu nhưng tui biết, bả chính là người vợ chưa cưới của anh Bình trên Sơn Vĩnh. Tội nghiệp ảnh quá phải không chú? Tui không hề có ý định giựt vợ con của ảnh đâu, chẳng qua do ông trời khéo bày đặt để thử thách tụi tui. Mấy lần tui định khuyên bả trở lại Sơn Vĩnh để tìm gặp anh Bình, nhưng tui không cách nào mở miệng được. Thú thực với chú, tui rất sợ mất bả, mất con Biển dù đó không phải là của tui. Nhưng không nói thì tui cứ áy náy quá chừng. Tui định giấu bả, đi tìm gặp anh Bình để kể hết mọi chuyện, rồi ảnh tính sao thì tính nhưng rồi lại chần chờ. Nay tui đã quyết rồi, tui nhờ chú lên gặp anh Bình. Tính ra, ảnh còn đáng thương hơn tui, vì dù sao, tui cũng đã có 20 năm hạnh phúc với mẹ con bả rồi. Chú cố gắng giúp tui nhé. Tui đội ơn chú.
Tái bút: Tui viết thư riêng cho chú thôi, đừng cho bả biết nghen chú.
Ký tên: Hưng."
Đọc xong thư của chị Lan và anh Hưng, đầu tôi bùng nhùng vì chuyện của ba người. Người nào cũng đáng thương và tôi không biết làm cách nào để ba người không bị thêm một lần tổn thương nữa. Tôi không biết họ sẽ kết thúc câu chuyện này ở đâu, như thế nào. Tôi không biết nhưng dù sao, ngày mai tôi cũng đi Sơn Vĩnh.
|