Tiến tới Giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn lần thứ 3 (2001- 2005):
Vài ý kiến nhỏ về một giải thưởng lớn
8:51', 9/5/ 2006 (GMT+7)

Giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn là một giải thưởng lớn, cả về quy mô, giá trị và nhất là sức tác động đối với đời sống sáng tác trong tỉnh. Chuẩn bị cho lần xét giải thứ 3 (2001-2005) này, UBND tỉnh có chỉ đạo lấy ý kiến góp ý vào Quy định xét giải. Hưởng ứng cuộc “lắng nghe” này, xin có mấy ý kiến nhỏ.

Trước hết, về những quy định xét thưởng. Trong Điều 2 quy định đối tượng dự giải “có hộ khẩu thường trú tại Bình Định”, theo tôi, nên bổ sung thêm đối tượng là người Bình Định ở địa phương khác có tác phẩm viết về Bình Định. Sự mở rộng này sẽ làm cho chất lượng giải cao hơn.

 

                     Trao giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn lần 2

Trong Điều 5 và 6 quy định điều kiện và tiêu chuẩn xét thưởng rất cụ thể nhưng những quy định này vẫn còn có những điểm bất cập. Chẳng hạn, về mỹ thuật và nhiếp ảnh, quy định phải được triển lãm hoặc in thành tập. Trong khi đó, làm được một phòng triển lãm phải tốn đến vài chục triệu, còn nếu in tập tranh, ảnh còn tốn kém hơn, rất nhiều người không đủ điều kiện để làm được. Còn nếu tổ chức triển lãm để cho có, mang tính thủ tục, thì sẽ tạo ra những phòng tranh kém chất lượng. Hãy lấy một ví dụ: họa sĩ Lê Duy Khanh 3 năm liền (2002, 2003, 2004) triển lãm khu vực đều được nhận giấy khen, năm 2003 lại được giải ba toàn quốc về tranh cổ động, lượng tranh in đến 1 vạn bản, năm 2005 lại là một trong 2 tác giả của Bình Định vinh dự được dự treo Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 5 năm. Vậy nhưng vì nhiều lý do, họa sĩ này chưa làm nổi một phòng triển lãm cá nhân, nên không được đưa ra xét và trao giải. Một trường hợp khác, ở môn nhiếp ảnh, 5 năm qua nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt có những thành tích rất đáng tự hào. Đào Tiến Đạt là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đầu tiên ở Bình Định, có hàng mấy chục tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế và trong nước, được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng khen. Vậy nhưng, cái quy định ngặt nghèo đó đã khiến Đào Tiến Đạt không có mặt trong lần xét giải này.

Nói đến văn học - nghệ thuật thì phải nói đến tác phẩm, việc trao giải thưởng phải trao cho tác phẩm chứ sao lại trao cho phòng triển lãm? Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ (Bình Dương), giải Dục Thanh (Bình Thuận)… cũng trao cho tác phẩm cụ thể chứ không cần đến quy định: phòng, sách, tranh - ảnh.

Đã quy định “dịch thuật được hưởng 80%, sưu tầm được hưởng 60% theo giá trị mỗi giải thưởng” (Điều 8) thì cũng nên phân định mức thưởng đối với tác phẩm chuyển thể của thể loại sân khấu. Không thể đánh đồng công sức sáng tạo của kịch bản văn học và kịch bản chuyển thể.

Về quy trình xét thưởng quy định khá chặt chẽ. Tuy nhiên dư luận lại có cảm giác giải thường là trao cho “người” chớ không phải trao cho “tác phẩm”. Chẳng hạn, không ai trong các thành viên của hội đồng giám khảo và tổ giúp việc rành về Trung văn, không thấy có bài viết nào của các chuyên gia dịch thuật ca ngợi tài dịch của tác giả Trà Ly, vậy mà tác phẩm dịch Tuyết vẫn rơi trên cỏ của tác giả này vẫn được trao giải A. Hay như triển lãm tranh của họa sĩ Lan Hương tổ chức tại Hà Nội, không ai trong hội đồng giám khảo nhìn thấy phòng tranh, vậy mà chỉ dựa vào vài bài viết trên báo, phòng tranh này cũng được trao giải A. Lan Hương là một họa sĩ có những thành công nhất định trong mảng mỹ thuật tỉnh, nhưng với cách trao giải có vẻ nhăm nhắm “người” mà trao liệu có khoa học không? Không riêng gì hai trường hợp đã nêu, nhiều trường hợp dư luận công chúng thấy giải thiên về “người” hơn “tác phẩm”.

Sáng tác là một tiến trình có đột biến không ngừng. Giả dụ hôm nay tác giả này có tác phẩm đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật xứng đáng giải cao, nhưng 5 năm sau, tác phẩm của tác giả đó có thể làng nhàng hoặc ngược lại. Do vậy, để vàng - thau rạch ròi cần phải hết sức công tâm vì sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà, việc xét giải cần tránh tình trạng “đẳng cấp ảo”, “nhìn mặt” chứ không căn cứ vào “chất lượng cụ thể từng thời điểm” của các tác giả.

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu chuyện 3 người   (07/05/2006)
Khuyên tai ba mấu bằng gốm: hiện vật quý về văn hóa Sa Huỳnh   (05/05/2006)
Kỳ V: Quy Nhơn - ngày trở lại  (02/05/2006)
Festival Đống Đa - Tây Sơn 2007: Sẽ đậm chất Bình Định   (26/04/2006)
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Đào khảo sát dấu tích Cảng thị Nước Mặn  (25/04/2006)
Kỳ IV: Thời kỳ Biển nhớ và những bóng hồng  (28/04/2006)
Nghe Hữu Thỉnh thương lượng với thơ  (24/04/2006)
Bút danh "thật" hơn tên thật  (24/04/2006)
Triển khai xây thêm một số hạng mục tại Bảo tàng Quang Trung   (21/04/2006)
Có một “Thiếu lâm tự” của Bình Định xưa   (21/04/2006)
Bình Định - một vùng núi sông lung linh huyền thoại   (21/04/2006)
Ca sĩ hát quán café: Hạnh phúc khi được đồng cảm  (20/04/2006)
Kỳ III: Lãng du cùng Tiếng hát dã tràng   (18/04/2006)
Giữ gìn tiếng nói, chữ viết Bana Kriêm Vĩnh Thạnh  (18/04/2006)
Lễ hội giỗ tổ nghề đúc và các bậc tiền hiền  (17/04/2006)